Kỷ nguyên số bùng nổ đã và đang làm thay đổi nhiều ngành, trong đó ngành ngân hàng cũng buộc phải thay đổi để tồn tại với sự ra đời của ngân hàng số.
Việc Grab xin thành lập ngân hàng số tại Singapore là minh chứng mới nhất cho thấy xu thế phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số hiện nay.
Bùng nổ số hóa
Ngay cả khi Grab được cấp phép hoạt động ngân hàng số tại Singapore, thì đó cũng không phải là ngân hàng số đầu tiên. Bởi trên thực tế đang tồn tại khá nhiều mô hình ngân hàng số trên thế giới. Điển hình trong số đó phải kể tới DBS, được thành lập từ năm 1968 tại Singapore, là ngân hàng số hàng đầu thế giới. Hay như ngân hàng số Atom được thành lập năm 2015 tại Anh quốc...
Trên thực tế, cuộc cách mạng số trong lĩnh vực ngân hàng đã bắt đầu hình thành từ những năm 1960 với sự xuất hiện của các máy ATM. Bước sang thập niên 2000, sự cải thiện các dải băng thông rộng và các hệ thống thương mại điện tử đã dẫn đến hình thành ngân hàng số hiện đại. Hiện nay, trên 60% khách hàng đã ưu tiên sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các giao dịch với ngân hàng. Đặc biệt, công nghệ blockchain ra đời cùng với internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân (AI), big data… ngày càng thúc đẩy số hóa ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 13/06/2019
06:38, 07/02/2019
07:50, 27/11/2018
04:30, 15/09/2018
10:45, 21/12/2017
20:10, 19/12/2017
Trong khi đó, sức ép cạnh tranh từ các Fintech cũng buộc các ngân hàng phải nhanh chóng đổi mới hoặc hợp tác cùng Fintech để tồn tại và phát triển.
Sự xuất hiện của ngân hàng số sẽ làm thay đổi thị trường tiền tệ, tín dụng, buộc các ngân hàng truyền thống phải đổi mới phương thức hoạt động, nếu muốn tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số.
Bà Đặng Tuyết Dung- Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho rằng, sự ra đời của Grab, Uber, Go Viet... đã làm thay đổi cách thức mua sắm, di chuyển và sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng, kéo theo đó là sự phát triển của các Fintech. “Đó là một vòng khép kín và không phải là một xu hướng bất thường tại riêng Việt Nam, các ngân hàng buộc phải thức tỉnh và hành động nhanh hơn để bắt kịp với xu hướng và nhu cầu khách hàng”, bà Dung cho biết.
Xu hướng tất yếu
Đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa cấp phép hoạt động cho bất kỳ mô hình ngân hàng số nào tại Việt Nam. Ngay cả một mô hình đơn giản nhất của ngân hàng số là cho vay ngang hàng (P2P) cũng chưa được cấp phép bởi chưa có hành lang pháp lý. Hiện NHNN mới chỉ cấp phép cho một số công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán với công nghệ ví điện tử.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngân hàng số là xu thế không thể đảo ngược, là con đường phát triển tất yếu của các nhà băng hiện nay. Bởi dịch vụ ngân hàng số có nhiều ưu điểm vượt trội so với dịch vụ ngân hàng truyền thống, như tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, độ chính xác rất cao, nhanh chóng thông qua chương trình phần mềm tự động...
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV khẳng định, ngân hàng số không phải là trào lưu, mà là xu hướng phát triển tất yếu. “Theo số liệu nghiên cứu của các định chế tài chính lớn trên thế giới, việc đầu tư công nghệ thông tin đối với các doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng, sẽ khiến chi phí tăng thêm khoảng 25-28%, nhưng doanh thu sẽ tăng 35-48%, dẫn đến lợi nhuận ròng có thể tăng khoảng 10-15%”, ông Lực cho biết.
Thế nhưng, điều mà không ít người quan tâm hiện nay là liệu ngân hàng số có phải là “dấu chấm hết” cho dịch vụ ngân hàng truyền thống? Giải tỏa băn khoăn này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, điều đó sẽ không xảy ra trong ngắn hạn, mà vấn đề chủ yếu là niềm tin của người tiêu dùng.
Lo ngại về niềm tin vào ngân hàng số cũng là điều dễ hiểu khi không chỉ người dân ở Việt Nam mà ở không ít quốc gia khác, “đồng tiền luôn đi liền với khúc ruột”. Bởi vậy, họ luôn muốn gặp gỡ trực tiếp với nhân viên ngân hàng để trao gửi số tiền mà họ phải vất vả tích lũy hơn là giao dịch với một cái máy “vô tri vô giác”. Hơn thế, những vụ tin tặc tấn công các nhà băng với quy mô ngày càng lớn càng khiến người dân lo ngại.
Mặc dù vậy, kỷ nguyên số sẽ buộc các ngân hàng truyền thống phải thích nghi để tồn tại, phát triển, và người dân cũng sẽ phải hòa nhịp với xu hướng số hóa ngân hàng.
Kỳ II: Thích nghi để tồn tại và phát triển