Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, QBS giải trình ra sao?
Tại báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán của Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HoSE: QBS), kiểm toán viên đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
>>Cổ phiếu VTL đối diện “án” hủy niêm yết bắt buộc
Cụ thể, kiểm toán nhấn mạnh, trong năm 2022, doanh thu của QBS giảm 76,41% so với năm 2021, kết quả kinh doanh lỗ hơn 138,7 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 220 tỷ đồng và dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 104,4 tỷ đồng. Điều đó dẫn đến yếu tố nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty trong tương lai.
Theo giải trình của doanh nghiệp, hiện nay, ban điều hành công ty đang tích cực tiến hành tái cấu trúc các hoạt động kinh doanh, cũng như đôn đốc thu hồi các khoản công nợ phải thu từ khách hàng để thu hồi vốn chi trả các khoản gốc và lãi quá hạn thanh toán với ngân hàng và nhà cung cấp.
Đến thời điểm hiện tại, công ty đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ phải trả với các nhà cung cấp, các khoản nợ ngân hàng cũng đã được thanh toán. Công ty đang nghiên cứu đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh vào các lĩnh vực mới có hiệu quả hơn.
QBS hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu hàng hóa, kho bãi và lưu trú hàng hóa, buôn bán phân bón và hóa chất. Cổ phiếu QBS được niêm yết trên sàn giao Chứng khoán TP.HCM từ tháng 9/2021. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh kém sắc và thua lỗ 2 năm liên tiếp (2019, 2020), lần lượt âm hơn 174 tỷ đồng và gần âm 98 tỷ đồng, nên cổ phiếu QBS đã bị HoSE đưa vào diện kiểm soát từ ngày 8/4/2021.
Đồng thời, cảnh báo về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc nếu kết quả kinh doanh năm 2021 tiếp tục là con số âm. Nhưng may mắn là năm 2021, doanh nghiệp này lãi vỏn vẹn hơn 4,5 tỷ đồng, qua đó, thoát án hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc.
Sang năm 2022, doanh nghiệp này quay trở lại với trạng thái thua lỗ nặng, khi ghi nhận lỗ hơn 138 tỷ đồng. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt hơn 359 tỷ đồng, giảm hơn 76,4% so với năm 2021. Giá vốn cao, cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên hơn 139 tỷ đồng, tăng hơn 1.332% so với năm 2021, khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 138,7 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, ngành phân bón trong nước đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, do những bất ổn của thị trường, những chính sách không phù hợp. Từ quý IV/2022, giá dầu khí tuy không tăng, nhưng giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh, đặc biệt là giá Urê, trong khi giá bán đầu ra thấp và chậm, nên áp lực tồn kho cà chi phí tài chính đang rất lớn.
Đối với ngành hóa chất, doanh nghiệp cho rằng, do ảnh hưởng chung sau đại dịch, nguồn hàng cung cấp trong nước khó cạnh tranh với hàng nước ngoài, cũng như các nhà máy sản xuất trong nước gặp khó khăn khi mua dự trữ nguyên liệu lúc giá cao, khiến giá thành sản xuất phân bón cao, việc bán hàng của các nhà máy sản xuất phân bón lớn trong nước chậm lại...
Đáng chú ý, tổng tài sản của doanh nghiệp này cũng giảm mạnh xuống còn hơn 578 tỷ đồng, tương đương với giảm gần 54% so với đầu năm, chủ yếu do doanh nghiệp cắt giảm khoản đầu tư vào công ty con; các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm gần 34%, xuống còn hơn 500 tỷ đồng. Trong khi, hàng tồn kho tăng lên hơn 50 tỷ đồng, đầu năm chỉ hơn 652 triệu đồng.
Nợ phải trả của QBS cũng giảm mạnh từ gần 632 tỷ đồng hồi đầu năm, xuống còn gần 93 tỷ đồng, tương ứng với giảm gần 85,3%, chủ yếu do giảm nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn.
Không chỉ kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp này cũng gặp vấn đề về dòng tiền, khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 104,4 tỷ đồng; dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng âm hơn 354,6 tỷ đồng; dòng tiền đầu tư dương hơn 456,8 tỷ đồng.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, QBS đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023, với doanh thu thuần đạt từ 400-600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế có lãi 4 tỷ đồng. Tỷ lệ trả cổ tức dự kiến tùy theo tình hình thực tế.
Để đạt được mục tiêu trên, doanh nghiệp cho biết, đối với mảng kinh doanh phân bón, hóa chất, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của năm, tăng cường công tác phối hợp với các đối tác, đại lý và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.
Đồng thời, tăng cường các giải pháp tiết giảm chi phí, giải pháp về thị trường, mở rộng thị trường quốc tế; tiếp tục tìm kiếm cơ hội kết nối đến các khách hàng có nhu cầu để trở lại tăng trưởng bán hàng lưu huỳnh và axit sulphuric trong thị trường nội địa. Dự kiến kế hoạch nhập khẩu 10.000 tấn trong năm 2023…
Có thể bạn quan tâm