Mặc dù đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong 7 năm qua, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn cần vượt qua nhiều rào cản để hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng GDP trên 3,0% và xuất khẩu 42 - 43 tỷ USD năm 2019.
Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 diễn ra sáng nay (ngày 3/1/2019) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, năm 2018 được đánh giá là năm đạt nhiều thành quả tích cực của ngành nông nghiệp với 5/5 chỉ tiêu hoàn thành và vượt với mức cao trong Kế hoạch nhiệm vụ đề ra. Trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 40,02 tỷ USD.
Đồng thời, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,65%, tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 42,4%.
Nhận định về sự thành công của ngành nông nghiệp năm 2018, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, sự thành công của ngành nông nghiệp năm 2018 là do chúng ta đã xác định xuất khẩu nông sản là một trong những mũi nhọn kinh tế.
Theo đó, trong những năm gần đây, việc tái cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là hướng đến các sản phẩm có giá trị, chất lượng cao. Sản xuất nông nghiệp hàng hoá tổ chức hướng tới mục tiêu xuất khẩu đã tạo cho nông sản Việt những thuận lợi cơ bản.
“Chúng ta có những lợi thế tự nhiên cũng như lợi thế về sản xuất nông nghiệp, việc xuất khẩu nông sản đạt được kết quả cao cả về quy mô, kim ngạch và giá trị gia tăng. Tuy nhiên, vẫn cần chú trọng đến những sản phẩm nông sản chất lượng cao để gia tăng hơn nữa giá trị xuất khẩu”, Chuyên gia Vũ Đình Ánh nói.
Sang năm 2019, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất đạt trên 3,11% và kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 - 43 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kể trên, ngành nông nghiệp cần tập trung khắc phục những vướng mắc trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
11:21, 02/01/2019
07:24, 29/12/2018
05:51, 14/12/2018
Cụ thể, khó khăn gồm, thứ nhất, triển khai cơ cấu lại nông nghiệp chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân chưa trở thành phổ biến, chủ đạo.
Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Thứ hai, vấn đề thị trường tiêu thụ nông nhìn chung vẫn là khâu yếu. Công tác dự báo cung, cầu còn bất cập nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân hoặc nguồn cung thiếu như thịt lợn, nên giá tăng cao.
Giá thế giới đối với các mặt hàng cây công nghiệp ở mức thấp, ảnh hưởng đến sản xuất, giá trị xuất khẩu và thu nhập của một bộ phận nông dân.
Thứ ba, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ tiếp tục được nâng cao năng lực, một số tập đoàn lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến, nhưng vẫn chậm so với yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế.
Tổn thất sau thu hoạch cao mức 14% trong nhiều năm, đặc biệt, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp.
Thứ tư, chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EU đối với đánh bắt hải sản. Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi khi dịch tả lợn châu Phi từ nước láng giềng tràn sang Việt Nam.
Thứ năm, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền vẫn còn khá lớn. Các vấn đề về môi trường nông thôn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng, phức tạo, khó xử lý ở một số địa bàn.