Cần môi trường thể chế hỗ trợ cho phát triển bền vững
Phát triển muốn bền vững là phải phát triển đồng đều, công bằng, minh bạch và mang lại lợi ích cho toàn bộ xã hội, ở bất cứ khu vực nào.
>>Phát triển bền vững “liều vaccine” của doanh nghiệp
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đến đời sống. Các gói hỗ trợ là động lực lớn cho sự phát triển, song, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, trong đại dịch, ở Việt Nam cũng như các nước, từng người, từng doanh nghiệp có tiết kiệm, có tích luỹ thì sẽ thích ứng được.
Thực tế, hiện nay, phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung, không thể đảo ngược. Trong những phát biểu gần đây, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam luôn đề cập quan điểm lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững được tổng kết hàng năm để đánh giá những tiêu chí, công việc đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, để có thể phát triển bền vững thì tiền đề đầu tiên là phải có sự phát triển. Sự phát triển này phải lành mạnh. Sự phát triển kinh tế trong một quá trình dài dựa trên nền tảng vững vàng về kinh tế vĩ mô về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, thân thiện với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; có chi phí kinh doanh thấp và những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do lưu thông hàng hóa cả trong bối cảnh bình thường lẫn bối cảnh khó khăn, khủng hoảng hay như đại dịch.
"Đây là cái vô cùng quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển bền vững" - ông Bình nói và cho rằng, chúng ta cần có môi trường thể chế hỗ trợ cho phát triển, cho tăng trưởng kinh tế. Những thể chế, quy định pháp luật và quy trình thực thi các quy định pháp luật đảm bảo được tăng trưởng kinh tế trong dài hạn hỗ trợ các thành phần của thị trường vận hành một cách thuận lợi. Nguyên tắc của thị trường được đảm bảo, hoạt động của thị trường luôn luôn minh bạch. Sự cạnh tranh giữa các thành phần – chủ thể khác nhau trong nền kinh tế luôn đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tuân thủ các nguyên tắc của thị trường.
Sự phát triển này cần phải dựa trên nền tảng của kinh tế thị trường, những nền tảng đảm bảo được sự phát triển đó có định hướng vì mục đích dài hạn, trong đó các tác nhân khác nhau đều bình đẳng trước pháp luật. Lấy quy định pháp luật làm chủ thể chính, nguyên tắc chính trong quá trình phát triển.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, quá trình tăng trưởng này phải mang lại lợi ích cho mọi người chứ không chỉ cho một nhóm nhất định. Phát triển muốn bền vững là phải phát triển đồng đều, công bằng, minh bạch và mang lại lợi ích cho toàn bộ xã hội, ở bất cứ khu vực nào. Đó là nền tảng đầu tiên để phát triển một các bền vững. Nếu duy trì được nền tảng này cộng với có chính sách phù hợp thì sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sức chống trọi trước những biến cố, những ngoại cảnh bất thường xảy ra, trước cả sự cạnh tranh với các nền kinh tế khác trên toàn cầu.
Về phía các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh tự thân. Đó là nền tảng của năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia. Doanh nghiệp là chủ thể quan trọng của phát triển bền vững. Nếu doanh nghiệp có năng lực cao, có khả năng chống chịu cao, có chiến lược phòng ngừ rủi ro hợp lý, có giải pháp nâng cao đầu tư, lao động, đổi mới công nghệ,…sẽ là đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.
Từ đó, chúng ta hướng ra những mục tiêu khác nữa như các vấn đề về xã hội, môi trường…là những thứ chúng ta cần phải lồng ghép trong quá trình tăng trưởng để đạt được sự bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển bền vững “liều vaccine” của doanh nghiệp
03:40, 03/02/2022
Doanh nghiệp năng lượng tái tạo hướng tới sứ mệnh phát triển bền vững
02:00, 03/02/2022
Tầm nhìn về sự thịnh vượng và phát triển bền vững của thương hiệu Nhật Bản
13:21, 29/01/2022
Khởi nghiệp liêm chính để phát triển bền vững
08:11, 16/01/2022
Phát triển bền vững, kim chỉ nam đi đến thành công của FCV Việt Nam
08:20, 03/01/2022