Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, ngành nông nghiệp cùng các bộ ngành, địa phương tập trung tới những bất cập để tháo gỡ nút thắt của ngành, không chỉ nói thành tích.
Chỉ đạo mở đầu Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 ngành Nông nghiệp sáng ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nông nghiệp đã có một năm phát triển đáng mừng. Với sự tham gia của 10 địa phương và 9 Tư lệnh ngành nói lên sự quan tâm cao tới nông nghiệp và sự phát triển đáng mừng của nông nghiệp, nông dân. Từ tăng trưởng âm năm 2015, ngành nông nghiệp đã có mức tăng trưởng ấn tượng, 3,76% năm 2018.
“Nhưng chúng ta không chỉ nói thành tích mà phải tập trung tới những bất cập để tháo gỡ nút thắt”, Thủ tướng khẳng định. Thủ tướng yêu cầu cần thảo luận nguyên nhân để tháo gỡ những nút thắt đó.
“Sự tham gia của các thành phần như Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã...là rất quan trọng tới tái cơ cấu. Chúng ta cần nghiên cứu. Đồng thời, tại sao nhiều địa phương làm được, làm mạnh mẽ hiệu quả tái cơ cấu nhưng vẫn còn nhiều địa phương chưa làm được?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương mới đây “năm 2019 phải hơn năm 2018 về mọi mặt”, Thủ tướng nhấn mạnh, với nông nghiệp, hơn tức là năm nay xuất khẩu 40 tỷ USD thì sang năm phải hơn vậy, phải 42-42 tỷ USD. Thủ tướng đặt câu hỏi, chủ trương mới nào cần được thực hiển để có được sự phát triển hơn đó?
Theo Bộ trưởng Bộ NNN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt 3,76%, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Giá trị sản xuất tăng 3,86%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 42,4%, kim ngạch xuất khẩu 40,02 tỷ USD.
Trong đó, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, xuất khẩu đạt kỷ lục mới, thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Các hình thức tổ chức sản xuất liên kết chuỗi được tăng cường. “Các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục được sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả. Doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh, yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, là nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản”, Bộ trưởng cho biết.
Cụ thể, năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với năm 2017, cả nước có 13.400 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó 55% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Số HTX thành lập mới năm 2018 là 1.935 HTX, tăng 63% so với năm 2017 và 35.500 trang trại, tăng 1.500 trang trại. Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịch hiệu quả hơn.
Đặc biệt, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản ngày càng nhiều.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 03/01/2019
11:21, 02/01/2019
07:24, 29/12/2018
Tập trung tháo gỡ 4 nhóm vấn đề
Gợi ý về 4 nhóm vấn đề cần tháo gỡ của ngành nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ ngành tập trung thảo luận để giúp bức tranh nông nghiệp phát triển mạnh mẽ tới đây.
Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu, ngoài “nút thắt” đất đai cần chỉ ra và thảo luận những “nút thắt” khác. “Nhiều nơi chúng ta tháo gỡ chưa đến nơi đến chỗ nên nông nghiệp chưa phát triển được, vậy nút thắt trong thể chế là gì?”, Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề.
Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu thảo luận những tồn tại trong bản thân ngành nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu.... “Nếu bản thân ngành nông nghiệp chuẩn bị tốt những vấn đề như giống, thuốc trừ sâu, không có phân bón giả, thì phát triển nông nghiệp sẽ cho hiệu quả và chất lượng cao”, Thủ tướng nói.
Thứ ba, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu 9 vị Bộ trưởng đại diện cho 9 ngành kinh tế có mặt ở Hội nghị phải bàn thảo, phối hợp tốt hơn thời gian tới. “Chúng ta nói đến số lượng và cả chất lượng. Nhưng ai làm thị trường ai làm chất lượng, phải bàn thảo”, Thủ tướng nói.
Thứ tư, thách thức khi hội nhập đặt ra nhiều vấn đề cho ngành nông nghiệp, như những vụ kiện nông nghiệp khi Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng được Thủ tướng yêu cầu thảo luận.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, yêu cầu tháo gỡ các nút thắt không chỉ giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân mà phải hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt, hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, trách nhiệm chính trị phải bảo vệ người dân không thể để nền nông nghiệp “bẩn”.