TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: HoSE, Công nghệ Việt và Tâm lý... ngại
Chúng ta hay được nghe các thông điệp quảng cáo của một số nhà sản xuất hàng công nghệ, điện tử trên thị trường là “Công nghệ ngoại, cho người Việt” hoặc “Công nghệ ngoại, giá cả Việt”...
Rất ít khi được nghe ngược lại.
Từ diễn biến của HoSE và Index trong tuần thông sàn
Ngày 5/7/2021, ngày thứ hai của tuần này, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới, thông suốt và có khả năng xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày.
Trong suốt 1 tuần qua, rất nhiều diễn biến đã xảy ra trên sàn chứng khoán mà theo đó, “công nghệ FPT” luôn là cụm từ được nhắc đi nhắc lại trên mọi diễn đàn, xoay quanh các biến động sàn.
Ngày thứ 2 sau khi lệnh thông suốt, thị trường xuất hiện đợt đỏ lửa chưa từng có sau nhiều tháng và VN-Index bốc hơi tới gần 56 điểm – sắp đuổi kịp mốc bốc hơi dữ dội nhất trong phiên trắng bên mua đã diễn ra hồi đầu năm. Sau đó, một công văn có dấu đóng HoSE hẳn hoi thông báo đó là phiên ATC lỗi do vấn đề công nghệ, tràn lan trên mạng. Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vào chập tối, đăng tải chính thức trên website của mình khẳng định là thông tin giả mạo.
Ngày thứ 3, chợ chứng khoán 7/7 hồi sắc xanh, nhà đầu tư bớt ấm ức hay nhắc nhói về công nghệ Việt FPT. Tuy nhiên lại xảy ra vấn đề phổ biến hơn về công nghệ của các CTCK chưa tương thích với "trái tim mới" của HoSE, đó là tình trạng trục trặc, lỗi lệnh ở những CTCK có thị phần top đầu như VPS, SSI, HSC, VNDirect... Theo đó, có công ty bị lag, không khớp bảng điện, có công ty mà nhà đầu tư không thể vào được app và website, có công ty phải hạn chế nhận lệnh trên các kênh. Lại có công ty chỉ cho nhà đầu tư xem bảng điện của mình như một biện pháp giảm quá tải... Hầu hết những lỗi trục trặc về hệ thống công nghệ tại các CTCK đều đã được khắc phục sau đó. Và thị trường ở phiên giao cuối tuần vẫn “mượt mà” với độ kết nối của công nghệ Việt từ HoSE đến 73 CTCK nhưng tất nhiên, không ngăn được đà lao dốc tìm đáy của đáy trên thị trường. VN-Index giảm tiếp 27,54 điểm phiên cuối tuần về mức 1.347,14. VN30 cũng rớt khỏi mốc 1.500, về 1.494,13 điểm.
Đến chuyện công nghệ Việt, vậy người Việt đang đón nhận ra sao?
Trong một diễn biến ở sàn khác cũng được vận hành bởi công nghệ Việt từ FPT, HNX đã có những biến động nhất định và giảm phiên cuối tuần hơn 9 điểm, về 306,73. HNX30 cũng có mức giảm mạnh, mất 17,24 điểm về 477,83. UpCOM giảm nhẹ 1,4 còn 87,08 điểm.
Trong một bức tranh chung của thị trường đang thể hiện thái độ "hàn thử biểu" trước nhiệt độ COVID-19 đang nóng ở nhiều địa phương, cũng như chứng khoán sau nhiều tháng dựng đứng đã được dự báo cần có đợt điều chỉnh; nhưng ghi nhận quanh diễn biến các phiên/ tuần cho thấy trong tâm lý của nhà đầu tư tại “chợ” chứng khoán lớn nhất ở Việt Nam là HoSE, vẫn đặt “lỗi” VN-Index đảo chiều và bốc hơi mạnh đến từ nguyên do của việc sàn áp dụng công nghệ mới. Không ít nhà đầu tư than van trên trang cá nhân hoặc diễn đàn là “HoSE, hãy trả lại công nghệ cũ cho em” hoặc "tắc đường cũng được, miễn đừng xuống đáy"... Đó là những "khổ đau" cũng tất yếu liên quan đến tiền khi các nhà đầu tư, rất nhiều trong số đó là thế hệ F0 đã đạt thành quả xanh nhiều ngày trước đó, song sau vài phiên thì tất cả lại “theo sông ra biển”.
Cho đến lúc này, sau 1 tuần giao dịch, công nghệ mới có lỗi hay đã hoàn toàn khắc phục tình trạng nghẽn lệnh mà HoSE suốt 6 tháng qua không xử lý được, được nhìn nhận khá rõ ràng. Kể cả trong trường hợp nếu có bất ngờ ngoài dự đoán hoặc trục trặc thời gian tới, giới chuyên môn về công nghệ vẫn khẳng định lạc quan: Sẽ vẫn đi đến một kết quả tối ưu là HoSE thực sự đã được thay một “trái tim khỏe”. Lạc quan có cơ sở bởi HNX, sàn có thể thông tới vài chục triệu lệnh/ phiên, cũng đang hoạt động trên công nghệ FPT cung cấp.
Nói một cách khác, công nghệ Việt, do các doanh nghiệp công nghệ tư nhân của Việt Nam triển khai và cung cấp, hoàn toàn có quyền kiêu hãnh vì đã xử lý được những điều mà trong tâm lý nhà đầu tư, có lẽ trong cả tâm thức “sính ngoại” của không ít người trong mỗi chúng ta, đã mặc định rằng chỉ có công nghệ ngoại mới làm được. Chúng ta luôn mặc định rằng “công nghệ ngoại, giá cả Việt”, hay “công nghệ ngoại, cho người Việt” mới là công nghệ tốt, đạt giá cả phải chăng. Và hình như chính vì vậy mà chúng ta đã tiếp nhận và đánh giá “công nghệ Việt” bằng “tâm lý ngại” (chứ không phải tâm lý ngoại) tại HoSE, như đã từng? Cần lưu ý rằng trong khi đó với công nghệ mới của HoSE, các nhà đầu tư ngoại dường như lại có một tâm thế đón nhận khác. Họ mua ròng trong, hoặc sau những phiên thị trường đổ dốc, như một cách thể hiện kì vọng vào triển vọng của chứng khoán Việt Nam sau thời kỳ thông sàn, tháo nút nghẽn vào ra mua bán.
Một điều khác đáng nói là với công nghệ mới cho HoSE, theo như đã biết, đã có thời gian triển khai rất chóng vánh chỉ trong vòng hơn 3 tháng. Chi phí cho dự án “thay tim” này, như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings, người đã kiến nghị Chính phủ cho tư nhân vào cuộc tham gia hỗ trợ HoSE đồng thời ước tính là trong khoảng 60 tỷ đồng – các doanh nghiệp có thể cùng nhau tài trợ chi phí và nếu không huy động được, bà sẽ cam kết đứng ra hỗ trợ, không sử dụng ngân sách.
Hơn 3 tháng và 60 tỷ đồng, các doanh nghiệp "sếu đầu đàn" đã thực thi đúng hẹn. Nếu so sánh với Dự án công nghệ thông tin kết nối với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) mà HoSE đã ký kết từ 2012, treo 9 năm không thể giải quyết và chỉ được nhắc lại khi HoSE bị đẩy đến chân tường nghẽn lệnh, chưa nói chi phí của dự án gói thầu này lên tới 600 tỷ đồng – một con số gấp 10 lần chi phí Sovico ứng hỗ trợ cho FPT (lại chưa kể giá trị 600 tỷ đồng còn đắt đỏ hơn nữa khi đây là dự án đã được kí từ gần cả chục năm trước); thì sự bất cập rất lớn trong đánh giá, thẩm định và kí kết chọn nhà thầu dự án công nghệ cho các Sở Giao dịch chứng khoán, đã lộ diện.
Không chỉ HoSE, ngay cả HNX trong kế hoạch phát triển 2021 cũng dự kiến tiến hành nghiệm thu và tiếp nhận hệ thống giao dịch mới theo gói thầu với KRX, đồng thời sẽ hỗ trợ thành viên phát triển và tích hợp hệ thống.
Điều gì đang xảy ra với việc chọn thầu công nghệ và chi tiêu cho các dự án? Liệu có khuất tất nào ở phía sau hay đó chỉ đơn thuần là do tâm lý ngại trước công nghệ Việt – một thứ tâm lý “chọn ngoại” với cái giá Nhà nước phải trả đắt hơn gấp nhiều lần, gấp nhiều tỷ tỷ đồng?
Trong văn bản đề xuất Thanh tra HoSE, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng cần thanh tra cả dự án KRX, từ tình trạng chậm trễ về tiến độ, giá trị dự án tăng lên (nếu có), vai trò nhà thầu phụ, chất lượng nhà thầu, vì sao không chọn những nhà thầu hàng đầu Việt Nam để nếu xảy ra sự cố thì có thể nhanh chóng giải quyết và không lệ thuộc vào chuyên gia nước ngoài…
HoSE đã từng khiến nhà đầu tư phải “bịt mắt giao dịch”. Nay công nghệ mới của doanh nghiệp công nghệ Việt, chi phí của doanh nghiệp tư nhân Việt, đã tạm giúp các nhà quản lý “chợ” chứng khoán tháo cởi băng bịt mắt ấy. Chỉ hi vọng những băng bịt về các dự án do các Sở Giao dịch chọn thầu ngoại đầy sự phi lí đã được chứng minh từ thời gian triển khai đến giá cả mà chưa có câu trả lời cụ thể kia, cũng sẽ sớm được tháo cởi.
Có thể bạn quan tâm