Lượng khách giảm mạnh hoặc gần như không có khiến doanh nghiệp vận tải hành khách tại Hà Tĩnh hoạt động cầm chừng hoặc tiếp tục tạm nghỉ. Doanh nghiệp rất cần giải pháp hỗ trợ từ các ngành chức năng
Ngày 18/6, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định kết thúc thời gian cách ly y tế tại thành phố Hà Tĩnh, các địa bàn thuộc xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà và chuyển sang thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính Phủ. Theo đó, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa ở Hà Tĩnh cũng được hoạt động trở lại bình thường nhưng phải đảm bảo quy định phòng dịch.
Tuy nhiên tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến lượng khách tham gia dịch vụ công cộng giảm sút 80 - 95% khiến các doanh nghiệp vận tải ở Hà Tĩnh lao đao. Một số doanh nghiệp cố gắng hoạt động cầm chừng, một số chấp nhận tiếp tục tạm nghỉ để “lắng nghe” tình hình dịch bệnh.
Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh hiện có gần 100 xe buýt chạy 6 tuyến đưa hành khách từ TP Hà Tĩnh đi các huyện trên địa bàn Hà Tĩnh và TP Vinh (Nghệ An) cùng 7 xe giường nằm chất lượng cao chạy tuyến cố định Hà Tĩnh - Hà Nội và ngược lại.
Dù tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là khi TP Vinh đang thực hiện cách ly y tế theo Chỉ thị 16. Ngoài lượng khách giảm sút, để đảm bảo an toàn công ty vẫn chưa hoạt động trở lại.
Ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc Cty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh cho hay: “Hiện chỉ có 8 xe tuyến TP Hà Tĩnh - Kỳ Anh hoạt động trở lại từ sáng 21/6 để chở các công nhân vào làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng (TX Kỳ Anh). Số còn lại vẫn đang đỗ tại các bến xe. Dự kiến đầu tháng 7 chúng tôi sẽ cho hoạt động các tuyến nội tỉnh, trừ tuyến đi TP Vinh”.
Trước tình hình dịch bệnh, lượng khách sử dụng dịch vụ công cộng giảm sút, công ty đã phải cắt giảm nhân viên và phân chia làm việc theo ca để đảm bảo an toàn phòng dịch. “Toàn bộ xe trước khi đưa vào hoạt động đều phải phun khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, nhân viên và hành khách đều phải chấp hành 5K, đeo khẩu trang, ngồi giãn cách đúng quy định. Mỗi xe không chở quá số lượng 20 người và lập danh sách toàn bộ hành khách đi xe”, ông Sỹ thông tin.
Đối với Công ty TNHH MTV Mai Linh Hà Tĩnh đợt dịch lần này như một cú “knock - out” khiến công ty rơi vào cảnh lao đao. Ông Lê Thế Hiền, Phó giám đốc công ty TNHH MTV Mai Linh Hà Tĩnh cho biết: “Do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên người dân hạn chế di chuyển và e ngại sử dụng các phương tiện vận tải công cộng. Các doanh nghiệp vận tải hành khách, taxi doanh thu sụt giảm do hoạt động bị “đóng băng”. Hãng có hơn 200 xe, nhưng lượng khách đặt xe quá ít, hiện chỉ có khoảng 30% xe hoạt động, doanh thu chỉ đạt 9% so với trước”.
Theo ông Hiền, trước đây, mỗi ngày một chiếc xe hoạt động sẽ thu về từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng, tuy nhên, những ngày qua mỗi xe chỉ đạt từ 80.000 - 90.000 đồng/ngày. Lượng cuộc gọi đến tổng đài cũng giảm từ 1.500 - 2.000 cuộc xuống còn 50 - 70 cuộc gọi/ngày. “Lượng khách gọi đặt xe giảm sút nghiêm trọng, số lượng sử dụng xe từ các cuộc gọi cũng giảm sút hơn. Có nhiều trường hợp gọi đặt xe nhưng khi xe đến đón lại không đi nữa. Với mức hoạt động như thế thì số tiền thu về không đủ để chi điện nước, xăng xe chứ chưa tính đến các khoản chi phí khác như lương, bảo hiểm...”, ông Hiền nói.
Lượng hành khách giảm đến 80 - 95%, dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập. Các doanh nghiệp vận tải đề xuất tỉnh và cơ quan thuế xem xét miễn hoặc giảm thuế trong giai đoạn này để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong cơn “bão” dịch COVID-19.
“Ngoài việc miễn, giảm thuế, chúng tôi cũng mong muốn ngành chức năng giảm phí đường bộ, ngân hàng hỗ trợ giãn thời gian thu lãi hoặc có phương án giảm lãi suất trong giai đoạn khó khăn này. Đối với ngành bảo hiểm xã hội, đề nghị được giãn thời gian đóng bảo hiểm và không tính lãi nộp chậm”, ông Hiền chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm