Phòng, chống COVID-19: Một số địa phương lúng túng, thiếu nhất quán

NGUYỄN VIỆT 09/11/2021 10:00

Công tác dự báo tình hình dịch bệnh, công tác chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương còn lúng túng, nhiều tỉnh ban hành quy định không nhất quán.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên thảo luận tại về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, ngày 9/11.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa).

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa).

Cho rằng công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đại biểu Mai Văn Hải thẳng thắn chỉ ra những vấn đề như công tác dự báo tình hình dịch bệnh, công tác chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương còn lúng túng, nhiều tỉnh ban hành quy định không nhất quán, gây khó khăn cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, tỉ lệ tiêm chủng vaccine nhiều địa phương còn thấp...

Đặc biệt, đại biểu Mai Văn Hải nhấn mạnh, trong đợt dịch lần thứ tư, người dân sinh sống ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam trở về quê hương rất đông, khó kiểm soát và quản lý, nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh phức tạp, số ca mắc những ngày gần đây vẫn tăng, chi phí xét nghiệm còn nhiều bất cập, hạn chế.

“Do đó, đề nghị Chính phủ nên xem xét, đánh giá lại quy định tạm thời về việc phê chuẩn an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh, giảm số ca mắc, giảm số ca tử vong trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay”, đại biểu Mai Văn Hải nói.

Từ thực tế người từ các tỉnh phía Nam trở về quê, dù nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, được cách ly tại nhà nhưng do điều kiện gia đình, do ý thức hạn chế nên đã làm lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, dẫn đến phát sinh các ổ dịch khó kiểm soát. Đại biểu đề nghị những nơi có điều kiện vẫn nên cho cách ly tập trung để tránh lây lan cho cộng đồng.

Vẫn theo đại biểu Mai Văn Hải, kinh phí cho việc xét nghiệm, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao là rất lớn, nhất là tại các bệnh viện. Nếu như không có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ đối với xét nghiệm, sàng lọc các đối tượng nêu trên thì sẽ là gánh nặng cho các cơ sở khám, chữa bệnh và ngân sách địa phương.

Thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch COVID-19, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, Chính phủ đã vận động linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. 

Tuy nhiên, theo dự báo của thế giới sẽ có những diễn biến khó lường, nền kinh tế nước ta vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp, đời sống việc làm của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang).

Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang).

Việc chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt sang trạng thái bình thường mới đang đặt ra vấn đề cần phải tập trung giải quyết, trong đó người dân tiếp tục là chủ thể phải thích ứng vì vậy cần có giải pháp nâng cao ý thức để người dân tự bảo vệ bản than và bảo vệ cộng đồng.

Do đó, đại biểu Thái Thu Xương kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng chống dịch để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

Thứ nhất, xây dựng chương trình tổng thể, công tác phòng chống dịch phải được chuẩn bị đủ nguồn lực kể cả về con người và vật chất, nhất là khâu điều trị.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các giải pháp, khuyến cáo ngành chức năng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa đảm bảo đời sống, sản xuất người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vì lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.

Thứ ba, tiếp tục rà soát bổ sung các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo trước tình hình diễn biến dịch phức tạp theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, điều kiện hỗ trợ, nghiên cứu hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các nhóm đối tượng là lao động tự do, vì ngân sách địa phương đã dành phần nhiều cho công tác phòng chống dịch.

Thứ tư, rà soát điều chỉnh các chính sách hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đảm bảo sức khỏe, động viên tinh thần hơn nữa lực lượng này.

Thứ năm, có biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trước mắt và lâu dài như tiếp tục tiêm vaccine cho trẻ em, trẻ vị thành niên. Quan tâm hỗ trợ trẻ bị mồ côi do cha mẹ mất vì dịch bệnh được phát triển toàn diện.

Thứ sáu, tích cực trong nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị, huy động y tế tư nhân tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Có thể bạn quan tâm

  • Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội

    Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội

    04:52, 09/11/2021

  • Đặt hàng doanh nghiệp trong nước để tạo đột phá

    Đặt hàng doanh nghiệp trong nước để tạo đột phá

    00:01, 09/11/2021

  • Cần khoan sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu

    Cần khoan sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu

    01:00, 09/11/2021

  • Tháo điểm nghẽn thể chế để khơi thông nguồn lực cho địa phương

    Tháo điểm nghẽn thể chế để khơi thông nguồn lực cho địa phương

    16:35, 08/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phòng, chống COVID-19: Một số địa phương lúng túng, thiếu nhất quán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO