Sửa Nghị định 55/2019/NĐ-CP, nâng cao hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

ANH KHÔI 28/12/2021 13:51

Xoay quanh Hội nghị trực tuyến “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, các đại biểu đề nghị sửa Nghị định 55/2019/NĐ-CP…

>> Nâng cao hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn

Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được cho còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Xoay quanh Hội nghị, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, không ít khó khăn, vướng mắc cũng đã được chỉ ra, trong đó, vấn đề khiến các đại biểu tham dự, cũng như Sở Tư pháp các địa phương quan tâm đó là việc Nghị định số 55/2019/NĐ-CP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế gây khó cho quá trình triển khai thực tế.

Theo đó, mức hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp so với chi phí thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp.

>> Cần gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Cụ thể, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 03 triệu đồng một năm, doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 05 triệu đồng một năm, doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% nhưng không quá 10 triệu đồng một năm.

Trong khi đó trình tự, thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật phức tạp, doanh nghiệp phải 02 lần làm hồ sơ đề nghị để được hưởng hỗ trợ (lần 1: Nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP; lần 2: Trường hợp được đồng ý hỗ trợ thì nộp hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật được hỗ trợ theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP), do đó việc doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tư vấn pháp luật là rất hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang nêu kiến nghị tại Hội nghị

Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang nêu kiến nghị tại Hội nghị

Mức chi phí hỗ trợ thấp theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP không chỉ hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hệ thống, mà việc tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo mô hình mạng lưới tư vấn viên cũng gặp khó về tính chuyên môn, chuyên sâu, chưa nâng cao được hiệu quả hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật và truyền thông rộng rãi.

Chưa kể, trên thực tế, mặc dù Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định trách nhiệm của bộ, ngành trong việc công nhận và đăng tải danh sách mạng lưới tư vấn viên pháp luật lên cổng thông tin điện tử của mình nhưng tính đến ngày 22/12/2021 mới chỉ có Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương thực hiện quy định này.

Từ thực trạng đã nêu, hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị, các Sở Tư pháp địa phương đều kiến nghị, cần sớm sửa Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang kiến nghị, Bộ Tư pháp sớm nghiên cứu sửa đổi, nâng mức hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp; rút ngắn trình tự, thủ tục hỗ trợ kinh phí tư vấn pháp luật tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, nghiệp vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương.

Tổng kết Hội nghị, từ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, TS. Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) ghi nhận những đóng góp về Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và cho rằng đây là một trong hai vấn đề lớn được chỉ ra tại Hội nghị.

“Đại diện Bộ Tư pháp chúng tôi xin tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, và sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi những bất cập, hạn chế của Nghị định trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Thanh Tú chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bổ sung giảm phí, lệ phí, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

    Bổ sung giảm phí, lệ phí, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

    04:55, 28/12/2021

  • Thái Bình: Nhiều đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

    Thái Bình: Nhiều đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

    01:31, 27/12/2021

  • Cần gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

    Cần gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

    04:00, 26/12/2021

  • FPT IS sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hoá đơn điện tử mới

    FPT IS sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hoá đơn điện tử mới

    09:00, 21/12/2021

  • VCCI Nghệ An cập nhật các điểm mới về thuế và gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

    VCCI Nghệ An cập nhật các điểm mới về thuế và gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

    09:30, 14/12/2021

ANH KHÔI