[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần bịt lỗ hổng tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ

Trần Văn Trãi (4 Nhà phố Rio Vista, Dương Đình Hội, P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM) 08/10/2019 06:37

Ở cơ quan đơn vị nhà nước rất cần người có bằng cấp cao nhưng phải thực học nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Những ngày qua, dư luận cả nước “dậy sóng” trước sự việc bà “Trần Thị Ngọc Ái Sa” tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo sử dụng bằng trung học phổ thông của chị ruột vào làm tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk rồi học đại học và thạc sĩ.

Từ một nhân viên cấp cơ sở lần lượt được nhiều lần bổ nhiệm lên tới chức Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ngạc nhiên nhất là sự việc kéo dài trong suốt 20 năm, trải qua nhiều khâu thủ tục từ quy trình tuyển dụng, xác minh lý lịch, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ vẫn không phát hiện, đến khi có đơn tố cáo mới bị phanh phui.

Bà Thảo lấy bằng cấp của chị là Trần Thị Ái Sa để làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Bà Thảo lấy bằng cấp của chị là Trần Thị Ái Sa để làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Học lên cao là điều tốt nhưng phải bằng năng lực bản thân, không gian lận bằng cấp. Một người chưa tốt nghiệp trung học phổ thông thì các bằng cấp sau đó liệu có công bằng, hợp lý ? Câu trả lời rõ ràng là “không”.

Dư luận “dậy sóng”, thắc mắc hẳn có cơ sở. Từ lúc đi làm sử dụng bằng cấp người khác để học, sau đó được nhiều lần bổ nhiệm làm lãnh đạo là cả quá trình kéo dài lại không bị phát hiện đã cho thấy có sự lỏng lẻo trong cả một hệ thống gồm nhà trường, bộ máy cơ sở, cơ quan và đơn vị quản lý nhân sự. Một người chưa trải qua cấp ba vẫn tốt nghiệp đại học và thạc sĩ, ngoài ra còn học các lớp chính trị theo quy định, sao lại dễ quá vậy? Phải chăng có phần sai sót khâu tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ?

Sau khi sự việc bị bại lộ, cấp thẩm quyền cũng đã vào cuộc, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã thừa nhận rằng thời điểm đó bà còn trẻ nên suy nghĩ chưa chín chắn, nông nổi, phần thì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ vì muốn có việc để mưu sinh, đồng thời bà đã nộp đơn xin thôi việc.

Có thể bạn quan tâm

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Ấm lòng với

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Ấm lòng với "khách sạn" 1.500 đồng cho người nghèo

    06:00, 07/10/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Những chuyến xe nghĩa tình của anh tài xế xe cứu thương

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Những chuyến xe nghĩa tình của anh tài xế xe cứu thương

    05:31, 04/10/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần quyết liệt với tình trạng đua xe trái phép

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Cần quyết liệt với tình trạng đua xe trái phép

    07:17, 24/09/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Tiết kiệm điện nơi làm việc

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Tiết kiệm điện nơi làm việc

    06:10, 23/09/2019

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Hãy tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Hãy tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ

    06:28, 18/09/2019

Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm vụ việc. Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đang làm các quy trình khai trừ Đảng, cách chức và buộc thôi việc đối với bà Trần Thị Ngọc Thảo cũng như rà soát lại các quy trình để xử lý đối với những cá nhân, tập thể liên quan.

Ở cơ quan đơn vị nhà nước rất cần người có bằng cấp cao nhưng phải thực học nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Đáng buồn là vẫn còn những nơi tuyển dụng người chưa được đào tạo và gian lận bằng cấp không loạt trừ khả năng bao che tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận từng phát biểu bằng giả, bằng dỏm, bằng thật nhưng học giả chỉ có thể chui vào làm trong các cơ quan Nhà nước. Thực trạng này thật buồn này tồn tại từ lâu, ngày càng trầm trọng. Thử đặt câu hỏi vì sao như vậy? 

Thực tế trong công tác đánh giá quy hoạch, xem xét bổ nhiệm cán bộ nhiều nơi chưa thật sự làm tốt tinh thần dân chủ, công bằng. Từ đó, xảy ra chuyện thích hay không thích, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nhiều khi dựa vào cảm tình và "cánh hẩu" với nhau.

Mặc dù công tác cán bộ được đổi mới nhiều nhưng trên thực tế vẫn không tránh khỏi những kẽ hở để kẻ cơ hội, kém tài, suy thoái đạo đức "chạy chức chạy quyền" chui vào bộ máy tạo dựng bè cánh để lại hậu quả cho xã hội. Đã có không ít bài học đau xót trong giới thiệu và bổ nhiệm cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực. Thời gian qua có nhiều cán bộ vi phạm pháp luật vướng lao lý phải trả giá khi bị kỷ luật, khởi tố.

Ngăn chặn hoặc chấm dứt tình trạng gian lận bằng cấp, học giả là không khó nếu có sự quan tâm quyết liệt từ nơi đào tạo, đơn vị quản lý nhân sự. Nhà trường phải dạy thật học thật, kiểm tra kỹ đầu vào và xử lý nghiêm khi phát hiện trường hợp gian lận bằng cấp, học thuê, thi hộ... Cơ quan đơn vị quản lý nhân sự kịp thời kỷ luật thật nặng các đối tượng vi phạm như cách chức, buộc thôi việc, thu hồi chi phí đã hưởng lợi từ gian lận bằng cấp, tuyệt đối không bao che hay tiếp tay. Đặc biệt là đạo đức trách nhiệm những cá nhân phụ trách kiểm tra và giám sát thực hiện các quy trình thủ tục đào tạo, xác minh lý lịch, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Thiết nghĩ nên rà soát lại quy chế tuyển dụng ở cơ quan đơn vị Nhà nước để kịp thời điều chỉnh và có biện pháp hạn chế tình trạng gian lận bằng cấp, học giả thì mới có được đội ngũ nhân sự chất lượng. Dân chủ và công bằng trong tổ chức thi tuyển, cạnh tranh chọn người thích hợp nhất để bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng trong tổ chức như lãnh đạo, quản lý, điều hành,... ;Tiêu chí tuyển chọn cả chuyên môn, văn hóa,  xử lý tình huống. Nơi nào cần tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thì đăng ký; Khi đề bạt cán bộ phải công khai các tiêu chí sao cho công bằng, khuyến khích mọi người đủ điều kiện có thể ứng cử; Quyết định nhân sự cần giải thích trên báo chí về việc đánh giá người được bổ nhiệm. Nhân tố này sẽ là luồng gió mới và giải pháp hiệu quả chống các bệnh trì trệ, xơ cứng, bảo thủ, chủ quan duy ý chí trong bộ máy Nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình đào thải nhân lực không đáp ứng yêu cầu buộc phải nhường chỗ cho người thích hợp.

Trở lại với sự việc bà Trần Thị Ngọc Thảo ngoài xử lý nghiêm đối tượng vi phạm cần làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tổ chức đã thực hiện các thủ tục quy trình tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ qua các giai đoạn. Có hay không sự bao che, tiếp tay để đối tượng vị phạm khai báo dối gian về danh tính, bằng cấp và những lần xác minh lý lịch? Đòi hỏi phải xác định rõ trách nhiệm cụ thể từng khâu, tổ chức, cá nhân và có xử lý thích đáng với những ai làm sai và bao che để răn đe các trường hợp tương tự.

Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Trần Văn Trãi (4 Nhà phố Rio Vista, Dương Đình Hội, P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM)