Sabeco kém “sủi bọt”
Áp lực cạnh tranh lớn, suy thoái kinh tế toàn cầu, chi phí đầu vào tăng… đã và đang khiến Tổng Công ty Bia Rượu Nước Giải khát Sài gòn (HoSE: SAB) gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.
>>>Doanh nghiệp ngành bia “hụt hơi”
Khó khăn lớn nhất của SAB hiện nay là áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, chi phí đầu vào liên tục tăng cao…
Chỉ hoàn thành 38% kế hoạch
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, SAB ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.526 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.214 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Năm 2023, SAB đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện trong năm 2022.
Kết thúc nửa đầu năm nay, SAB mới hoàn thành được 36% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Theo giải trình của SAB, doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do cạnh tranh gay gắt giữa các hãng bia quốc tế trên thị trường, bất ổn kinh tế toàn cầu và tiếp tục thực hiện Nghị định 100/2019, cùng với ảnh hưởng của chi phí đầu vào, chi phí bán hành, chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn.
Trong năm 2023, Công ty Chứng khoán SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của SAB lần lượt đạt 33,1 nghìn tỷ đồng, giảm 5,3% và 4,9 nghìn tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2022.
Trong năm 2024, dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của SAB lần lượt đạt 36,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9% và 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Dự báo này chưa tính đến việc hợp nhất SAB và công ty liên kết bao bì.
>>>Doanh nghiệp dễ “mất điểm” vì chưa kịp bắt trend bao bì sản phẩm
Thách thức lớn phía trước
SAB vừa thông báo chốt quyền phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Với tỷ lệ thực hiện 1:1, tức 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới), SAB sẽ phát hành gần 641,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông.
2.214 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của SAB, giảm 27% so với cùng kỳ 2022.
Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty tại ngày 31/12/2022, căn cứ theo báo cáo tài chính riêng năm 2022 đã kiểm toán. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của SAB sẽ tăng lên gấp đôi lên xấp xỉ 12.826 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên SAB phát hành tăng vốn từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2016.
Có thể nói, với sự đi xuống của kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu SAB trên thị trường chứng khoán giảm sâu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/8, cổ phiếu SAB giảm xuống 158.100 đồng/cp, tương ứng với giá trị vốn hóa gần 100.000 tỷ đồng ( tương đương khoảng 4,5 tỷ USD), giảm hơn 20% kể từ cuối năm 2022. Đây cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này trong vòng 01 năm qua.
Dù giá cổ phiếu SAB đã giảm, nhưng hiện vẫn còn cao hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành nghề. Tuy nhiên, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp này. Điều này sẽ đặt ra thách thức rất lớn đối SAB khi phấn đấu lấy lại đà tăng trưởng mạnh như những năm trước.
Có thể bạn quan tâm