Thừa Thiên Huế: Xe tải trọng lớn vô tư “vượt mặt” trạm cân?
Nhiều phương tiện tải trọng lớn vô tư “vượt mặt” trạm cân của liên ngành trong khi đó Chánh Thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên Huế khẳng định mọi phương tiện phải đi qua trạm cân.
>>Quốc lộ 15D "te tua" vì xe quá tải
Xe thùng cao dày đặc
Theo ghi nhận mới đây của Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, tình trạng xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải vẫn còn xuất hiện tại Thừa Thiên Huế, đặc biệt là tại khu vực lối vào cảng Chân Mây. Ngoài lối vào cảng, nhiều phương tiện tải trọng lớn cũng lưu thông dày đặc trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh này gây xôn xao dư luận.
Việc này khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn trong hoạt động kiểm tra tải trọng của lực lượng chức năng. Trong khi đó, các tuyến đường như Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, đường tránh, đường dẫn vào cảng Chân Mây,... nay đã có biểu hiện xuống cấp, thường xuyên phải chắp vá.
Được biết, trong năm 2023, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế đã kiểm tra 1159 xe, có 120 xe vi phạm và tước 74 giấy phép lái xe. Tổng số tiền xử phạt ước tính là hơn 2,86 tỷ đồng.
Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT) tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt đối với việc xử lý xe quá khổ, quá tải, ông Võ Hoài Nam – Chánh Thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho biết vị trí lắp đặt Trạm cân yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật như mặt bằng bệ đặt cân, chiều rộng mặt đường, ít có đường tránh, hệ thống điện... Nếu không đáp ứng được theo tiêu chuẩn quy định thì toàn bộ hệ thống thiết bị cân sẽ hoạt động không đồng bộ, dễ bị trục trặc, hư hỏng.
"Riêng đối với Trạm cân lưu động phải luôn cơ động để tạo yếu tố bất ngờ, nhưng điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, thanh tra viên thì rất hạn chế như thiếu nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, không có chỗ trú nắng, mưa,...", ông Nam nói.
Cũng theo người đứng đầu lực lượng TTGT tỉnh Thừa Thiên Huế thì sau khi kết thúc kế hoạch liên ngành giữa Bộ GTVT và Bộ Công an, Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) không còn tham gia phối hợp đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện như công tác đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực các Trạm cân, việc dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý và cũng như việc chống đối của đối tượng vi phạm,... Cùng với đó, do đã hoạt động gần 10 năm nên một số bộ phận của cân hư hỏng phải sữa chữa, thay thế trong khi kinh phí hạn hẹp,...
Cùng với đó, do thẩm quyền lực lượng TTGT hạn chế, cho nên việc dừng phương tiện có biểu hiện vi phạm để kiểm soát tải trọng xe tại nơi đặt trạm cân còn nhiều khó khăn. Nhất là trong trường hợp đối tượng vi phạm chống đối, kéo dài thời gian, không chấp hành hiệu lệnh, không xuất trình giấy tờ, khóa cửa xe bỏ đi.
Cùng với đó, do hành vi vi phạm chở quá tải trọng bị chế tài rất nặng nên các chủ phương tiện, lái xe chở quá tải luôn tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng như chấp hành đúng tải trọng trong cảng, bến nhưng sau khi rời cảng, bến thì lưu thông đến vị trí khác để xếp thêm hàng hoặc dồn tải, cử người cảnh giới, đeo bám theo Tổ công tác. Thậm chí, lập các hội nhóm kín trên mạng xã hội, Zalo để thông tin cho các lái xe nhằm tránh né sự kiểm tra; gây áp lực cho lực lượng kiểm tra, trì hoãn kéo dài thời gian, không xuất trình giấy tờ, khoá cửa xe bỏ đi,... gây ảnh hưởng đến kết quả công tác.
Quản lý tải trọng ra sao?
Thông tin với Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề xe quá khổ, quá tải trên địa bàn, ông Võ Hoài Nam – Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay thời gian qua địa phương nổi cộm lên vấn đề có dòng xe chở than có tải trọng lớn từ cửa khẩu La Lay về. Trước đó, tại Thừa Thiên Huế cũng có các phương tiện phục vụ cho dự án lớn như cao tốc, nhà ga T2 của sân bay Phú Bài, dự án trung tâm thương mại,... có chở đất, đá,... và có xuất hiện tình trạng chở quá tải.
Thông tin từ ông Nam, trước đây các doanh nghiệp dùng đường công vụ để vận chuyển vật liệu có gây hư hỏng đường dân sinh, một số tuyến đường không quy hoạch đường công vụ nhưng có cắt ngang mặt đường cũng bị hư hỏng do các phương tiện này lưu thông. Vị này cho hay tại đây có xuất hiện các xe chở quá tải trọng và Sở đã lắp đặt biển báo, yêu cầu các doanh nghiệp hoàn trả mặt đường, cam kết không chở quá tải, cơi nới.
“Có một số doanh nghiệp đưa xe từ Bắc vào chây ỳ không thực hiện, vì giấy tờ xe thì chủ xe giữ, lái xe chỉ làm thuê. Vì vậy khi kiểm tra thì họ tấp vào không chạy, lúc cân thì dây dưa nhưng sau đó lực lượng phối hợp với Cảnh sát giao thông cũng xử lý hết”, ông Nam cho biết.
Đối với vấn đề cân tải trọng, ông Nam cho hay TTGT có một cân lưu động, phối hợp với CSGT thực hiện theo kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt. Cụ thể, 2 đơn vị có kế hoạch phối hợp chung, thực hiện cân tải trọng 24/24h và 7 ngày trong tuần.
Theo vị này, bắt đầu từ tháng 4/2023 đến nay các lực lượng tập trung 100% tại cảng Chân Mây, chủ yếu là xử lý xe than. Trước đó là, trạm cân được đặt tại đầu nguồn trên Quốc lộ 49 hướng A Lưới về, nhưng sau đó các phương tiện thay đổi lộ trình đi từ tỉnh Quảng Trị vào để tập kết tại cảng Chân Mây nên TTGT đưa cân về tại đó.
Nói rõ về vấn đề xử lý vi phạm tải trọng, ông Nam khẳng định không có chuyện “xin xe” và các đơn vị cũng không thể can thiệp được. Đặc biệt, khi đi trên tuyến mà phát hiện phương tiện vi phạm bị bỏ lọt thì tổ kiểm tra, ca trực trong ngày đó tại địa bàn phải làm kiểm điểm.
“Huế là khác, Huế là quyết liệt. Cũng xe đó khi bị bắt vi phạm ở điểm này thì sẽ rà soát lại có bao nhiêu tổ kiểm tra trong ngày, báo cáo giải trình vì sao lọt xe này đến đây. Nên rất khó để mà can thiệp”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam còn khẳng định rằng không có chuyện xe quá tải, xe cơi nới thường xuyên vi phạm gây hiện tượng nhức nhối tại địa bàn Thừa Thiên Huế. Vì trong vòng 3 năm trở lại đây, ông Nam cho rằng xe cơi nới không dám chạy.
“Từ đầu 2021 đến nay, đồng loạt ra quân làm tất cả những xe cơi nới trên địa bàn, địa bàn nào có xe cơi nới là cán bộ địa bàn đó bị kiểm điểm. Xe cơi nới tôi khẳng định là không có. Và việc cân xe là 100%, tất cả phương tiện đều phải vào cân hết. Vì trạm cân là cân cố định, trừ trường hợp xe không, ngay cả xe có phiếu cân tại nhà máy cũng phải cân. Toàn bộ phương tiện chở hàng ra vào cảng thì đều phải cân”, ông Nam khẳng định.
Tuy nhiên, ghi nhận vào chiều ngày 26/10 tại lối vào cảng Chân Mây thì vẫn có một số phương tiện có dấu hiệu quá khổ, quá tải lưu thông. Cụ thể hơn, một số phương tiện vận chuyển đất khi đi ngang trạm cân của liên ngành cũng không thực hiện cân tải trọng, vô tư “vượt mặt” trạm cân và bàn cân cũng đã được lực lượng chức năng dùng cọc tiêu giao thông rào lại.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Bình: Xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong hoạt động kiểm tra xe quá tải, quá khổ
09:00, 18/10/2023
Tỉnh Quảng Bình nói gì về phương tiện quá tải trọng qua cửa khẩu Cha Lo?
00:06, 17/10/2023
Cảnh sát giao thông Quảng Trị nói gì về xe quá khổ, quá tải?
15:00, 06/10/2023
Quảng Trị: Thanh tra giao thông nói gì về xe quá khổ, quá tải?
16:00, 02/10/2023