Những phần quà nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho người dân cùng nhau chống dịch COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, toàn dân thực hiện cách ly xã hội từ ngày 1/4/2020 để giúp hạn chế lây lan dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc nhiều công ty, xí nghiệp, hàng quán đóng cửa đã khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Giữa lúc như vậy, những món đồ, những gói quà nhỏ bé lại càng trở nên vô giá.
Là một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội, cũng gặp không ít khó khăn bởi dịch COVID-19, nhưng nghĩ đến những người nghèo ở đô thị còn khó khăn hơn mình rất nhiều, anh Nguyễn Phan Huy Khôi đã nảy ra ý tưởng khởi xướng chương trình "Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua COVID-19".
Anh Khôi bộc bạch: “Trước đây, vợ chồng tôi cũng hay tham gia các hoạt động từ thiện xã hội tại vùng sâu, vùng xa. Đợt dịch COVID-19 này làm mình cảm nhận rõ và nhận ra trong bao nhiêu năm làm từ thiện xã hội, có một đối tượng mà mình quên mất, đó là người nghèo ở đô thị. Họ sống cùng chúng ta trong đô thị, nên chúng ta thường quên nghĩ đến họ như những người cần giúp đỡ”.
Theo anh Khôi, người nghèo đô thị có mấy nhóm, có nhóm từ nông thôn di dân vào thành phố để lao động chân tay, có nhóm thị dân lao động, có nhóm lang thang vô gia cư... Nhiều người còn nghèo hơn, khó sống hơn cả người nghèo ở nông thôn, làng bản. Họ dễ sống nhất, nhưng cũng mong manh nhất, dễ tổn thương nhất, và dễ bị lãng quên nhất.
“Dịch bệnh xảy ra, những người về được với ruộng vườn thì đã về rồi, còn có những người không thể về, không có chỗ về, họ đang và sẽ sống thế nào nếu dịch dã cứ kéo dài mãi thế”, anh Khôi trăn trở.
Từ suy nghĩ, trăn trở của bản thân, anh Khôi đã lập ra 3 điểm phát đồ ăn miễn phí ở tại số 63 - 65 Hàm Long, quận Hoàn Kiếm; quán Cafe N2F, đầu ngõ 54 Lê Văn Lương (Thanh Xuân - Hà Nội) và Cổng chính ký túc xá (KTX) Mễ Trì, số 182 Lương Thế Vinh (Thanh Xuân - Hà Nội).
Tại các điểm phát quà từ thiện, những phần đồ ăn thiết thực như mì gói, nước tương, trứng gà... được gói cẩn thận, để ngay ngắn trên bàn. Những người có hoàn cảnh khó khăn, người già, người vô gia cư, người bán vé số trên các con phố, ngõ hẻm tới và nhận những túi đồ nhỏ để trang trải qua ngày.
Chị Nguyễn Thúy Hòa, quê Phú Xuyên (Hà Nội) bán rau ở chợ Trại Găng (quận Hai Bà Trưng) khi đi ngang qua phố Hàm Long, tình cờ ngang nhìn thấy tấm băng rôn “Điểm tặng thực phẩm hàng ngày”, sau một hồi nấn ná, chị rẽ vào xin một gói.
Chị Hòa bộc bạch: “Mấy ngày hôm nay, người dân ở nhà tránh dịch Covid-19, chợ búa ế ẩm, tôi đưa rau vào phố bán cho người quen. Dịch bệnh thế này giờ muốn về quê cũng không dám về. Còn chút tiền phòng thân, tôi phải tiết kiệm nhỡ mai mốt dịch căng thẳng thì không biết sống sao. Thế nên một miếng khi đói bằng 1 gói khi no, suất quà của các nhà hảo tâm khiến chúng tôi ấm lòng hơn trong lúc khó khăn”.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 07/04/2020
13:25, 06/04/2020
11:20, 01/04/2020
11:00, 01/04/2020
Được biết, khi chia sẻ ý tưởng này trên Facebook, anh Khôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè và các mạnh thường quân. Người góp 1.000 quả trứng, người góp 1.000 gói mì, người góp tiền, góp gạo, góp khẩu trang…Riêng vợ chồng anh Khôi ủng hộ chương trình 100 triệu đồng và 393 kg gạo.
Theo anh Khôi, việc triển khai hoạt động này không khó, có rất nhiều người ủng hộ và nhiều người cần. Cái khó ở đây, trong bối cảnh dịch mình phải làm thế nào vừa đảm bảo tổ chức hoạt động tặng quà, vừa đảm bảo yếu tố an toàn phòng dịch. Vì vậy, điều đầu tiên anh yêu cầu mọi người đến nhận đồ từ thiện là phải đeo khẩu trang và đứng cách nhau 2m.
Việc phát quà từ thiện không còn xa lạ với mọi người, nhưng giữa lúc khó khăn cấp thiết như hiện nay thì những món đồ từ thiện càng trở nên ý nghĩa. Đó là hành động đẹp thể hiện tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau giữa người với người; an ủi, động viên cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |