Giải bài toán doanh nghiệp nông nghiệp "khát" đất năm 2019
"Cởi trói" nút thắt đất đai, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, không chỉ dừng ở con số 8% là một trong những giải pháp để tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2019.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những yêu cầu của Người đứng đầu Chính phủ với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019.
Xoá bỏ thể chế lạc hậu
Theo đó, Thủ tướng định hướng thời gian tới cần tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Mục tiêu tối thiểu đối với ngành nông nghiệp trong năm 2019 là tốc độ tăng trưởng 3,0%, kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, ngành nông nghiệp phải khơi dậy được khát vọng của dân tộc, phấn đấu trong 10 năm tới lọt vào nhóm 15 nước có nền nông nghiệp phát triển, nhóm 10 nước chế biến nông sản, trở thành trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới.
Để hiện thực mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp chủ động, sáng tạo, tìm lợi thế để phát triển với nhiều giải pháp, trong đó có tiếp tục rà soát chính sách, pháp luật, xóa bỏ những thể chế chính sách lạc hậu không còn phù hợp để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ.
Triển khai có hiệu quả, thực chất các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. “Tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân tiếp cận đất đai, tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp”, thông báo nêu rõ.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 ngành Nông nghiệp được tổ chức ngay những ngày đầu năm, Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh mạnh vai trò của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng cần được chú trọng hơn nữa, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, không chỉ dừng ở con số 8%.
“Phải có thể chế pháp luật tốt, xoá bỏ thể chế lạc hậu. Các nhà đầu tư các nhà doanh nghiệp và các nhà nông dân cần sự hỗ trợ pháp lý tốt hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Quảng Bình gặp khó trong đầu tư nông nghiệp
05:08, 24/01/2019
Dự án “treo” kéo dài trên đất nông nghiệp
16:03, 09/01/2019
Thủ tướng chỉ ra 4 nhóm “nút thắt” ngành nông nghiệp
09:52, 03/01/2019
Nông nghiệp "vượt rào" hiện thực mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD
05:00, 03/01/2019
Nông nghiệp "bứt phá" năm 2019 và thách thức trước CPTPP
11:21, 02/01/2019
"Cởi trói" đất đai... thu hút doanh nghiệp
Trên thực tế, tuy có sự phát triển vượt bậc mức tăng 12,3% trong năm 2018, nhưng con số 50.000 doanh nghiệp ngành nông nghiệp vẫn là con số ít, chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đầu tư cả nước là chưa tương xứng. Nguyên nhân của tình trạng này, đất đai vẫn là điểm nghẽn hàng đầu được các doanh nghiệp, nhà đầu tư phản ánh.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ cho biết, với một số lĩnh vực dịch vụ thì chỉ cần thuê đất 1-2 năm là hoàn vốn nhưng với nông nghiệp phải là 5-10 năm và lâu hơn nữa mới có thể tổ chức sản xuất và thu hồi vốn đầu tư.
Đây là khó khăn trong sản xuất nông nghiệp mà cần có chiến lược cụ thể hoạch định lại toàn bộ đất đai với chiến lược dài hạn để hướng đến một nền nông nghiệp phát triển. Mô hình kinh tế hộ gia đình với việc quản lý sử dụng đất manh mún, nhỏ lẻ khó phù hợp với điều kiện phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn và chất lượng cao. Nếu không tháo gỡ được rào cản về đất đai, không có một quy mô tập trung nhất định thì không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả theo chuỗi giá trị. Tái cơ cấu nông nghiệp đầu tiên là phải hướng đến tích tụ ruộng đất.
“Nhiều doanh nghiệp phải đi thuê từng thửa ruộng của nông dân gom lại, có những khu vực doanh nghiệp đã thuê được cả ha ruộng nhưng kẹt ở giữa là một khu ruộng mà người chủ dứt khoát không cho thuê. Máy móc chạy trên một cánh đồng lớn nếu chạy một vệt rất nhanh, nhưng với thửa ruộng nhỏ lẻ thì sẽ giảm nhiều hiệu quả và năng suất lao động”, ông Cường nói.
Theo Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hay sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì đều cần có quy mô sản xuất lớn. Do đó, một trong những vấn đề cốt lõi là Nhà nước bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp một cách rộng rãi. Tuy nhiên, trên thực tế, tiếp cận đất sản xuất lại đang là một trong những cản trở lớn khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Dẫn điều tra PCI 2017, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, có đến 76% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong hai năm qua. Thậm chí, các doanh nghiệp nông nghiệp cho rằng thủ tục hành chính về đất đai là phiền hà nhất, cao hơn tất cả các lĩnh vực khác như thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường, giao thông.
Khi muốn mở rộng mặt bằng sản xuất, có rất nhiều cản trở đối với các doanh nghiệp như thủ tục thuê, mua đất phức tạp (49% doanh nghiệp đồng ý), quy hoạch chưa phù hợp (38%), cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi (32%)...
Tích tụ đất nông nghiệp là vấn đề đã được bàn luận từ lâu, song các quy định pháp luật thời gian qua vẫn chưa giải quyết được vấn đề này, các tác giả báo cáo nhấn mạnh.
Do đó, Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính trị Thế giới kiến nghị cần “cởi trói” đất đai. “Chúng ta phải quay trở lại chế độ tư hữu đất đai. 3 ha bó buộc không thể sản xuất quy mô lớn. Phải có điền trang lớn nghiên cứu thị trường, giống mới, có quy hoạch… mới có thể phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế”, ông Sơn khẳng định.