Đánh giá tác động tiềm ẩn của đại dịch COVID-19 một cách khoa học
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 mới chỉ căn cứ chủ yếu vào kết quả triển khai thực hiện kế hoạch năm 2021 như vậy là chưa đầy đủ.
Thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 9/11, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, đại dịch COVID-19 xảy ra trong phạm vi toàn cầu, tạo nên cuộc khủng hoảng đa chiều, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đại dịch đã làm thay đổi toàn diện cấu trúc của xã hội, nhiều hình thái kinh tế - xã hội mới đã xuất hiện.
Tuy nhiên, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 mới chỉ căn cứ chủ yếu vào kết quả triển khai thực hiện kế hoạch năm 2021 và kết quả kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba và đặc biệt là lần thứ tư, theo đại biểu như vậy là chưa đầy đủ.
Cần xây dựng nhiều kịch bản phục hồi phát triển kinh tế - xã hội
Để có cơ sở Quốc hội quyết định thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo đại biểu cần phải có báo cáo tổng hợp với số liệu, thông tin được phân tích, đánh giá các tác động tiềm ẩn của đại dịch COVID-19 một cách khoa học với các dự báo trong ngắn hạn và trong dài hạn.
Từ đó xây dựng nhiều kịch bản phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tương ứng với từng tình huống, diễn biến của dịch bệnh để không phải bị động, bất ngờ trong điều kiện bình thường mới thay vì như nhận định hiện nay là dịch COVID-19 còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp. Bởi theo đại biểu, nhận định này mang tính định tính mà chưa có cơ sở, căn cứ khoa học.
Dẫn chứng, trước đây khi thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiều đại biểu Quốc hội Khóa XIV rất băn khoăn với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 là 6%, cho rằng như vậy là quá cao.
Đến nay kết quả dự kiến thực hiện sẽ đạt từ 3 - 3,5%, năm 2022 chúng ta lại đặt ra chỉ tiêu là 6 – 6,5%. “Vậy, cơ sở nào, căn cứ nào để chúng ta đưa ra những chỉ tiêu này?”, đại biểu đặt vấn đề.
Tham gia thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho biết, để tạo thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, cần cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư.
Riêng với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, hưởng trợ cấp lớn từ ngân sách Trung ương, đại biểu cho rằng Chính phủ, Bộ Tài chính cần sớm tổng hợp, hỗ trợ kinh phí để các địa phương có nguồn lực bảo đảm phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Về các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, đại biểu đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Tạo thêm nguồn lực cho phòng chống dịch
Hiện nay, rất nhiều hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất ra hầu như không xuất khẩu được do chưa mở cửa lại thị trường, chưa mở cửa cho khách hàng, chuyên gia quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện giao dịch; chưa tìm kiếm các đầu ra một cách đa dạng cho thị trường hàng hóa.
Trên thực tế có nhiều mặt hàng khách hàng quốc tế phải vào xem trực tiếp rồi mới ký hợp đồng mua bán như mặt hàng đá trắng của Yên Bái hiện nay xuất khẩu sang rất nhiều các quốc gia, nhưng muốn bán được phải cho khách hàng nhập cảnh, giao dịch nên dẫn đến hàng tồn kho rất nhiều.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ cho xuất khẩu, sớm có giải pháp để cho các chuyên gia, các khách hàng quốc tế nhập cảnh vào trong nước thực hiện kết nối, giao dịch...
Theo đại biểu, trong năm 2022, cần tập trung vào hai giải pháp. Đầu tiên là thúc đẩy chuyển đổi số, Chính phủ xem xét, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số bao gồm cả chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp và trong khu vực hành chính sự nghiệp. Trong các giải pháp về chuyển đổi số cũng cần tính toán bố trí nguồn lực phù hợp.
Thực tế nếu như có công cụ số, công nghệ thông tin, có nền tảng cơ sở dữ liệu đã được chuẩn hóa và số hóa sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho các địa phương cũng như cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Về thúc đẩy phát triển liên kết vùng, đại biểu đồng tình với nhóm giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, theo đại biểu vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu cơ chế quản lý, kiểm soát phát triển, thúc đẩy liên kết vùng và mô hình tổ chức quản lý, điều phối phát triển vùng.
Giai đoạn trước đây chúng ta cũng đã có những đồ án quy hoạch vùng như trong lĩnh vực xây dựng có đồ án quy hoạch xây dựng vùng, có các Ban Chỉ đạo thực hiện các quy hoạch vùng nhưng hiệu quả còn rất khiêm tốn, dẫn đến có tình trạng trong vùng có quy hoạch vùng nhưng phát triển cát cứ, mạnh địa phương nào địa phương đó phát triển không có sự tương hỗ, chia sẻ lẫn nhau, phát triển thiếu liên kết vùng.
Do vậy, để phát triển liên kết vùng cần phải có quy hoạch và các cơ chế, chính sách về quản lý, kiểm soát phát triển vùng cũng như mô hình cơ quan quản lý với sự tham gia của các địa phương thì mới có thể thực hiện có hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng CNTT phát hiện COVID-19: Tránh "đầu voi, đuôi chuột"
14:25, 09/11/2021
Khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến
13:47, 09/11/2021
Học trực tuyến: Cả thầy và trò đều áp lực!
12:04, 09/11/2021
Tìm giải pháp phù hợp cho công tác giáo dục
11:57, 09/11/2021
Vẫn có cơ quan chưa ý thức được "chống dịch như chống giặc"
11:32, 09/11/2021
Phòng, chống COVID-19: Một số địa phương lúng túng, thiếu nhất quán
10:00, 09/11/2021
Phòng ngừa tham nhũng trong chi phí phòng, chống dịch
11:44, 08/11/2021
Còn bộ phận cán bộ chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch
10:54, 08/11/2021