TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Bán lẻ tăng doanh thu khủng?
Việc giãn cách xã hội khiến hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ ngành hàng không thiết yếu gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có đơn vị đạt doanh thu khủng nhờ mảng khác bù đắp, điển hình như Thế giới Di Động.
Doanh thu tăng mạnh
Đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 đã khiến cho nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa các cửa hàng, dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, trong đó có mảng kinh doanh điện thoại di động, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên, đối diện với bức tranh ảm đạm của thị trường bán lẻ điện thoại di động, vẫn có những doanh nghiệp “lãi khủng” nhờ kinh doanh mảng hàng thiết yếu bù đắp. Đơn cử như trường hợp của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG).
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 51.830 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế thu về 2.172 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng đạt 26% so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng tháng 5, công ty này đạt được doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 11.380 tỷ đồng và 481 tỷ đồng, tương đương tăng 10% và tăng 26% so với tháng 5/2020. Phía MWG cho biết tháng 5 vừa qua ghi nhận mức doanh thu cao nhất kể từ thời điểm đầu năm 2021.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu online đóng góp 4.024 tỷ đồng cho MWG, trong đó riêng tháng 5 doanh thu online tăng 77% so với tháng 4 do nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng trong mùa dịch.
Đáng chú ý là chuỗi Bách Hóa Xanh, trong 5 tháng đầu năm đã đóng góp 10.600 tỷ đồng doanh thu cho MWG, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tháng 5 đánh dấu lần đầu tiên doanh thu của chuỗi siêu thị này vượt mốc 2.500 tỷ đồng, tăng 56% so với tháng 5/2020. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng này đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.
Mặc dù doanh thu tháng 6/2021 của Bách Hóa Xanh chưa được công bố, nhưng giới chuyên gia nhận định, doanh thu của chuỗi Bách Hóa Xanh trong tháng 6 sẽ tăng lên rất nhiều so với những tháng trước đó. Bởi trong tháng này, TP.HCM và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là TP.HCM, đã phải dừng hoạt động chợ tự phát, hàng trăm chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối lớn nhất Thành phố để phòng dịch, khiến nguồn cung hàng hóa bị đứt gãy, nhu cầu mua hàng của người dân đổ dồn vào các siêu thị như: Vinmart, Co.op Mart, Co.op Food, Bách Hóa Xanh,...
Trong 5 tháng đầu năm 2021, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đóng góp 10.600 tỷ đồng doanh thu cho MWG, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tháng 5 đánh dấu lần đầu tiên doanh thu của chuỗi siêu thị này vượt mốc 2.500 tỷ đồng, tăng 56% so với tháng 5/2020.
Hơn nữa, cũng trong thời điểm này, Bách Hóa Xanh đã tăng giá hàng loạt mặt hàng trong hệ thống, có sản phẩm, đơn vị này đã tăng giá lên mấy lần so với thời điểm trước khi giãn cách xã hội. Động thái này của Bách Hóa Xanh có thể sẽ mang về lợi nhuận tức thì cho doanh nghiệp, nhưng lại đang vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ người tiêu dùng.
Lợi nhuận trước mắt hay giá trị thương hiệu?
Mặc dù mới đây, đơn vị này đã có văn bản gửi tới khách hàng và cổ đông, giải thích lý do tăng giá. Theo đó, MWG khẳng định, Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, công ty không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do phải bù đắp cho chi phí vận chuyển, chi phí nhân công, xét nghiệm,... đang tăng cao.
Các lí do mà lãnh đạo MWG đưa ra để biện minh cho việc tăng giá hàng hóa của mình đều là bất khả kháng trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, lời giải thích của Bách Hóa Xanh vẫn không được người tiêu dùng chấp nhận. Thậm chí, dưới bài viết trên Fanpage, hàng loạt khách hàng tuyên bố tẩy chay chuỗi siêu thị của Thế Giới Di Động.
Ngoài việc bị tố tăng giá trong lúc người dân đang phải đối diện với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 mang lại. Nhiều khách hàng còn tố Bách Hóa Xanh không minh bạch giữa giá niêm yết trên kệ với giá khi tính tiền (niêm yết một giá nhưng tính tiền giá khách).
“Tất cả lý do Bách Hóa Xanh đưa ra đều giống những siêu thị khác thôi, mà họ không hề tăng, bán giá vô cùng hợp lý. Dân mùa này đã khổ lắm rồi, nên bán giá hợp lý đi. Vô Bách Hóa Xanh mà gì cũng lên giá gấp 2 lần. Kệ thì giá khác, tiền thì tính giá khác, không minh bạch. Nên nghĩ cho dân mùa này tí đi. Lỡ sau chợ mở lại thì Bách Hóa Xanh sẽ bị tẩy chay luôn”, một khách hàng bức xúc để lại bình luận dưới bài đăng giải thích của Bách Hóa Xanh.
Mới đây, một khách hàng ở tâm dịch quận 2, TP.HCM đã phát trực tiếp trên Facebook cá nhân để phản ánh những bức xúc của mình sau khi chị mua hàng tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh. Vị khách này cũng đã tố Bách Hóa Xanh tăng giá nhiều mặt hàng bất hợp lý trong lúc người dân đang vất vả bởi dịch bệnh.
“Nghĩ sao thời buổi khó khăn, họ bán rau răm vừa héo, vừa ít mà bán 14.994 đồng, tăng giá lên gấp 3-4 lần. Bằng từng này tôi ra chợ mua chỉ 1.000 đồng thôi, 1.000 đồng còn nhiều hơn thế. Còn củ gừng này giá 21.912 đồng, các bạn thấy có xứng đáng không, có thương dân không? Rồi đây vài củ sả giá 9.688 đồng, từng này bên ngoài tôi mua chỉ có 3.000 đồng. Tại sao một doanh nghiệp lớn như Bách Hóa Xanh lại bán cho dân với giá như vậy”, vị khách hàng bức xúc.
Chỉ sau 2 ngày đăng tải, video của vị khách hàng này đã thu hút tới 2,9 triệu lượt xem và 41.000 bình luận, cùng hàng trăm lượt chia sẻ. Trong đó, hầu hết đều để lại những bình luận bức xúc trước việc tăng giá này của Bách Hóa Xanh, cùng với rất nhiều tài khoản tuyên bố sẽ tẩy chay chuỗi siêu thị này sau khi dịch kết thúc.
Có thể nói, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo giải thích của lãnh đạo doanh nghiệp là không sai về mặt cung cầu thị trường. Tuy nhiên, xét về khía cạnh nhân đạo, trong giai đoạn người dân Thành phố đang phải gồng mình để chống chọi với dịch bệnh, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các siêu thị khác như Co.op Food, Co.op Mart, hay Vinmart cũng gặp những khó khăn tương tự như Bách Hóa Xanh, nhưng đều cam kết giữ giá bán bình ổn và không tăng giá trong giai đoạn dịch bệnh này, thì việc tăng giá hàng hóa của Bách Hóa Xanh đã tự mình làm “mất điểm” với người tiêu dùng.
Trong ngành bán lẻ, đặc biệt là đối với ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, giá trị thương hiệu rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Để có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều công sức cũng như tiền bạc để gầy dựng. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt là doanh thu bán lẻ mà bỏ qua lợi ích lâu dài là giá trị của thương hiệu, một khi người tiêu dùng đã quay lưng thì hậu quả đối với doanh nghiệp là không thể đo đếm được. Và chắc chắn sau đợt tăng giá này, Bách Hóa Xanh sẽ mất đi rất nhiều khách hàng đã từng tin tưởng và lựa chọn chuỗi siêu thị này như là một kênh mua sắm thiết yếu cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Chủ tịch MWG không có ý định "đốt tiền" để thúc đẩy bán lẻ?
06:15, 18/03/2021
Ông Nguyễn Đức Tài nói gì về lo ngại MWG bị thâu tóm?
01:00, 04/03/2021
Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Doanh nghiệp không sẵn sàng thay đổi sẽ chết
03:00, 22/11/2020
MWG vận dụng nhiều chiến lược “tăng tốc”
13:19, 26/08/2020
Lợi nhuận MWG lao dốc vì COVID-19
08:43, 31/07/2020