Quảng Trị: Doanh nghiệp “ấm ức” tuyến vận tải hành khách ra đảo Cồn Cỏ
Thực tiễn chính sách và nền kinh tế từng địa phương vẫn còn nhiều chồng chéo khiến không ít doanh nghiệp, doanh nhân trăn trở băn khoăn.
>>Cồn Cỏ: "Đảo lửa, đảo say"
Buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị diễn ra hết sức sôi nổi, trên tinh thần cầu thị hết mức có thể, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã gợi mở khá nhiều vấn đề có tính then chốt để doanh nghiệp bộc bạch hết những khó khăn, vướng mắc; kể cả những ấm ức trong lòng.
Tiếp nối một năm kinh tế buồn nên không quá khó hiểu khi câu chuyện đặt ra là “tối” nhiều hơn “sáng”. Một trong những câu chuyện đáng suy ngẫm ấy đến từ Công ty TNHH Chín Nghĩa Quảng Trị - đơn vị khai thác vận tải hành khách từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ.
Năm 2017, hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh nhà, Công ty Chín Nghĩa Quảng Trị đầu tư phương tiện, con người, huy động nhân lực, vật lực; góp phần hiện thực hóa chủ trương khai thác du lịch trên đảo, góp sức phục vụ mục tiêu kép kinh tế và an ninh quốc phòng.
Có thể nói, “tấm thảm đỏ” này là đúng đắn, nhân văn, có tâm và tầm bởi lẽ đặc thù vận tải đường biển nhiều rủi ro, hiếm có doanh nghiệp nào dám tiên phong; thành bại còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, lượng khách du lịch cũng như khả năng quảng bá của địa phương.
Tại buổi đối thoại anh Trần Công Hồng Nhẫn, người đại diện Công ty Chín Nghĩa Quảng Trị đặt ra mấy câu hỏi: Việc Trung tâm dịch vụ và Du lịch sử dụng tài sản công vào kinh doanh, cụ thể là tàu công vụ số hiệu QT666 (Cồn Cỏ touris) có đúng hay không? Dùng tàu công vụ kinh doanh chưa thông qua đấu thầu có đảm bảo về mặt pháp lý và công bằng với doanh nghiệp chúng tôi hay không?
Trước đó, UBND tỉnh ban hành các văn bản số 1499 UBND-VX ngày 18/4/2018 và 1872/UBND-VX ngày 08/5/2017 được Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Nguyễn Đức Chính ký, ưu tiên cho doanh nghiệp tiên phong đầu tư tại vùng đặc biệt khó khăn, trong đó ghi rõ: “Các phương tiện khác như tàu công vụ, tàu quân sự không được phép kinh doanh vận chuyển hành khách”. Anh Nhẫn băn khoăn: Liệu những văn bản đó có còn hiệu lực?
Đặc biệt có những chuyến ra đảo, hành khách đi tàu công vụ thì có chỗ ở tốt, còn đi tàu Chín Nghĩa thì chỗ ở không tốt hoặc không có chỗ ở. Những khó khăn như vậy sẽ khiến doanh nghiệp phá sản. Anh Nhẫn cho biết thêm: “Sau 3 năm đại dịch, doanh nghiệp lữ hành lâm vào khốn đốn, bây giờ có thêm sự cạnh tranh từ tàu công vụ thuộc huyện đảo, khó khăn chồng chất khó khăn với chúng tôi”.
Bà Lê Thị Thanh - Giám đốc Sở Tài chính Quảng Trị thông tin: Tàu công vụ do UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư vào năm 2017 với mục đích thực hiện vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, người dân và phục vụ khách du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Sau khi dự án hoàn thành vào năm 2018, tàu được giao cho Ban quản lý cảng cá Cồn Cỏ tiếp nhận sử dụng. Năm 2020, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ Du lịch trên cơ sở nâng cấp Ban quản lý cảng cá. Trong 5 nhiệm vụ chính của Trung tâm có nhiệm vụ chính là “cung cấp dịch vụ vận tải hành khách ra đảo”.
Bà Thanh cho biết thêm: Việc sử dụng tài sản công để kinh doanh đã được Luật pháp cho phép, theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017: Phải xây dựng đề án chi tiết, được cấp thẩm quyền cho phép. Hoàn thiện hồ sơ trước khi hoạt động kinh doanh.
>>Quảng Trị: Sức sống mới trên đảo Cồn Cỏ
Nhưng, nếu nhìn sự việc dưới góc độ “lợi thế cạnh tranh” và “môi trường đầu tư, kinh doanh” éo le này còn nhiều góc khuất khiến doanh nghiệp không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh và chính quyền cơ sở cần giải quyết thấu đáo mâu thuẫn lợi ích giữa công và tư. Đảm bảo tính liên tục của các quyết định hành chính đã ban hành. Đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp dựa trên tinh thần "kiến tạo" tối đa cho doanh nghiệp, doanh nhân.
Có thể bạn quan tâm