Lợi ích nào cho quốc gia khi áp thuế phòng vệ thương mại ngành mía đường?
Thuế phòng vệ thương mại sẽ bảo vệ quyền lợi cho người nông dân trồng mía, doanh nghiệp sản xuất đường và người tiêu dùng đối với mặt hàng có vai trò trọng yếu trong nền kinh tế quốc gia.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, 11 tháng qua, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 vụ việc và áp dụng 13 biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, nhôm, ván gỗ, sợi, đường... Đây đều là những mặt hàng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Nằm trong nhóm này, mía đường Việt Nam hiện đứng thứ 14 về diện tích trồng mía và sản lượng thế giới, theo Bakertilly A&C. Mặc dù đã “chơi đẹp” khi gỡ bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ 1/1/2020, song năm qua, ngành này đã hứng chịu dòng đường giá rẻ được trợ giá, bảo hộ “ngầm” từ các nước ồ ạt tràn vào sân nhà. Thuế phòng vệ thương mại được cho là giải pháp cấp thiết đối phó với vấn nạn này cũng như bảo vệ chính đáng cho các bên liên quan.
Gỡ khó cho nông dân trồng mía
Cây mía với sức sống mạnh mẽ và bền bỉ luôn là lựa chọn hàng đầu tại những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt của Việt Nam. Ở nơi bao cây trồng khác chịu thua, thì nông dân nhiều đời nay đều gắn bó thủy chung với cây mía cùng xóa đói giảm nghèo.
Vì vậy, không phải doanh nghiệp, người nông dân mới là đối tượng đầu tiên hưởng lợi nếu thuế phòng vệ thương mại đi vào thực thi. Trải qua hơn 25 năm thực hiện chương trình “Một triệu tấn đường”, ngành này đã tạo ra thu nhập ổn định cho hơn 35 vạn hộ nông dân. Tuy nhiên, niên vụ 2018-2019, giá đường giảm hơn 20% so với niên vụ trước kéo theo giá thu mua mía sụt giảm đã khiến nông dân gặp không ít khó khăn.
Ông Trương Văn Thệ (làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết bắt đầu trồng mía từ 2005, từ lúc chưa có dâu rể đến khi có cháu nội ngoại đi học. Giá trị kinh tế của cây mía hơn hẳn cây nông nghiệp như lúa, mì và các loại hoa màu ngắn ngày. Song những năm gần đây, nhiều hộ trồng mía đứng trước nguy cơ bỏ ruộng, mông lung chuyển đổi cây trồng. Mía ngọt hóa “mặn” bởi làn sóng bán phá giá từ đường ngoại. Thuế phòng vệ thương mại là cần thiết để bảo hộ đường trong nước, ổn định giá mía nông dân mới có lãi và có thể tập trung phát triển diện tích trồng mía, sau đó tái đầu tư khoa học kỹ thuật mới, cơ giới hóa “làm ngọt” đất mía.
Cứu doanh nghiệp sản xuất đường
Sau nông dân, nhiều doanh nghiệp nội địa dù gặp khó vẫn đang nỗ lực vực dậy sức sống của cây mía. Chịu ảnh hưởng từ cuộc cạnh tranh quốc tế thiếu công bằng, đây chính là nhóm đầu tiên cung cấp các thông tin và bằng chứng cho thấy đường nhập khẩu từ Thái Lan đang bán phá giá vào Việt Nam. Từ đây, Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành mía đường trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài.
Mía đường gặp khó không phải chuyện mới xảy ra, mà vốn đã âm thầm ngấm đòn nhiều năm nay trước làn sóng đường nhập lậu tiểu ngạch giá rẻ cho đến đường nhập khẩu chính ngạch bán phá giá năm nay. Cái khó làm nao lòng người nông dân, diện tích vùng nguyên liệu mía giảm sút nghiêm trọng, hệ quả là nhiều nhà máy đường phải đóng cửa và hàng ngàn công nhân mất việc làm.
Thuế phòng vệ thương mại được cho là “phao cứu sinh” đến kịp với các nhà máy đang điêu đứng vì đường nhập khẩu, thậm chí hồi phục các nhà máy đã đóng cửa. Một khi doanh nghiệp mạnh, ngành mía đường khởi sắc sẽ tiếp tục công ăn việc làm cho hàng vạn lao động sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đảm bảo được khả năng tự sản xuất còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, bởi đường là nhu yếu phẩm hết sức cần thiết trong đời sống hằng ngày.
Lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng
Mặc dù đường nhập khẩu đang ép giá thị trường xuống đáy, mang lại lợi ích trước mắt cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp thực phẩm tiêu thụ đường, song tiềm ẩn tương lai nhiều bất ổn và bất lợi trong dài hạn.
Thực tế, giá bán loại đường nhập ngoại ở Việt Nam hiện còn thấp hơn cả giá mua mía tại Thái Lan. Bước đi bán phá giá của đường nhập ngoại có thể bóp nghẹt và xóa xổ ngành đường trong nước.
Về dài hạn, nếu kịch bản đường nhập khẩu và nhập lậu giá rẻ thay thế hết các nhà máy đường trong nước, thì giá đường nội địa khi đó sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào biến động giá của đường nhập khẩu. Giá đường khi ấy chắc chắn sẽ tăng cao trở lại, thậm chí phát sinh nhu cầu mua đường giá rẻ và kéo theo cả vấn nạn “đường bẩn, đường lậu” sôi động trên chợ đen. Việc sớm áp thuế phòng vệ thương mại là cần thiết để doanh nghiệp và nông dân bám trụ với cây mía, tạo ra các sản phẩm tốt hơn nữa cho người tiêu dùng hưởng lợi trong dài hạn.
Có thể bạn quan tâm