Chợ nổi Cái Bè - Cần bảo tồn để giữ “hồn” sông nước Miền Tây
“Chợ nổi Cái Bè nếu không có sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, nó sẽ mất đi như đã từng xuất hiện”.
>>Làng chài Hải Lý (Nam Định) trong con mắt của những “kẻ sĩ”
Đây là lời nhận định của PGS.TS Đỗ Ngọc Anh - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Những năm gần đây, di chuyển bằng ghe xuồng không còn chiếm vị trí độc tôn nữa. Mạng lưới giao thông đường bộ phát triển, việc di chuyển của người dân thuận lợi hơn. Người dân có quyền lựa chọn cuộc sống của mình theo thuyết lựa chọn hợp lý, tối ưu hóa cho cuộc sống.
Như PGS. TS Đỗ Ngọc Anh chia sẻ, trải qua sự thăng trầm của lịch sử, dường như chỉ có dân thương hồ đường xa vẫn trung thành bám trụ với chợ nổi, có điều cuộc sống của họ dần khó khăn hơn. Đã qua rồi cái thời người dân thương hồ nghêu ngao câu: “Đạo nào vui bằng đạo đi buôn - Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông”. Diện mạo và xu hướng thay đổi của chợ nổi Cái Bè hôm nay rất có thể sẽ là mô hình nhìn thấy trước của chợ nổi Cái Răng, khi mà hệ thống đường bộ đã rất phát triển, công nghệ thông tin đã rất hoàn thiện. Lực lượng còn ở lại chợ suy cho cùng vẫn là lớp dân thương hồ với xu hướng ngày một nhiều thêm do lượng đất canh tác ngày càng ít đi, dân số ngày càng nhiều.
Từ hàng trăm năm nay, những khu chợ nổi vẫn được những người dân Miền Tây duy trì tập quán, buôn bán và họp chợ trên những khúc sông. Dẫu đường bộ đã đã phát triển và ngày càng có cây cầu nối hai bờ sông để giao thương, sinh hoạt có nhiều thuận tiện và phát triển mạnh mẽ hơn nhưng càng vì thế thì những khu chợ nổi trăm năm tuổi này càng có nhiều cơ hội để được quan tâm và phát huy giá trị văn hóa nhiều hơn.
Khách du lịch đến với Cái Bè ngày một đông bởi thị trấn này có những dãy phố nằm dọc theo bờ sông, lúc ẩn lúc hiện dưới hàng dừa nước và những rặng bần mà nhìn xa ngỡ như một bức tranh thủy mặc. Cái Bè mang một vẻ đẹp thuần quê, thấm đẫm chất miệt vườn. Ở đây, vườn nối tiếp vườn, sông nối tiếp sông, kênh rạch đan xen nhau. Chợ Cái Bè là chợ đầu mối lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ.
Chợ diễn ra trên sông, họp suốt ngày đêm trên quy mô lớn. Hàng hoá rất đa dạng, phong phú với các xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây, chủ yếu bán nước uống, điểm tâm sáng cho người đi chợ: Bánh ướt, hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh, cà phê, trà đá... Khu vực bán các loại rau củ quả chạy dài từ ngã ba Nhà Thờ đến cửa vàm Long Hải…
Khi mặt trời khuất sau rặng cây phía xa xa thì cũng là lúc “thành phố nổi” lên đèn. Ban đêm chợ nổi đèn đóm sáng trưng trông như sao sa. Có những chiếc ghe treo những chiếc đèn lồng nho nhỏ ở trước mũi thuyền trông thật sinh động.
>>Điện Biên kích cầu du lịch
Bởi tính đặc thù của khu chợ nổi Cái Bè nên đã tạo nên những biến đổi tự nhiên theo thời gian, và khó tránh khỏi sự biến đổi phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người và các yếu tố khách quan bởi tác động kinh tế và địa lý.
PGS. TS Đỗ Ngọc Anh nhận định, sự hình thành, hưng thịnh và suy yếu của chợ nổi Cái Bè mang tính thời cuộc, do nó hình thành tự nhu cầu vận chuyển, giao dịch hàng hóa, chính vì thế khi các chức năng ấy thay đổi, diện mạo chợ nổi Cái Bè cũng thay đổi theo hướng thu hẹp dần phạm vi và tính chất.
Chợ nổi Cái Bè là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Tiền Giang nói riêng và Tây Nam bộ nói chung, du lịch chợ nổi cũng góp phần làm đa dạng hóa các loại hình du lịch cho vùng. Do đó, việc bảo tồn giá trị văn hóa Chợ nổi Cái Bè cần được quan tâm và chú trọng.
Theo tiến trình phát triển, cùng với tác động của nhiều yếu tố khách quan, Chợ nổi Cái Bè hiện đứng trước nguy cơ mai một những giá trị làm nên bản sắc. Hiện nay, Chợ nổi Cái Bè đã không còn là một chợ nổi đông đúc, trên bến dưới thuyền như ngày trước. Bên cạnh đó, Chợ nổi Cái Bè còn thiếu nhiều sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Điều này làm cho sức hút của chợ nổi đối với du khách cũng giảm dần.
Để đảm bảo duy trì và phát triển được mô hình khu chợ nổi như vốn có nhất thiết cần đến sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương dựa trên sự đảm bảo về sinh kế từ vốn văn hóa bản địa của chính họ.
Ngoài ra, cần nhìn nhận được những yếu tố bản địa mang giá trị tài nguyên của nó, “phát hiện lại” những giá trị này trong mối liên hệ mật thiết với kinh tế, công nghệ, văn hóa, du lịch. Cần tạo ra và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm được sinh sống ở chợ nổi dù chỉ trong một buổi chợ, và cũng giống như trong bảo tàng có không gian khám phá dành cho du khách tự mình tham gia vào một sự kiện lịch sử giả định, chợ nổi cũng cần tổ chức cho du khách được một lần trải nghiệm với vai trò thương hồ trên không gian sông nước miền Tây.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: kích cầu hút khách du lịch nội tỉnh, nội địa
16:00, 11/03/2023
Điện Biên kích cầu du lịch
03:00, 11/03/2023
Thúc đẩy hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam
03:00, 10/03/2023
Tín hiệu khởi sắc của du lịch Hà Nội
03:00, 09/03/2023
Du lịch phục hồi, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn có sự phân hóa
05:00, 08/03/2023