Doanh nghiệp vận tải "chật vật" trong "bão" dịch
Sự thiếu thống nhất, thậm chí cứng nhắc trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 giữa các địa phương đang khiến doanh nghiệp “chật vật” trong việc vận chuyển hàng hóa…
Doanh nghiệp “khổ sở”
Theo đó, ngoài sự khác biệt khi áp dụng các quy định phòng, chống dịch COVID-19 giữa các địa phương còn có sự khác biệt trong thời hạn và cách thức xét nghiệm COVID-19 với lái xe. Bên cạnh đó, khi thay đổi hoặc áp đặt quy định, hầu hết các địa phương áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ước tính, tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.
Ngày 25/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký văn bản chỉ đạo về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm.
Văn bản nêu rõ việc yêu cầu các địa phương không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển các mặt hàng thiết yếu trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng các phương tiện "chôn chân" hàng giờ đồng hồ để qua chốt kiểm dịch trên các tuyến đường vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng dù có thẻ ưu tiên “luồng xanh" và giấy xét nghiệm COVID-19 vẫn diễn ra.
Chia sẻ với báo chí, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam, ông Lê Minh cho biết, hiện việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là đình trệ. Nguyên nhân chính, theo ông Minh, là do sự thiếu thống nhất, mỗi địa phương một kiểu trong áp dụng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
“Chẳng hạn, khái niệm hàng hóa thiết yếu dù đã được cơ quan chức năng quy định từ năm ngoái, và Bộ Công Thương cũng chỉ rõ nhưng vẫn có một số cán bộ thực hiện nhiệm vụ không nắm được quy định này nên lúng túng khi áp dụng…”, ông Minh nói.
Giấy xét nghiệm mỗi nơi một kiểu
Tại Hải Phòng, trong 3 ngày (18-20/7) vừa qua, 3 cửa ngõ đi vào Thành phố bị ùn tắc nhiều giờ đồng hồ bởi quy định áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe, trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin.
Hay tại các cửa ngõ vào Hà Nội, từ khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 (ngày 24/7), toàn bộ QL1B hướng về Thủ đô ken kín phương tiện chờ duyệt qua chốt kiểm dịch, nhiều lái xe phải xếp hàng chờ từ 4h sáng đến 12h trưa vẫn chưa qua được chốt. Ô tô vận tải hàng hóa nối đuôi nhau kéo dài khoảng 3-4 km.
Nhiều phương tiện từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh... không đủ điều kiện di chuyển đến/qua Hà Nội nhưng không di chuyển vào QL18 theo hướng dẫn mà vẫn cố tình vào QL1B, trong khi tuyến QL1B chỉ có điểm quay đầu ngay tại chốt kiểm dịch. Đáng nói, trong dòng xe ùn tắc có nhiều phương tiện mặc dù đã có thẻ nhận diện "luồng xanh" nhưng vẫn phải "chôn chân" vì không có đường ưu tiên di chuyển...
Ở khu vực phía nam, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện có hàng trăm chốt kiểm soát, kiểm dịch liên tỉnh tại các cửa ngõ ra vào các địa phương. Tuy nhiên, vướng mắc nhiều nhất trong lưu thông vận tải tại đây là yêu cầu về giấy xét nghiệm y tế âm tính với COVID-19 có thời hạn khác nhau, chưa thống nhất. Đơn cử, Bình Dương, TPHCM quy định 3 ngày; Long An quy định 5 ngày và Đồng Nai quy định 7 ngày... Việc chấp thuận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên (test nhanh) và PCR cũng chưa thống nhất gây khó khăn lái xe khi vận chuyển hàng hóa.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ đình trệ cho vận tải hàng hóa do COVID-19” do Báo Giao thông tổ chức ngày 26/7 vừa qua, ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ, trong thời gian vừa qua, khi các địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp vận tải.
"Chúng tôi đang ở trong tình trạng kiệt quệ, hơn 1 năm chịu tác động dịch bệnh, doanh thu suy giảm, chi phí tăng lên. Chẳng hạn một công ty có 150 lái xe, hiện hằng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại. Đây là một chi phí khủng khiếp", ông Nghĩa nói.
Đặc biệt, ông Trần Đức Nghĩa nêu ra vấn đề "không có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối, thống nhất các biện pháp phòng dịch" dẫn tới khó khăn khắp mọi nơi cho doanh nghiệp. Ví dụ như trên địa bàn Quảng Ninh, "không hiểu lý do vì sao khi vào khu vực cửa khẩu phải test COVID-19 trong khi bắt đầu vào tỉnh lái xe đã phải test PCR", ông Nghĩa thắc mắc.
"Tại Hải Dương khi dịch bùng phát lần thứ ba, UBND tỉnh cho đóng QL18 và 52. Trong khi đó, tại lần dịch thứ 4, Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn duy trì vận chuyển hàng hóa QL1A và 18 bình thường. Mới đây nhất, cũng có thể thấy sự khác biệt giữa TPHCM và Hà Nội. Trong khi QL1A qua địa bàn TPHCM không bị đóng khi áp dụng Chỉ thị 16 nhưng tại Hà Nội lại đóng QL1A để phong tỏa địa bàn", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết.
Ngoài sự khác biệt khi áp dụng các quy định phòng, chống dịch COVID-19 giữa các địa phương, ông Trần Đức Nghĩa còn nêu vấn đề khác biệt trong thời hạn và cách thức xét nghiệm COVID-19 với lái xe. Chưa kể, khi thay đổi hoặc áp đặt quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp.
"Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ước tính tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày", ông Trần Đức Nghĩa chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy trình vận tải hàng hóa lưu thông trên đường những ngày qua của doanh nghiệp và lái xe gặp nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát phòng dịch với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường, các chi phí bị đội lên. Nhiều xe vận chuyển rau củ quả tươi sống, với áp lực thời gian vận tải nhanh, hàng hóa nhiều khi chưa được bao gói theo đúng quy cách, chưa được kiểm soát tận gốc, do đó cũng phát sinh khó khăn...
"Vận tải hàng hóa hiện vẫn có thể hoạt động được, nhưng doanh nghiệp và lái xe cần được tạo điều kiện hơn nữa trong việc thực hiện các quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi từ địa phương vùng dịch", ông Nguyễn Văn Quyền nói.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Doanh nghiệp vận tải khổ trăm bề trong thực hiện quy định
00:18, 28/07/2021
Quảng Bình: Doanh nghiệp vận tải "khốn đốn" vì đại dịch COVDID-19
15:14, 17/07/2021
Hải Phòng: Doanh nghiệp vận tải “thở oxy” trong mùa dịch
05:15, 06/07/2021
Hà Tĩnh: Doanh nghiệp vận tải hành khách lao đao trước “bão” dịch COVID-19
13:01, 21/06/2021
Doanh nghiệp vận tải lo phá sản khi tạm dừng hoạt động vì COVID-19
05:00, 07/06/2021
Sau phản ánh của DĐDN, doanh nghiệp vận tải Hải Phòng được xem xét tiêm vaccine COVID-19
05:13, 05/06/2021
Quảng Ninh: Nhiều doanh nghiệp vận tải “dở khóc, dở cười” vì giấy xét nghiệm COVID-19
11:00, 02/06/2021
Nghệ An: Doanh nghiệp vận tải ô tô “mòn mỏi” chờ được tiêm vaccine COVID -19
08:23, 02/06/2021