Thái Lan đang làm gì để bảo hộ ngành mía đường?

HẰNG NGUYỄN 10/12/2020 12:00

Chính sách bảo hộ của Thái Lan đang “làm khó” ngành mía đường nhiều nước. Biện pháp phòng vệ thương mại được xem là lời giải quan trọng cho tình thế này.

Thái Lan bảo hộ toàn diện ngành mía đường nội địa

Giữ vai trò đặc biệt trong nền kinh tế, ngành mía đường luôn được Thái Lan bảo hộ một cách triệt để. Cụ thể, mỗi năm, Chính phủ Thái Lan chi 2-3 triệu USD cho công tác nghiên cứu giống mía để bàn giao miễn phí cho các nhà máy và nông dân. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng hỗ trợ 1-2% lãi suất để nông dân đầu tư máy móc sản xuất, triển khai chính sách miễn thuế nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu…

Trong ít nhất 1,3 tỷ USD mà Chính phủ Thái Lan dành ra để hỗ trợ ngành mía đường mỗi năm thì có đến hơn 775 triệu USD được sử dụng cho mục đích trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm. Người trồng mía ở Thái Lan mỗi năm được thanh toán trực tiếp khoảng 500 đến 525 triệu USD. Trong khi đó, các nhà sản xuất mía đường trong nước được hưởng lợi đầy đủ từ các khoản vay có lãi suất thấp và các khoản trợ cấp đầu vào...

Thái Lan cũng kiểm soát chặt chẽ hạn ngạch nhập khẩu, theo đó đơn vị nào muốn nhập khẩu đường vào Thái Lan thì phải trực tiếp đi xin giấy phép, song thực tế việc này hiếm khi xảy ra.

Đặc biệt, Chính phủ nước này cũng duy trì tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận 70:30, trong đó 70% tổng doanh thu đường cho nông dân, 30% còn lại được phân bổ cho nhà chế biến. Tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận 70:30 này sẽ giúp các nhà máy đường đạt được tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định và tăng cường chuỗi cung ứng đường để cung cấp nhiều sản phẩm liên quan.

Các nền kinh tế khác hứng chịu hậu quả

Đem lại lợi ích cho ngành mía đường nội địa nhưng những chính sách bảo trợ của Thái Lan đồng thời cũng đặt ngành mía đường ở nhiều nước vào thế khó. Đường giảm giá mạnh nên không còn tạo nguồn thu nhập chính cho nông dân các nước này. Theo Cơ quan cung ứng lương thực Brazil (Conab), diện tích trồng mía của Brazil, nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới, trong niên vụ 2020-2021 tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, do nông dân chuyển sang các loại cây sinh lời nhiều hơn như đậu tương và ngô. Trong khi đó, theo thông tin từ Hiệp hội mía đường Ấn Độ (ISMA), lũy kế đến ngày 15/2 niên vụ 2019-2020, Ấn Độ sản xuất gần 17 triệu tấn đường thô, giảm khoảng 23% so với cùng kì năm ngoái.

Ngành mía đường của nhiều nước gặp khó trước sức ép cạnh tranh từ Thái Lan.

Ngành mía đường của nhiều nước gặp khó trước sức ép cạnh tranh từ Thái Lan.

Ở Việt Nam, tình hình cũng tương tự khi đường nhập khẩu từ Thái Lan có dấu hiệu bán phá giá. Giá xuất khẩu trung bình của đường thô và đường tinh luyện từ Thái Lan sang Việt Nam là 334 USD/ tấn, thấp hơn giá bán tại thị trường nội địa Thái Lan đang là 755 USD/ tấn và rẻ hơn cả chi phí mía để sản xuất đường, hiện là 410 USD/ tấn.

Vốn đã chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch COVID-19 và tình trạng đường nhập lậu tràn lan… giờ đây, trước sức ép từ giá đường nhập khẩu giảm mạnh, ngành mía đường Việt Nam càng gặp nhiều khó khăn hơn. Trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Niên vụ 2020-2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam.

Giải pháp đảm bảo cạnh tranh công bằng

Đứng trước sức ép cạnh tranh, nhiều nước đã đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó và bảo vệ ngành mía đường nội địa. Đơn cử như Brazil. Mỗi năm, Chính phủ nước này trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp 2,5 tỷ USD cho ngành mía đường trong nước; đồng thời tập trung nghiên cứu nhiều giống mía mới có khả năng chịu hạn, chịu ngập, chống sâu bệnh cao, sẵn sàng thích ứng với việc biến đổi khí hậu...

Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ hiện công khai trợ giá đường xuất khẩu, bình quân cứ mỗi kilogam đường Ấn Độ xuất khẩu ra thế giới sẽ được trợ giá khoảng 3.000 đồng. 

Các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất, giúp các nước khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra. Việc này cũng từng bước giúp ngành sản xuất đường nội địa phát triển.

Ở Việt Nam, nước ta cũng đang đề xuất và thảo luận các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành sản xuất trong nước.

Theo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương, tính đến tháng 11/2020, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với nhiều sản phẩm bao gồm đường... Đặc biệt, Bộ Công thương cũng đã ban hành quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. 

Cụ thể, khi các biện pháp phòng vệ thương mại được triển khai chặt chẽ, người nông dân có thể bán được mía với giá tương đồng các nước tham gia ATIGA, lợi nhuận từ mía gia tăng giúp họ yên tâm canh tác và gắn bó với cây mía hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ đảm bảo thu mua mía nguyên liệu và không bị ép bán lỗ đường trong kho.

Với những phương án ứng phó và giải pháp này, tin rằng ngành mía đường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ sớm tái lập môi trường cạnh tranh công bằng, tạo cơ hội cho người nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, từ đó hướng đến phát triển bền vững.  

Có thể bạn quan tâm

  • Thuế phòng vệ thương mại: Giải pháp cấp bách đảm bảo an ninh lương thực lâu dài cho quốc gia

    Thuế phòng vệ thương mại: Giải pháp cấp bách đảm bảo an ninh lương thực lâu dài cho quốc gia

    08:00, 09/12/2020

  • Ngành mía đường “kêu cứu”, người nông dân “điêu đứng” trong hội nhập

    Ngành mía đường “kêu cứu”, người nông dân “điêu đứng” trong hội nhập

    11:00, 02/12/2020

  • Thanh Hóa: Khánh thành 2 nhà máy sản xuất mía đường Lam Sơn

    Thanh Hóa: Khánh thành 2 nhà máy sản xuất mía đường Lam Sơn

    11:12, 20/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Lan đang làm gì để bảo hộ ngành mía đường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO