“Nụ Xuân” ngân hàng số
Xu hướng tất yếu của ngân hàng số thúc đẩy các TCTD ngày càng phát triển các mô hình tích hợp nhiều ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ và mang đến trải nghiệm tối ưu theo các nhu cầu của khách hàng.
Những thử nghiệm triển khai dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam đã bắt đầu chớm nụ hoa đào cho mùa xuân kỳ vọng…
Trò chuyện đêm giao thừa
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu quản lý tài khoản và giao dịch trực tuyến ở các dịch vụ cơ bản như chuyển tiền, tra cứu số dư tài khoản và thanh toán, thì ngân hàng số phải cung cấp đủ chức năng của một ngân hàng thông thường gồm nạp tiền vào tài khoản từ nhiều nguồn, chuyển tiền trong và ngoài ngân hàng, chuyển tiền quốc tế; Thanh toán hóa đơn; Vay nợ ngân hàng; Gửi tiền tiết kiệm; Tham gia các sản phẩm tài chính như đầu tư, bảo hiểm; Quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp…
Có thể nói đây là tất tần tật những dịch vụ mà một ngân hàng truyền thống vẫn đã và đang cung cấp, chỉ khác là tất cả mọi giao dịch đều được tiến hành trực tuyến. Khách hàng được giải đáp các thắc mắc thông qua hỗ trợ trực tuyến hoặc di động, mà đối phương hỗ trợ cũng có thể không phải là một chuyên viên ngân hàng, đôi khi đó là trợ lý ảo với trí thông minh nhân tạo (AI) như T'aio của TienphongBank, Nira của NCB… hay Chatbot 24/7 của HDBank, MB Bank, MyVIB...
Với những “nụ Xuân” ngân hàng số vừa chớm nở, trong năm Canh Tý, ngành ngân hàng cần chăm chỉ tưới tắm đầu tư để rót thêm kỳ vọng bùng nổ ngân hàng số ở Việt Nam.
Dĩ nhiên, bạn đừng mơ sẽ có một cuộc trò chuyện lãng mạn, đối phương chỉ lắng nghe bạn nói đủ thứ “trên trời dưới biển”, hoặc chia sẻ được mọi cảm xúc của mình. Ngay cả Siri của Apple, Google Now, Google Assistant của Google hay Alexa của Amazon, Cortana của Microsoft, hay Bixby của Samsung… cũng chưa thể thỏa mãn tối đa cho thượng đế như vậy. Hơn nữa, việc phải “khai” thông tin và các yêu cầu cơ bản để các trợ lý ảo ghi nhận ngay từ khi khởi tạo một cuộc trò chuyện trong những khuôn mẫu mặc định khá giống nhau, cũng sẽ làm bạn “tụt hứng”. Nhưng ở khía cạnh tiếp nhận thông tin và tốc độ chuyển tải, có người “ảo” sơ bộ trò chuyện với bạn về các vấn đề phát sinh- thông thường sẽ nhanh hơn rất nhiều, bạn không phải đến địa điểm giao dịch ngân hàng hoặc gọi đến tổng đài.
Với giao dịch ngân hàng số, trợ lý ảo hỗ trợ tuy chưa thật “dày dạn thông minh”, nhưng như vậy là khá đủ. Không tin, giao thừa Canh Tý này, khi tất cả các hệ thống ngân hàng vật lý đều đóng cửa nghỉ Tết đón Xuân, bạn cứ thử trò chuyện cùng trợ lý ảo ngân hàng số sẽ biết ngay. Không chừng còn có một lời chúc Tết sớm, ấm áp đúng kiểu chúc Tết Nguyên đán truyền thống của người Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng số: Khi khách hàng được thực là “thượng đế”
16:08, 10/12/2019
Ngân hàng số (Kỳ II): Thích ứng để tồn tại và phát triển
11:01, 22/06/2019
Ngân hàng số (Kỳ I): Xu thế không thể đảo ngược
13:30, 20/06/2019
Grab "lấn chân" sang dịch vụ ngân hàng số
11:00, 13/06/2019
Từng bước tiến về ngân hàng số
Ngay từ năm 2016, VPBank đã thành công trong vai trò phối hợp và đỡ đầu Timo. Đây là một khởi điểm của ngân hàng số, cung cấp dịch vụ tài chính qua số hóa cho các khách hàng cá nhân. Song việc chưa phát triển mảng dịch vụ dành cho tổ chức, doanh nghiệp là một khuyết thiếu của mô hình này. Trong một số năm qua, VPBank tiếp tục nỗ lực vững chân với số hóa trong VPBank Online và áp dụng công nghệ số vào các quy trình kinh doanh nhằm đảm bảo FeCredit lẫn ngân hàng mẹ vừa ăn nên làm ra, vừa tìm tòi đầu tư xây dựng nhiều ứng dụng trải nghiệm số hóa. YOLO ra đời năm 2018 là bước ngoặt có ngân hàng số không phải là ngân hàng mẹ, đó là một hệ sinh thái đa tiện ích giá trị cho đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ. Hiệu quả đến đâu chưa thể nói, nhưng lựa chọn xây mô hình riêng cho khách hàng thế hệ trẻ phản ánh phần nào tư duy “sành điệu” của VPBank trong việc làm ngân hàng số. Kế tiếp, VPBank kết hợp với Be. Với bước thử nghiệm này, VPBank cũng sẽ phải chọn lại đối tác để bắt tay đi tiếp, song đây cũng là chỉ dấu của VPBank quyết tâm đối đầu thành công khi các đại gia công nghệ như Grab, Wechat… đang, sẽ đổ bộ vào Việt Nam, hướng đến các dịch vụ tài chính ngân hàng số hóa.
Với OCB, 2 năm chìm lắng sau khi ra mắt ngân hàng hợp kênh ở 2017 khiến nhiều người nhầm tưởng mô hình này đã “đứt hơi”, nhưng năm 2019, OCB đã xác lập ngân hàng hợp kênh phiên bản mới. Cùng với đó, còn có hệ sinh thái Omni Pay. Bắt tay cùng các đối tác trên nền công nghệ kết nối mở Open API, OCB có thể là ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam đạt biên độ hợp kênh ngày càng rộng…
Điểm qua rồi lại nhìn lại, vẫn phải thừa nhận dù số hóa phát triển với tốc độ chóng mặt, nhưng hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay, đa phần vẫn dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng truyền thống, với các sản phẩm dịch vụ mới được thiết kế lại để phù hợp hơn với xu hướng và phân khúc khách hàng mới. Hay nói cách khác, chuyển đổi số của các ngân hàng, để cho ra những “quả ngọt” thực sự và đóng góp phần nhiều trong rổ quả xuân sau một vụ mùa, tương tự như nỗ lực chuyển đổi mô hình lợi nhuận- giảm lệ thuộc nghiệp vụ tín dụng truyền thống, tăng nguồn thu dịch vụ - vẫn đang cần có thời gian.