Hồ tiêu được đưa ra khỏi “luồng vàng” Hải quan
Trước những phản ánh của DĐDN về việc doanh nghiệp hồ tiêu “gặp khó” khi bị đưa vào “luồng vàng”, mới đây Tổng cục Hải quan đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền và trực tiếp có giải pháp tháo gỡ…
Theo đó, liên quan đến kiến nghị giảm tỷ lệ phân luồng theo kiến nghị của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thông tin với báo chí đại diện Cục Quản lý rủi ro – Tổng cục Hải quan cho biết, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã đưa mặt hàng hồ tiêu ra khỏi danh mục áp dụng phân “luồng vàng”.
Về vướng mắc khi triển khai Thông tư 03/2021/TT-BYT của Bộ Y tế và công văn số 461/YHCT-QLD, ngày 15/6/2021, Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn gửi Cục Quản lý Y dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế.
Qua đó, đơn vị này cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát Danh mục tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT và Danh mục tại Thông tư số 03/2021/TT-BYT để thống nhất ban hành Danh mục dược liệu.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Bộ Y tế rà soát lại các mặt hàng để đảm bảo thống nhất và đề nghị không quy định kiểm tra điều kiện về dược đối với hàng hóa xuất khẩu nhằm mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Lý do là việc sử dụng vào mục đích gì là do nhà nhập khẩu ở nước ngoài chứ không phải do nhà xuất khẩu Việt Nam.
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã có loạt bài phản ánh bức xúc của một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu về tỷ lệ tờ khai “luồng vàng” (kiểm tra hồ sơ) đối với hồ tiêu xuất khẩu đã tăng từ 8% lên đến 60% và tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen, thậm chí có doanh nghiệp trên 95% lô hàng xuất khẩu bị phân vào “luồng vàng”, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp…
Ngày 12/7, VPA đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan kiến nghị, xem xét cơ chế phân luồng kiểm tra đối với sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu.
Đến ngày 21/7, Cục Quản lý rủi ro - Tổng cục Hải quan, đã có văn bản số 173/QLRR-P3 phản hồi, tại nội dung văn bản, Cục quản lý rủi ro đã dẫn một số quy định của pháp luật và xác định: “Trường hợp cụ thể của Hiệp hội, mặt hàng Hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu nằm trong Danh mục dược liệu có điều kiện theo pháp luật quản lý chuyên ngành được quy định tại Điều 92 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược quy định: “Cơ sở kinh doanh dược khi thông quan xuất khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc:…” và Thông tư số 03/2016/TT-BYT quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu: “Cơ sở Việt Nam xuất khẩu dược liệu phải đủ điều kiện đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu”,...
Cũng theo đơn vị này, trường hợp xác định doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu là dược liệu không dùng cho mục đích làm thuốc của Bộ Y tế thì cơ quan Hải quan thực hiện thông quan trên hệ thống, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Như vậy, việc đưa hồ tiêu ra khỏi “luồng vàng” của Tổng cục Hải quan là biện pháp rất kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về mặt thủ tục, giảm thiểu những chi phí phát sinh, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
“Rào cản” kinh doanh nhìn từ việc “phân luồng hồ tiêu”
13:00, 27/07/2021
Hồ tiêu bị phân “luồng vàng" vì là hàng xuất khẩu... có điều kiện
05:14, 27/07/2021
Hồ tiêu bị phân “luồng vàng”: Thông lệ quốc tế hay rào cản “nội địa”?
09:31, 25/07/2021
Xuất khẩu hồ tiêu “gặp khó” vì… thủ tục Hải quan
03:30, 25/07/2021
Giá hồ tiêu tăng "nóng" và những khuyến cáo
11:00, 18/03/2021