[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Bệnh nhân nghèo ấm lòng từ những suất ăn từ thiện
Vào mỗi dịp cuối tuần, người đi đường lại được chứng kiến cảnh người nhà bệnh nhân xếp hàng dài chờ các đoàn từ thiện đến phát cơm miễn phí trước cổng bệnh viện Nhân Dân 115.
Hơn 9 giờ sáng, tại cổng số 1 Bệnh viện Nhân dân 115, hàng trăm người nhà bệnh nhân xếp hàng chờ đợi, không khí nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Thấy tôi có vẻ quan tâm, chị Thanh Huyền bán hàng rong trước cổng bệnh viện cho biết: “Hôm nay là thứ Bảy nên sẽ có nhiền đoàn từ thiện tới phát cơm miễn phí cho bệnh nhân và người nhà, bà con tập trung tại đây để chuẩn bị nhận cơm, chắc khoảng 30 phút nữa họ sẽ tới”.
Những suất cơm tình người
Đúng như lời chị Huyền, chiếc xe ba gác của nhóm từ thiện do anh Trương Văn Hà làm trưởng đoàn chở đầy những hộp cơm được xếp ngay ngắn chờ tới. Xe vừa dừng bánh, hàng trăm người ùa ra, trên tay là phiếu nhận suất ăn miễn phí được phát từ hôm trước.
Rất đông người tập trung cùng một lúc khiến cho đoàn từ thiện phải hết sức vất vả, người nhận phiếu, người phát cơm. Anh trưởng đoàn vừa đón lấy phiếu từ tay bà con, vừa trấn an mọi người: “Bà con yên tâm, ai có phiếu chắc chắn sẽ có suất cơm, bà con nào không có phiếu thì ráng chờ đến cuối, hôm nay chúng tôi làm dư ra hơn 100 suất để phát cho bà con”.
Là một trong những người may mắn nhận được suất cơm sớm nhất, chú Nguyễn Văn Rọn quê An Giang cho biết: “Chú mới đưa bà xã lên đây từ hôm qua, lại rất may mắn được nhận suất cơm từ thiện này, chú vui lắm, chú không nghĩ lên thành phố chữa bệnh lại nhận được sự giúp đỡ từ bà con như vậy”.
Khi dòng người kéo đến ngày một đông, các thành viên trong nhóm từ thiện phải ưu tiên phát trước cho những người có phiếu. Cả nhóm liên tục làm việc, đồng thời không quên cử người giải thích để người nhà bệnh nhân hiểu và thông cảm.
Có thể bạn quan tâm
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Bảo vệ môi trường nhìn từ suy nghĩ của em học sinh lớp 5
07:04, 01/08/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần sự tử tế trong đấu thầu
06:57, 31/07/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần sự tử tế trong công việc
03:36, 30/07/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Tử tế với hàng xóm
06:11, 27/07/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Những người đánh vật với “giặc lửa”!
06:29, 26/07/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Tử tế trong cuộc họp
07:07, 25/07/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Đám cưới đừng nên thực dụng và rình rang!
05:19, 24/07/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Chuyện "đỡ nhiều lắm" ở quán cơm xã hội Nụ Cười 2
06:00, 20/07/2019
Những hình ảnh ấm lòng ở quán cơm xã hội Nụ Cười
04:57, 10/07/2019
Chị Lan quê Gò Công - Tiền Giang đã nhiều lần nhận suất cơm từ thiện tại đây chia sẻ: “Em nuôi ông xã bị tai nạn giao thông ở bệnh viện cũng được nửa tháng rồi, cứ có đoàn từ thiện tới là em lại xuống đây xin cơm, có hôm xin được, cũng có hôm không. Điều trị dài ngày như nhà em tốn kém lắm, hôm nào xin được suất cơm thì cũng đỡ phần nào chi phí anh ạ!”.
Anh Trương Văn Hà - Trưởng nhóm Từ thiện chia sẻ: “Hôm nay nhóm mình phát gần 400 suất cơm cho bệnh nhân và người nhà điều trị tại đây. Bình quân một tháng nhóm tổ chức 2 đợt vào ngày mùng 2 và 16, mỗi lần trung bình từ 350 – 400 suất. Thấy bà con vui mừng khi nhận được suất ăn, mình cũng cảm thấy hạnh phúc, bao mệt nhọc đều tan biến hết”.
Theo anh Hà, chi phí cho mỗi đợt tổ chức này là gần 10 triệu, do một số anh em, bạn bè và những doanh nghiệp cùng kinh doanh với anh đóng góp, anh gọi đó là “Những suất cơm tình người”.
Suất ăn nhiều dinh dưỡng
Khi nhóm của anh Hà vừa rời đi, một nhóm từ thiện khác do cô Võ Thị Khanh - một giáo viên về hưu làm trưởng nhóm bắt đầu phát cơm. Cũng như nhóm của anh Hà, nhóm của cô Khanh đã phát phiếu nhận suất ăn miễn phí cho bệnh nhân và người nhà từ hôm trước, mỗi suất ăn gồm một hộp mì xào chay và một chai nước lọc.
Cầm trên tay 4 suất ăn vừa nhận, chị Hương quê Long An chia sẻ: “Hôm nay cả phòng nhờ em đi nhận giùm, đây là lần đầu tiên em nuôi bệnh trên thành phố, nghe các cô chú cùng phòng nói là thỉnh thoảng ở đây có đoàn về phát cơm miễn phí. Hôm qua, phòng em được người của đoàn từ thiện đến phát cho mỗi người một phiếu ăn. Em cũng có nghe mọi người nói tuy là cơm từ thiện, nhưng suất ăn cũng rất ngon và sạch sẽ, em và mọi người rất cảm kích tấm lòng của các cô chú trong đoàn từ thiện”.
Cũng theo lời của nhiều người đang chờ đến lượt nhận thì những suất ăn miễn phí ở đây đảm bảo vệ sinh, nhiều chất dinh dưỡng hơn hàng quán. Mọi người còn cho biết thêm, ngày nào cũng có rất đông người tới xếp hàng chờ nhận cơm, một số không nhận được do chưa có phiếu khá buồn và thất vọng.
Cô Võ Thị Khanh cho biết: “Thấy nhiều bà con không được nhận suất ăn phải ra về tay không, cô cũng áy náy lắm, mình muốn làm thật nhiều để ai đến cũng được nhận một phần, nhưng lực của nhóm có hạn. Hôm nay, nhóm của cô chỉ làm được khoảng 400 suất, tuy không nhiều lắm nhưng hy vọng cũng một phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí cho bà con”.
Theo cô Khanh, để có chi phí khoảng trên 5 triệu đồng cho mỗi đợt phát cơm, nhóm của cô phải nhờ đến sự đóng góp của các phụ huynh của một trường Tiểu học, nơi con gái cô công tác và những phụ huynh có con gửi cô dạy kèm tại nhà. Tùy theo sự hỗ trợ của các mạnh thường quân mà mỗi đợt nhóm sẽ làm nhiều hay ít, trung bình mỗi tuần nhóm của cô tổ chức một lần.
“Ngày xưa, ba mẹ cô phải nằm viện điều trị dài ngày, tiền thuốc men, ăn uống rất tốn kém. Nhiều khi không còn tiền để mua thức ăn, vì vậy cô rất đồng cảm với những bà con ở tỉnh xa về điều trị tại TP. HCM. Cô lập nhóm từ thiện này cũng vì điều đó, hy vọng sẽ có nhiều mạnh thường quân cùng chung tay chia sẻ bớt phần nào những khó khăn của bệnh nhân nghèo” - cô Khanh chia sẻ thêm.
Thật đáng quý
Khác với các nhóm trước, nhóm thiện nguyện của hai chị em cô Xuân và cô Tâm ở Q.3 chọn mỳ tôm để phát cho người nhà và bệnh nhân. Vì theo cô Xuân, mỳ tôm rất tiện lợi, lại có thể để được lâu, người bệnh có thể ăn bất cứ lúc nào. Cô Tâm cho biết, mỗi lần nhóm của cô phát khoảng 50 thùng mỳ gói. Để có kinh phí duy trì hoạt động, nhóm của cô chủ yếu là vận động anh chị em trong gia đình cùng chung tay đóng góp.
Cũng giống như cô Khanh, cô Xuân cũng có người nhà điều trị dài ngày tại bệnh viện này. Khi người nhà qua đời, hai cô vận động anh chị em trong gia đình lập nhóm thiện nguyện để chia sẻ một phần nào những khó khăn, vất vả cho người bệnh và cũng là để an ủi linh hồn của người quá cố.
“Năm ngoái, anh trai cô cũng điều trị bệnh dài ngày tại đây nhưng không qua khỏi và đã qua đời sau mấy tháng nằm viện. Cùng cảnh ngộ chăm bệnh dài ngày, cô hiểu được những khó khăn vất vả của người nhà bệnh nhân, đặc biệt là những người ở tỉnh xa. Cô lập nhóm thiện nguyện này cũng là thực hiện tâm nguyện của anh trai cô lúc còn sống”, cô Xuân xúc động chia sẻ.
Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. |
Theo cô Xuân, cô gọi nhóm của mình là nhóm thiện nguyện vì nhóm của cô không kêu gọi các mạnh thường quân bên ngoài ủng hộ kinh phí, mà chỉ vận động anh, chị, em trong gia đình nên việc thực hiện không được thường xuyên. Có khi một tháng nhóm của cô phát hai lần, nhưng cũng có khi hai tháng nhóm mới phát được một lần.
Cầm trên tay 05 gói mỳ vừa nhận từ cô Xuân, cô Hoàng quê Cà Mau chia sẻ: “Cô đưa con trai lên điều trị bệnh Viêm Gan B cũng được gần một tuần nay. Ở quê, nhà cô nghèo lắm, ruộng vườn không có, cả nhà phải đi làm thuê. Đưa con lên đây chữa bệnh, cô phải chạy vạy khắp nơi mới vay mượn được vài triệu đồng để đóng viện phí. Không có tiền ăn, nên ngày nào cô cũng xuống đây xin cơm từ thiện cho hai mẹ con, hôm nay được 5 gói mỳ này là cô đỡ được mấy bữa ăn rồi. Tấm lòng của bà con thành phố thật đáng quý”.
Mặc dù đã cố gắng, nhưng hàng trăm suất cơm và 50 thùng mỳ của ba nhóm từ thiện vẫn không đủ để phát cho mọi người, vẫn có nhiều người phải ra về tay không. Nhìn những khuôn mặt buồn rười rượi pha lẫn những mệt mỏi khi phải chăm bệnh dài ngày, tôi hiểu những băn khoan, trăn trở của anh Hà, cô Khanh và cả của cô Xuân khi lực của nhóm không đủ để có thể làm được nhiều hơn. Nhưng những gì mà các nhóm từ thiện làm được cũng đã góp phần chia sẻ bớt những khó khăn của người bệnh. Hi vọng sẽ có nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay “tiếp sức” để những hành động đẹp được lan tỏa, mang lại những giá trị, sự sẻ chia cho cộng đồng và xã hội.