Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Cảm động hai anh em vượt lũ đi cứu người trong đêm

TÂM ĐAN (NGHỆ AN) 26/10/2020 05:06

Mưa xối xả, nước cuồn cuộn từ hồ Kẻ Gỗ đổ về, nhiều người dân không kịp sơ tán, mắc kẹt giữa bốn bề nước, anh Phạm Ngọc Quỳnh vội rủ người anh họ là Phạm Ngọc Lộc lấy thuyền đi cứu hộ trong đêm.

Nước lũ vừa rút, chúng tôi trở về xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), một trong những địa phương bị ngập nặng nhất trong trận "đại hồng thủy" vừa qua. Những con đường vẫn còn bám đầy sình bùn trên mặt, những hàng cây xiêu vẹo, bật rễ dính đầy rác, in hằn dấu vết cơn lũ dữ. Người dân đang tập trung dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống sau những ngày di tản trở về. Câu chuyện về hai người anh em cùng nhau chèo thuyền cứu người trong cơn lũ được người dân liên tục nhắc lại với lòng biết ơn.

Nước lũ lên nhanh, anh Phạm Ngọc Quỳnh cùng người anh họ Phạm Ngọc Lộc xuyên đêm chở người thoát khỏi cơn lũ lịch sử

Nước lũ lên nhanh, anh Phạm Ngọc Quỳnh cùng người anh họ Phạm Ngọc Lộc xuyên đêm chở người thoát khỏi cơn lũ lịch sử

Sinh sống dưới vùng hạ du Kẻ Gỗ, trận lũ vừa qua ngôi nhà anh Phạm Ngọc Lộc (thôn 4, xã Cẩm Duệ) cũng bị ngập sâu gần 1m. Dù đã chủ động dọn dẹp nhà cửa nhưng nước lũ lên quá nhanh, nhiều vật dụng của gia đình không kịp dọn cũng bị ngâm trong nước. Đàn gà hơn 40 con và 7 tạ lúa cũng bị nước lũ nhấn chìm.

Nhớ lại ngày hôm đó, anh Lộc kể, đó là đêm 19/10, nước lũ lên nhanh, chỉ trong chốc lát, toàn bộ 12 thôn của xã Cẩm Duệ đều chìm trong biển nước. Anh Lộc đang tất tả cùng vợ vận chuyển đồ lên cao thì nghe anh Phạm Ngọc Quỳnh (người anh họ, cùng trú tại thôn 4) gọi đi giúp dân sơ tán. “Chỉ kịp dặn vợ dọn được gì thì dọn, tôi vội lấy mấy chiếc áo phao bỏ lên thuyền nhỏ chèo đến những hộ dân đang mắc kẹt để đưa họ đi sơ tán”, anh Lộc kể.

Lúc đó, nước lũ lên quá nhanh, chỉ trong phút chốc nước cuồn cuộn đổ về, xóm làng bị cô lập hoàn toàn, có nhà nước dâng cao lên 2m. Phương tiện duy nhất có thể vào từng hộ dân chỉ có thể bằng thuyền đò. Hai anh em chèo thuyền đến những gia đình có người già neo đơn, trẻ nhỏ... để đưa đi sơ tán trước.

"Hầu hết những người già thường có suy nghĩ ở lại trông nhà và giữ tài sản nên không chịu sơ tán. Hơn nữa, nhiều người còn có tâm lý chủ quan nên khi chính quyền đến vận động họ không đồng ý. Tuy nhiên, cơn lũ năm nay lên nhanh bất thường, rất đông người dân bị mắc kẹt trong khi phương tiện của lực lượng cứu hộ và địa phương lại hạn chế. Sẵn trong nhà có thuyền nên giúp được gì cho người dân trong lũ thì giúp thôi", anh Quỳnh chia sẻ. 

Sau khi hoàn thành cơ bản việc đưa người đi sơ tán, anh Quỳnh làm hoa tiêu và chở các đoàn vào cứu trợ

Sau khi hoàn thành cơ bản việc đưa người đi sơ tán, anh Quỳnh làm hoa tiêu và chở các đoàn vào cứu trợ.

Giữa biển nước mênh mông, chảy xiết, chiếc thuyền nhỏ của các anh luồn qua những ngõ xóm mà xuồng máy và thuyền lớn không thể tiếp cận được. “Những gia đình nào không an toàn chúng tôi sẽ đưa lên thuyền và chở họ ra trục đường chính, ở đó có người của chính quyền địa phương tiếp ứng đưa đi tránh lũ. Sau khi sơ tán cơ bản những gia đình cấp bách, chúng tôi quay lại giúp các gia đình neo đơn đưa đồ đạc, vật nuôi lên cao”, anh Quỳnh kể.

Cứ thế, hai anh em chèo thuyền xuyên đêm cứu không biết bao nhiêu người. Từng người được đưa ra khỏi vùng ngập lụt an toàn, nhưng cũng có những lần thót tim bởi nước chảy xiết, suýt chút nữa đẩy thuyền ra bờ sông. Rất may, anh Quỳnh nhanh chóng bơi xuống bám vào cành cây, kéo thuyền quay trở lại. Rồi anh em liên tục nhắc nhở nhau phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình và cả người dân.

Khi mọi việc cũng tạm ổn thì cũng đã tờ mờ sáng chưa kịp ăn miếng cơm lót dạ, thấy có đoàn cứu trợ vào, anh Phạm Ngọc Quỳnh tiếp tục làm hoa tiêu cho các đoàn cứu trợ vào tận các hộ dân đang ngập sâu trong nước lũ.

Từng nóc nhà, từng gia cảnh, từng chỗ nông sâu của thôn đều được các anh đọc vanh vách. Nhờ đó, nhiều đoàn cứu trợ đã đưa được hàng tiếp tế kịp thời đến với những hộ dân. Kết thúc chuyến cứu trợ, một số đoàn gửi chút tiền cảm ơn hai anh em đã dẫn đường nhưng hai anh đều từ chối.

Thấy anh Quỳnh, anh Lộc, bà Trần Thị Mận (62 tuổi) thôn Cẩm Duệ nắm tay hai anh và không ngừng nói lời cảm ơn: “Cảm ơn hai chú nhiều lắm. Nhà neo người chỉ có tôi, đứa con gái và đứa cháu mới 20 tháng tuổi nên khi nước lũ lên nhanh không kịp xoay xở gì. Cũng may có hai chú đến giúp kê đồ lên cao và đưa đoàn cứu trợ cho gia đình có cái ăn trong những ngày lũ lụt”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Tĩnh: Các trường học tất bật dọn rửa bùn non để đón học sinh trở lại sau lũ

    Hà Tĩnh: Các trường học tất bật dọn rửa bùn non để đón học sinh trở lại sau lũ

    11:13, 22/10/2020

  • Hà Tĩnh: Nhiều nơi vẫn ngập sâu, chính quyền nỗ lực tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ

    Hà Tĩnh: Nhiều nơi vẫn ngập sâu, chính quyền nỗ lực tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ

    13:55, 21/10/2020

  • Ấm tình người trong cơn hoạn nạn

    Ấm tình người trong cơn hoạn nạn

    05:00, 22/10/2020

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]

    [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] "Quán cơm dã chiến" ấm áp tình người giữa mùa đại dịch

    11:00, 21/04/2020

Tâm Đan

TÂM ĐAN (NGHỆ AN)