Chủ tịch MWG cho rằng linh hồn của doanh nghiệp là năng lực quản lý, điều hành của ban lãnh đạo, không phụ thuộc vào quy mô nó lớn thế nào.
Cổ phiếu MWG thời gian qua được khối ngoại gom mua nhiều với tốc độ mua vào nhanh. Trong bối cảnh MWG bị định giá thấp, một nhà đầu tư chất lo ngại khả năng doanh nghiệp bị thâu tóm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) khẳng định có nhiều lý do để ông không lo ngại vấn đề này.
Để ngỏ IPO
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho hay khả năng MWG bị thâu tóm là không cao bởi các cổ đông lớn đang nắm giữ khá nhiều cổ phần. Theo ông Tài, chỉ riêng các nhà sáng lập và cán bộ công nhân viên đã sở hữu khoảng 40% vốn. Thêm vào đó, việc thâu tóm MWG, theo ông Tài, cũng không để làm gì.
"Linh hồn của một doanh nghiệp là năng lực quản lý, năng lực điều hành của ban lãnh đạo. Nếu vài ngàn cửa hàng mà quản lý không ra đâu thì nó cũng đi vào dĩ vãng. Như đã thấy, nhiều doanh nghiệp trước đây số cửa hàng còn nhiều hơn MWG nhưng cũng đã đi vào dĩ vãng", Chủ tịch MWG nói.
Theo ông Tài, thực tế cho thấy trước đó có những doanh nghiệp số lượng cửa hàng nhiều hơn cả MWG, song năng lực quản lý yếu cũng đã phải rời khỏi thị trường. "Vì vậy vấn đề ở đây không phải là anh có lớn hay không mà là anh có đang điều hành tốt hay không", Chủ tịch MWG nói.
"Nói chung là hỏi ban lãnh đạo có lo lắng về việc bị thâu tóm hay không thì câu trả lời là 'không'. Chả lo lắng gì về cái đó. Ông nào giỏi hơn mình mà thâu tóm thì tốt chứ cò gì đâu. Ông nào dở hơn mình mà thâu tóm thì là tự cắn lưỡi. Do đó, tôi không quan tâm nhiều đến khái niệm thâu tóm trên thị trường", ông Tài nói.
Đi sâu hơn vào quản trị, nhà đầu tư đặt câu hỏi về cách MWG giải quyết vấn đề nhân viên tham nhũng, móc nối với bên ngoài để đưa hàng vào Bách Hóa Xanh. Ông Tài nói rằng đây không phải vấn đề riêng của chuỗi này mà là muôn thủa trong kinh doanh, Điện Máy Xanh hay Thế giới Di động cũng từng phải giải quyết.
Để giải được bài toán này, để nhân viên không tham nhũng, chiến đấu hết mình về doanh nghiệp, lãnh đạo phải trả lời được câu hỏi: "Cuối cùng nhân viên đi làm vì cái gì". Với ông Tài, câu trả lời là tiền (thu nhập) và niềm vui. "Với cả hai điều này, công ty đều có thể đáp ứng được".
"Con người ta luôn chọn cái gì làm cho họ hãnh diện, chọn điều gì làm cho họ sung túc. Nếu chúng ta làm được điều này thì không còn lo việc nhân viên dấm dúi, kiếm chác bên ngoài, bởi cái họ nhận được nhiều hơn thế", ông Tài giải thích.
Đối với định giá của cổ phiếu MWG trên sàn chứng khoán, ông Tài cho rằng con số hiện nay đang ở mức thấp, với P/E chỉ khoảng 14-15 lần. Ông Tài cũng cho biết thêm, hiện MWG chưa có ý định IPO các công ty con như Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh. Thời điểm nào, cách thức IPO ra sao chưa được đặt ra vào lúc này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "chưa" IPO không có nghĩa là "không" IPO.
"MWG không có ý định vác tiền ra đốt"
Liên quan đến việc tích hợp ba dịch vụ Bách Hoá Xanh (BHX), Điện Máy Xanh (ĐMX) và Thế Giới Di Động (TGDĐ) vào một super app (siêu ứng dụng) để tạo ra tiện ích mua sắm trong một thị trường đang chịu sự cạnh tranh lớn từ các đối thủ có tiềm năng về tài chính và công nghệ, lãnh đạo MWG khẳng định đây không phải là trọng tâm chính của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Tài khẳng định đây là cuộc chơi đốt tiền và MWG không có ý định tham gia vào cuộc chơi đốt tiền đó.
"MWG tập trung làm những thứ thực chất nhất. Thực chất ở đây là người tiêu dùng đang cần mua điện thoại, điện tử, mua rau củ, trái cây, dầu gội đầu,…và MWG xây dựng một channel ngon lành để phục vụ ngon lành các nhu cầu đó", ông Tài nói.
Lãnh đạo MWG chia sẻ rằng họ ý thức được trong tương lai sẽ có một nhóm người trẻ chỉ quen ngồi một chỗ quẹt quẹt tay trên màn hình và đợi hàng được giao tới. Do đó, MWG đang tập trung xây dựng các kênh bán hàng sao cho trơn tru, thuận tiện nhất.
"Chúng tôi không nhìn nhận việc phải tích hợp TGDĐ và ĐMX vào cùng một ứng dụng thì mới thành công còn nếu tách ra thì khó thành công. Do đó, tiến độ tăng tốc xây dựng super app không phải là ưu tiên số một trong tập đoàn này".
Theo ông Tài, ưu tiên số một hiện giờ của MWG là mở cửa hàng và quản lý cửa hàng tốt để khách hàng thích ghé lại mua sắm và phương thức bán hàng online cũng phải thoải mái tiện nghi.
Tương tự với lĩnh vực super app, trước câu hỏi của nhà đầu tư về ý định triển khai sàn thương mại điện tử của MWG và tầm nhìn trong 3 năm tới, người đứng đầu doanh nghiệp khẳng định có ý định đó, song chưa có thời gian triển khai cụ thể.
Quan điểm của lãnh đạo MWG đó là kinh doanh để kiếm tiền chứ không phải là để đốt tiền và mong chờ 5 - 10 năm sau có lợi nhuận. MWG không có sự xa xỉ của những doanh nghiệp gọi vốn nhà đầu tư và đi đốt, mong chờ vào tương lai.
"Có làm thương mại điện tử hay không, câu trả lời là có nhưng năm cụ thể thì chưa bởi cái này vẫn còn rất tốn kém và đau thương nhất là vào lúc này", ông Tài chia sẻ. "Lúc thiên hạn cứ tiếp tục đem tiền ra đốt thì từ đầu tới giờ, MWG chưa có ý định sẽ vác tiền ra đốt, nhưng sẽ chọn thời điểm thích hợp để bước vào lĩnh vực này".
Theo ông Tài, thời điểm thích hợp để MWG nhảy vào cuộc chơi này đó là khi thời gian đốt tiền ngắn mà hiệu quả đến sớm, "không thể nào đốt 5 - 10 năm nữa rồi chờ tương lai sẽ đến, MWG không chơi cuộc chơi đó".
Liên quan đến hoạt động bán hàng online, Chủ tịch MWG ông Nguyễn Đức Tài dự báo mảng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 3 năm tới, đặc biệt là đối với các hệ thống như TGDĐ, ĐMX và BHX. Mục tiêu chiến lược của MWG là tăng trưởng mỗi năm khoảng 50% - 70% trong mảng bán hàng online.
MWG sẽ tiếp tục "chiến đấu trong vài ba năm tới cho tới khi nhận thấy thời điểm chín muồi của thương mại điện tử và quy mô thị trường sẽ có lãi trong vòng 1 - 2 năm thì sẽ nhảy vào để kiếm tiền từ nó".
Có thể bạn quan tâm