Làm dày vốn cho DNNVV

Thy Hằng 21/08/2018 16:00

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, chuyên đề Vốn - Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi, vì sao hoạt động kinh doanh, nhất là DNNVV lại thiếu khả quan, phải chăng do tình trạng vốn mỏng?

Cụ thể, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, song song với ổn định tài chính vĩ mô, các công cụ fintech, cho thuê tài chính, cho thuê hoạt động… cần được tăng cường để tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNVVN.

Tín dụng đen chiếm 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa có cấu trúc vốn. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp này chưa hiểu nhiều về cơ cấu vốn trong khi việc tiếp cận ngân hàng, gặp nhiều khó khăn. Vốn thực chỉ chiếm 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen".

Báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) mới đây cũng cho thấy, có khoảng 30-40% tổng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là vốn phi chính thức.

Trên thực tế, mặc dù chiếm 97% số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế nhưng 6 tháng đầu năm 2018, dư nợ tín dụng đối với DNNVV toàn quốc chỉ chiếm khoảng 21% dư nợ toàn nền kinh tế. 60% DNNVV vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính thức. Ngay cả các quỹ được Chính phủ thành lập để hỗ trợ DNNVV như Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ phát triển DNVVN việc giải ngân cũng tương đối chậm trễ. Đơn cử, từ năm 2014, Quỹ phát triển DNVVN mới chỉ giải ngân 145 tỷ/2000 tỷ đồng.

Thừa nhận thực tế này, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, quỹ tín dụng đen tồn tại theo nhu cầu của người dân. Vay theo hình thức này khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng. “Có tình trạng người dân, doanh nghiệp dùng nguồn vay từ tín dụng đen trả nợ ngân hàng. Song song đó, người ta không muốn gửi ngân hàng vì cho vay bên ngoài lãi suất cao hơn” - ông Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, doanh nghiệp cho rằng, nguồn vốn phi chính thức này chưa hoạch định vào chi phí hợp lệ của doanh nghiệp. “Do đó, mong muốn Chính phủ có thể tạo ra khung pháp lý để giúp DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn này hợp pháp, bởi chi phí sử dụng vốn lên đến trên 10% nhưng chưa được hoạch định vào chi phí hợp lệ”, ông Hùng kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng: Kiên quyết để Việt Nam sớm được công nhận thị trường chứng khoán mới nổi

    Phó Thủ tướng: Kiên quyết để Việt Nam sớm được công nhận thị trường chứng khoán mới nổi

    13:00, 21/08/2018

  • Quỹ hưu trí tư nhân là công cụ cung cấp vốn dài hạn hiệu quả

    Quỹ hưu trí tư nhân là công cụ cung cấp vốn dài hạn hiệu quả

    10:36, 21/08/2018

  • "Có tình trạng vốn mỏng của các doanh nghiệp và kể cả các định chế tài chính"

    09:17, 21/08/2018

Để tư nhân phát triển thị trường thứ cấp

Đồng tình quan điểm, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho rằng, cần có chính sách để kiểm soát thị trường vốn một cách hiệu quả. “Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta phải thể chế hóa, chính thức hóa những tín dụng đen như thế nào, cần đưa vào khuôn khổ ra sao để điều tiết thị trường này” - ông  Warrick Cleine chia sẻ.

Đặc biệt, để các DNNVV tiếp cận khoản vay của ngân hàng, ông Warrick Cleine cho rằng, các ngân hàng cần có thủ tục đơn giản để người dân tiếp cận khoản vay hiệu quả. Ví dụ, một người nông dân muốn vay để mua một con bò cần tín chấp như thế nào, điều này cũng hoàn toàn khác với khoản vay của các doanh nghiệp. “Do đó, chúng ra cần có cơ chế khác nhau, tùy thuộc vào khoản vay, quy mô và đối tượng” - ông Warrick Cleine nhìn nhận.

Có cùng quan điểm về việc quản lý vốn phi chính thức, CEO Cty CP Tái Cấu Trúc cho biết, có những sàn của doanh nghiệp tư nhân có thể kết nối và thu hút 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng. “Nếu có cơ chế, khung pháp lý, nền tảng cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ, các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia các giải pháp về vốn với lượng tiền lớn, ngay cả các startup cũng có thể IPO trên nền tảng số” - ông Hùng bình luận. 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Quản lý vốn đầu tư còn nhiều bất cập

Qua kết quả kiểm toán một số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA, vốn của các tập đoàn, tổng công ty nổi lên một số vấn đề như: Việc lập và giao kế hoạch vốn còn chưa sát thực tế, có trường hợp không giao kế hoạch vốn nhưng vẫn được giải ngân; chậm thu hồi vốn ứng trước; bố trí vốn đối ứng cho các dự án chưa kịp thời; còn tình trạng sử dụng vốn của dự án sai mục đích, không đúng đối tượng; chưa có cơ chế kiểm soát tỷ giá giữa đồng ngoại tệ và Việt Nam đồng để rút vốn giải ngân làm tăng số tiền ngoại tệ vay nợ nước ngoài; một số dự án còn dư vốn không sử dụng hết nhưng chưa kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý gây lãng phí; lựa chọn nhà thầu còn hạn chế do bị ràng buộc bởi quy định của nhà tài trợ; còn nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản ...

Ông A. Alatabani - chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của World Bank: Cần kiểm soát tín dụng phi chính thức

Chính phủ cần có hệ thống giám sát, kiểm soát bộ phận tín dụng phi chính thức, cũng như có biện pháp để bảo hộ các hoạt động tín dụng chính thức. Cùng với đó, để tăng tiếp cận nguồn vốn trung vài dài hạn, đặc biệt với DNNVV, cần có các gói sản phẩm tín dụng khác nhau cho thị trường.

Hiện nhiều DNNVV chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, các gói sản phẩm như thuê mua tài sản có thể là kênh để các DNNVV tiếp cận khoản vay hoặc công cụ khác như Fintech.

Thy Hằng