Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: (Kỳ 3) Singapore, Nhật Bản đầu tư vốn "siêu khủng"

LINH NGA 02/07/2021 04:00

Vốn đầu tư của nhà đầu tư Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 84% và 67,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này.

Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 của EVNGENCO2 quản lý đã vận hành tổ máy 1 vào năm 2009, tổ máy 2 vận hành cuối năm 2015.

Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 của EVNGENCO2 quản lý đã vận hành tổ máy 1 vào năm 2009, tổ máy 2 vận hành cuối năm 2015.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/6/2021, vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Không chỉ giải ngân, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh cũng vẫn tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt 9,55 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ, vốn đăng ký điều chỉnh cũng duy trì tăng kể từ tháng 5/2021, đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Theo đó, quy mô bình quân các dự án cấp mới và điều chỉnh vốn lần lượt ở các mức 11,88 triệu USD/dự án và 8,9 triệu USD/dự án.

Tuy nhiên, tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giảm 54,3% so với cùng kỳ với 1.855 lượt góp vốn đạt 1,61 tỷ USD.

Nhìn vào số liệu cho thấy, xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhiều quốc gia vào Việt Nam đang thay đổi. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,64 tỷ USD, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,44 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư và tăng 66,8% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư của nhà đầu tư Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 84% và 67,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này.

Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,05 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư, tăng 43,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore cũng tăng cường đầu tư vào mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt. Trong 6 tháng qua, Hàn Quốc và Singapore đầu tư nhiều vốn nhất, trong khi đó Trung Quốc và các vùng lãnh thổ liên quan của nước này tiếp tục gia tăng đầu tư vào mua bán lại cổ phần doanh nghiệp Việt.

Số liệu của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, trung bình mỗi dự án mua bán cổ phần doanh nghiệp Việt, các nhà đầu tư Nhật Bản bỏ khoảng 50 tỷ đồng, các nhà đầu tư Hồng Kông là 23 tỷ đồng, Đài Loan hơn 19 tỷ đồng, Hàn Quốc hơn 15 tỷ đồng, còn Trung Quốc chỉ 8,5 tỷ đồng.

Số vốn bình quân trên mỗi dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc cho thấy họ đang tập trung vào các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, đầu tư số lượng là chính.

Các nhà đầu tư Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, hình thức quen thuộc vẫn là tăng mua bán doanh nghiệp cổ phần (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Các nhà đầu tư Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, hình thức quen thuộc vẫn là tăng mua bán doanh nghiệp cổ phần (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Hiện Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), trong đó các cơ chế về đầu tư thông thoáng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế số vốn từ các thị trường này vẫn chưa tăng mạnh.

Các chuyên gia cho rằng yếu tố cản trở gia tăng đầu tư của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam chính là gia nhập thị trường và sở hữu trí tuệ. Các nhà đầu tư châu Âu chưa có nhiều chuỗi giá trị tại Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc gần đây. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần chủ động vượt qua các thách thức trong thu hút FDI chất lượng cao, như sự hạn chế của quỹ đất sạch và cơ sở hạ tầng - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống kho bãi; sự thiếu hụt số lượng và cơ cấu nguồn lao động lành nghề, có kỹ năng chuyên sâu; sự gia tăng áp lực cạnh tranh và sức ép bị thâu tóm với doanh nghiệp trong nước…

Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, để thu hút FDI chất lượng cao cần có tư duy mới, với cách làm mới, đáp ứng đúng, nhanh hơn, tốt hơn yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc khống chế được dịch tốt sẽ là "visa" để chúng ta đón "đại bàng" tới đầu tư không chỉ cho năm 2021, mà cả giai đoạn 2021-2025.

Một số dự án lớn trong 6 tháng đầu năm 2021:

Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ.

Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD.

Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan, Trung Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD.

Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông, Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác tại Quảng Ninh.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: (Kỳ 2) Xuất nhập khẩu hàng hoá có gì đáng chú ý?

    Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: (Kỳ 2) Xuất nhập khẩu hàng hoá có gì đáng chú ý?

    03:55, 01/07/2021

  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: (Kỳ 1) Động lực tăng trưởng

    Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: (Kỳ 1) Động lực tăng trưởng

    11:00, 30/06/2021

  • Quản lý gián đoạn nguồn cung để duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam

    Quản lý gián đoạn nguồn cung để duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam

    04:00, 29/06/2021

  • Việt Nam hút 15 tỉ USD vốn FDI trong nửa đầu năm 2021

    Việt Nam hút 15 tỉ USD vốn FDI trong nửa đầu năm 2021

    03:00, 25/06/2021

  • Doanh nghiệp FDI lạc quan với môi trường đầu tư tại Việt Nam

    Doanh nghiệp FDI lạc quan với môi trường đầu tư tại Việt Nam

    03:00, 24/06/2021

  • Hải Phòng thu hút đầu tư FDI: Nhân lực có phải yếu tố quan trọng?

    Hải Phòng thu hút đầu tư FDI: Nhân lực có phải yếu tố quan trọng?

    06:55, 21/06/2021

LINH NGA