Cú “sốc” thanh khoản mới trên thị trường tiền điện tử
Sau sự sụp đổ liên tiếp của Silvergate Bank, SVB và Signature Bank, ngành công nghiệp tiền điện tử có thể sẽ bị hạn chế thanh khoản cho đến khi có các ngân hàng mới hỗ trợ.
>>SVB sụp đổ, ảnh hưởng như thế nào đến các startup?
Hai trong số các ngân hàng thân thiện nhất với lĩnh vực tiền điện tử và một ngân hàng lớn nhất dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, đều đã thất bại trong vòng chưa đầy một tuần.
Theo đó, Silvergate Bank – ngân hàng cho vay trong lĩnh vực tiền điện tử đã thông báo vào ngày 8/3 rằng họ sẽ ngừng hoạt động và thanh lý ngân hàng của mình. Còn Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), một ngân hàng cho vay lớn đối với các công ty khởi nghiệp đã sụp đổ vào ngày 10/3, khi những người gửi tiền rút hơn 42 tỷ USD sau tuyên bố của SVB về việc cần huy động 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. Đặc biệt, Signature Bank - ngân hàng tập trung mạnh vào tiền điện tử và còn lớn hơn nhiều so với Silvergate, cũng đã bị các cơ quan quản lý tiếp quản tài sản vào tối ngày 12/3.
Ngay sau các thông tin chấn động xảy ra, Chính phủ liên bang đã có sự can thiệp nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng vào SVB và Signature Bank. Động thái này góp phần tạo thêm niềm tin và châm ngòi cho một đà tăng giá nhỏ trên thị trường tiền điện tử trong 24h qua.
Nic Carter, Nhà sáng lập Castle Island Ventures đánh giá, việc sẵn sàng hỗ trợ cả hai ngân hàng trên cho thấy Chính phủ đang quay trở lại phương thức “bơm” thanh khoản thay vì thắt chặt. Chính sách tiền tệ nới lỏng trong lịch sử đã được chứng minh là có lợi cho tiền điện tử và các loại tài sản đầu cơ khác.
Tuy nhiên, sự bất ổn một lần nữa cho thấy lỗ hổng của stablecoin – một nhánh của hệ sinh thái tiền điện tử mà các nhà đầu tư thường dựa vào để duy trì mức giá đã ấn định. Stablecoin được cho là gắn với giá trị của một tài sản trong thế giới thực, như đô la Mỹ hoặc vàng. Nhưng điều kiện tài chính bất thường có thể khiến chúng giảm xuống dưới giá trị cố định đã neo vào.
Có thể thấy, rất nhiều vấn đề của tiền điện tử trong năm ngoái bắt nguồn từ lĩnh vực stablecoin, đầu tiên là sự sụp đổ của TerraUSD vào tháng 5/2022. Sau đó là một lượng lớn dòng tiền chảy ra, khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) gây áp lực lên nhà phát hành đồng BUSD.
“Và điển hình là cuối tuần qua, niềm tin vào lĩnh vực này một lần nữa bị ảnh hưởng sâu sắc khi USDC – stablecoin neo giá vào đồng USD có tính thanh khoản cao thứ hai thị trường đã mất giá trị cố định, có thời điểm giảm xuống dưới 0,87 USD/USDC. Nhà phát hành của USDC – Circle thừa nhận họ có 3,3 tỷ USD để tại SVB. Trong hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số, Circle từ lâu đã được coi là một trong những “ông lớn” trong ngành và luôn tự hào về mối quan hệ chặt chẽ với sự hỗ trợ từ hệ thống tài chính truyền thống”, nhà sáng lập chia sẻ.
>>Tránh rủi ro trên thị trường tiền điện tử lây lan sang ngân hàng
Mặc dù Carter cho rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) can thiệp để đảm bảo an toàn tài sản cho những người gửi tiền của SVB, nhưng ông vẫn bày tỏ sự thất vọng khi chứng kiến ba ngân hàng thân thiện với tiền điện tử lớn nhất ngừng hoạt động chỉ trong vài ngày. “Hiện có rất ít lựa chọn cho các công ty tiền điện tử và ngành này sẽ bị hạn chế thanh khoản cho đến khi các ngân hàng mới tham gia”.
Nhìn chung, Fed đang ở trong tình thế khó khăn, việc tăng lãi suất có thể gieo rắc nỗi sợ hãi trên thị trường về khả năng vỡ nợ tiếp theo trong lĩnh vực tài chính, nhưng nếu không tăng lãi suất, có thể gửi tín hiệu sai và làm tăng tài sản rủi ro, trong khi mục tiêu lạm phát 2% của Fed vẫn là một chặng đường dài.
FedWatch Tool dự báo, sau các sự kiện trong vài ngày qua, hiện chỉ có 55% kỳ vọng lãi suất sẽ tăng 25 điểm cơ bản, 45% dự đoán tạm dừng. Nếu điều này được chứng minh là đúng, nó sẽ là chất xúc tác cực kỳ cao cho các tài sản rủi ro như tiền điện tử.
Mặc dù vậy, GS. Austin Campbell tại Trường Kinh doanh Columbia nhìn nhận: “Tiền điện tử về cơ bản đã được giải cứu, nhất là đối với các phương thức thanh toán nhanh 24/7. Tuy nhiên, giải pháp khả thi nhất cho lĩnh vực này là phải xem xét các khu vực pháp lý khác trong tương lai”.
Theo công ty nghiên cứu Kaiko, mức độ dễ dàng giao dịch từ Bitcoin sang USD và Bitcoin sang Tether (USDT) trên một số sàn giao dịch của Mỹ đã giảm 35-45% từ đầu tháng 3. Chính sự sụp đổ của Signature Bank cũng có khả năng làm tăng tác động với thị trường.
Vào ngày 13/3, giá của các tài sản kỹ thuật số lớn đã tăng cùng với sự tăng vọt của hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ, giá Bitcoin tăng hơn 3% và được giao dịch ở mức 22.200 USD/BTC. Ethereum xếp hạng thứ hai cũng tăng hơn 2%, còn các mã thông báo nhỏ hơn như Solana hay Avalanche tăng giá nhẹ.
Có thể bạn quan tâm