[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] "Cây ATM gạo" tiếp sức cho người nghèo ở Hà Nội vượt "bão" COVID-19
Người dân chỉ cần đạp chân vào cảm biến là gạo tự động tuôn chảy ở máy "ATM gạo" miễn phí đặt tại Nhà văn hoá phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Học hỏi mô hình đang triển khai, áp dụng trong TPHCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng (55 tuổi, người sáng lập công ty sách Thái Hà) đã lên ý tưởng chiếc "máy ATM gạo" ở Hà Nội với mong muốn chia sẻ với người lao động nghèo để không để ai "đứt bữa" trong dịch bệnh này.
“Mình nghĩ Sài Gòn làm được thì tại sao ngoài Hà Nội không làm được. Sau 2 ngày thử nghiệm, được sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, máy phát gạo tự động đã vận hành hoàn chỉnh” - ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn 10 tấn gạo để phân phát cho mọi người. Chương trình dự kiến được thực hiện tới hết ngày 30/4 hoặc khi ban tổ chức không còn đủ tiềm lực kinh tế.
Trong ngày đầu tiên hơn 700 người từ nhiều quận, huyện của thủ đô đã đến nhận gạo.
Anh Doãn Thanh Tùng, người sáng chế chiếc máy 'ATM gạo' ở Hà Nội, cho biết điểm cải tiến ở chiếc máy này là nút giậm chân thay vì ấn nút tay.
"Ở Hà Nội tôi có một số đồ thí nghiệm dạy học sinh, tôi nghĩ mình sẽ làm được như Sài Gòn. Chúng tôi vừa làm vừa chạy. Máy gồm bồn đựng gạo, gạo chạy theo đường ống xuống, giữa có một bộ điều khiển bằng van tự động và pêđan giậm chân ở dưới để người dân tránh tiếp xúc bằng tay. Mỗi lần ấn pêđan, gạo sẽ nhả đúng số lượng mình lập trình sẵn", anh Tùng cho biết.
Mỗi người dân đến nhận nhấn một lần, 3 kg gạo sẽ theo ống chảy xuống. Theo quy định mỗi người chỉ được nhận 3kg để dành phần cho nhiều người khác. Trước khi nhận gạo, mỗi người dân phải thực hiện sát trùng tay, đeo khẩu trang và đứng theo ô được đánh dấu sẵn để đảm bảo khoảng cách 2m.
Bà Trần Thị Lành (62 tuổi, tạm trú tại phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bản thân tình cờ thấy hệ thống truyền thanh phường Nghĩa Tân thông báo về chương trình nên đã ghé vào lấy gạo về ăn cho đỡ vất vả. “Công việc hàng ngày của tôi là đi nhặt rác. Bữa gạo này dự kiến sẽ giúp 2 vợ chồng ăn khoảng 4 ngày. Các con tôi ở riêng, hoàn cảnh cũng nghèo khó nên 2 vợ chồng vẫn tự làm tự sống” - bà Lành chia sẻ.
Ông Hà Đức Thế (cán bộ về hưu ở phường Nghĩa Tân) xúc động nói có đồng lương hưu đáng lẽ ra ông chẳng đến xin gạo như thế này đâu, vì còn nhiều người khó khăn hơn mình.
"Cứ ngỡ được sống những ngày cuối đời an nhàn với đồng lương hưu, nhưng tai họa ập đến. Con gái chẳng may bị tai nạn chết não, mọi chi phí trong nhà giờ đổ dồn vào lo cho cháu. Nay được nhận chút gạo này, cho tôi xin ghi nhận tấm lòng sẻ chia của mọi người" - ông Thế bộc bạch.
"Áng chừng mỗi ngày năm người ăn hết 1,5kg gạo" - bà Đào Thị Lý (78 tuổi, ở phường Nghĩa Tân) nhẩm tính. Dịch bệnh chẳng thể đi làm mà trong nhà có con gái đang chạy thận, nuôi hai người con tâm thần, bà rưng rưng nhờ túi gạo này có thể giúp bà cháu không bị đói.
Vừa mới hoạt động, chiếc ATM đã mang gạo đến tận tay người nghèo. Có người dân vừa mới nghe chiếc loa phường phát thông báo chia sẻ với người khó khăn đã chở ngay đến chục cân gạo góp thêm cho bà con khó khăn.
Biết tin, ông Lê Đình Tòng, 53 tuổi ở Vạn Bảo, quận Ba Đình giục cả nhà ăn cơm nhanh, sau đó đi qua ba cửa hàng mới mua đủ 100 kg gạo đem tặng dự án. Chị Đặng Thùy Liên, ở Đan Phượng cũng chở tới 2 tạ. Có những gia đình không có ôtô nên đã huy động vài xe máy của nhà để chở gạo đến tặng cho quỹ.
Có thể bạn quan tâm
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Chủ khách sạn phát cơm miễn phí cho người nghèo ở Hải Phòng
04:15, 13/04/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Doanh nghiệp đồng lòng “truyền lửa” nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19
05:51, 11/04/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Chiếc "ATM nhả gạo" tiếp sức cho người nghèo qua mùa dịch COVID-19
11:00, 08/04/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Nhà chùa vận động may hàng ngàn khẩu trang vải tặng người dân phòng chống dịch
11:00, 07/04/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] "Tấm lòng vàng" của vợ chồng chủ quán cơm chay
13:25, 06/04/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Ấm lòng những suất ăn miễn phí 'ai cần cứ đến lấy'
11:56, 06/04/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Nắm rau, cân gạo nặng nghĩa tình của các cụ ông, cụ bà mùa COVID-19
11:20, 01/04/2020
Mới hoạt động từ sáng ngày 11/4, chủ "cây ATM gạo" ở Hà Nội đã quyết định mở thêm địa điểm phát gạo miễn phí tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao quận Bắc Từ Liêm trên đường Võ Quý Huân, thuộc phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với mong muốn sẻ chia nhiều hơn nữa với những khó khăn của người lao động nghèo.
Thời gian phát nhận gạo bắt đầu từ ngày hôm nay 13/4 (từ 10h - 17h) đến 30/4, thời gian phát gạo từ 8h - 17h.
Dự kiến, cứ sau 2 ngày sẽ có thêm 1 máy ATM gạo miễn phí nữa ở các quận khác của Hà Nội đi vào hoạt động. Mục đích là để người nghèo không phải đi quá xa để nhận gạo, để các người nghèo ở các quận khác nhau có cơ hội như nhau.
Theo kế hoạch, dự án ATM gạo miễn phí ở Hà Nội sẽ có 10 máy ở 10 quận huyện trong khắp Hà Nội, hoạt động đến hết tháng 4/2020, mỗi máy 1 ngày sẽ cần 3 tấn gạo. Như vậy tổng số gạo của dự án cần khoảng 300 tấn gạo.
Hiện tại có nhiều mạnh thường quân đã tài trợ cho dự án, nhưng việc giúp đỡ người nghèo có bữa cơm ấm bụng mùa COVID-19 mới chỉ là một nửa mục tiêu của dự án. Những người tổ chức dự án kêu gọi tất cả những tổ chức, cá nhân ở Hà Nội, có khả năng kinh tế, có lòng nhân ái, tình yêu thương tham gia. Các nhà hảo tâm có thể đến hỗ trợ gạo trực tiếp ở cây ATM gạo gần nhất, trước mắt là 2 cây ATM gạo ở 2 nhà văn hoá Nghĩa Tân và Bắc Từ Liêm.
"Trong những ngày vừa qua, đã có nhiều người ủng hộ dự án. Có người đem đến 5kg gạo, có người 50.000 đồng... Chúng tôi rất cảm động vì những tấm lòng chia sẻ với người nghèo trong lúc khó khăn. Danh sách các nhà tài trợ được công khai, tăng tính minh bạch của dự án"- ông Hùng chia sẻ.
Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |