Cần một gói kích thích kinh tế lớn cho phục hồi sau đại dịch
Trong đề xuất một gói kích thích kinh tế lớn, phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ thì các ngân hàng thương mại mới mạnh dạn khoanh nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay để phục hồi sản xuất.
Từ đề xuất gói kích thích kinh tế lớn
Tại Hội nghị Trung ương 4 mới đây, Chính phủ có đặt vấn đề xin chủ trương một gói kích thích kinh tế lớn. Nếu được đồng thuận, Chính phủ sẽ hoàn thiện phương án để trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới.
Theo góp ý cụ thể, có Ủy viên Trung ương cho rằng, gói kích thích kinh tế này chỉ có thể xây dựng nếu Quốc hội tới đây nới trần nợ công, cân nhắc chỉ số lạm phát để nới lỏng chính sách tín dụng, tài khóa. Trên cơ sở đó, Chính phủ mới hình thành từng gói nhỏ, chẳng hạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số… Ngoài ra, phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ thì các ngân hàng thương mại mới mạnh dạn khoanh nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay để phục hồi sản xuất.
Ngoài ra, tại các địa phương như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, đời sống người lao động còn thiếu thốn, ở những khu nhà trọ lụp xụp, điều kiện khó khăn, trong khi dịch bệnh lây lan mạnh chủ yếu từ những nơi này. Đây cũng là thách thức lâu nay mà khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam chưa khắc phục được.
Vậy nên, trong chương trình kích thích kinh tế lớn tới đây, nếu có một gói riêng hỗ trợ lãi suất cho các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội thì đó không chỉ là giải pháp bền vững để thích ứng an toàn với dịch bệnh, mà còn cải thiện đời sống công nhân, thu hút lao động trở lại với các khu vực công nghiệp phát triển giai đoạn hậu COVID-19.
Trong một nghiên cứu về đánh giá tác động cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra với nền kinh tế, nhóm nghiên cứu tại Đại học Kinh tế Quốc dân có đưa ra các quan điểm như sau:
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ nguyên nhân phi kinh tế. Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt, chúng sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không, một khi bệnh dịch được kiểm soát.
Thứ hai, tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt như hàng không, du lịch, dịch vụ. Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển như nông sản, thực phẩm, dược phẩm,... Do vậy, cần có sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ.
Thứ ba, việc kích thích tổng cầu trong bối cảnh hiện nay hầu như không có tác dụng trong ngắn hạn bởi sức mua ở những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ không thể tăng một khi bệnh dịch chưa được kiểm soát.
Thứ tư, tính chất của đại dịch COVID-19 lần này cho thấy việc dự báo tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó, đòi hỏi phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau, từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch.
Đến vai trò của ngân hàng và các tổ chức tín dụng
Về phía Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức tín dụng, nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị một số giải pháp; trong đó, NHNN cần trợ giúp trực tiếp về thanh khoản cho những ngân hàng có hỗ trợ thiết thực và cụ thể đối với doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo nhóm này, nên ưu tiên tiếp tục thực hiện những cải cách mang tính cấu trúc, nhằm hướng tới một hệ thống tiền tệ lành mạnh hơn trong tương lai, chứ không áp dụng dàn trải cho mọi tổ chức tín dụng (TCTD).
Bên cạnh đó, NHNN cần tăng cường các biện pháp ổn định tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn, cung cấp thanh khoản quốc tế trong phạm vi cho phép về nguồn lực trên thị trường ngoại hối nội địa, nhằm mục tiêu ổn định tài chính. Sử dụng quyền tiếp cận đối với các nguồn vốn quốc tế để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, nhằm mục đích cung cấp vốn xử lý đình trệ và hướng tới thúc đẩy tăng trưởng sau dịch bệnh.
Với các TCTD, cần tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới như:
Thứ nhất, phát triển ngay các gói sản phẩm ngân hàng chuyên biệt cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp trong các ngành đang có các lợi thế kinh doanh tương đối trong đại dịch COVID-19 như: kinh doanh online, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu,... Cung cấp một gói các sản phẩm cho nhóm khách hàng này như: tín dụng hạn mức, L/C, thanh toán cho nhân viên, mở các kênh thanh toán cho khách hàng, bảo hiểm cho doanh nghiệp, bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp đó, quản lý hộ tiền,…
Thứ hai, phát triển các sản phẩm tín dụng ngắn hạn chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động của COVID-19 như tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh. Cung cấp cho DNNVV đạt được doanh số tiêu thụ thông qua hoạt động hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ điều tiết thi trường thông qua kênh phân phối trong nước. Các doanh nghiệp có thể đăng ký hạn mức tín dụng hoặc kỳ hạn trước khi hoàn tất việc bán hàng xuất khẩu hoặc trong khi theo đuổi các cơ hội ở nước ngoài, chẳng hạn như xác định một khách hàng mới ở nước ngoài nếu việc bán hàng xuất khẩu bị mất do COVID-19.
Thứ ba, tăng cường phát triển thanh toán Internet banking và Mobile banking, đảm bảo an toàn cho các giao dịch này. Trước mắt, tăng cầu thanh toán bằng giảm phí hoặc miễn phí với các khách hàng hiện tại. Hướng dẫn cách sử dụng trên trang web hoặc qua tin nhắn cho khách hàng.
Thứ tư, tăng cường phát triển cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân để kích cầu nền kinh tế. Cầu tiêu dùng của khách hàng cá nhân tăng là nguồn gốc cho sự phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, phá vỡ được vòng luẩn quẩn của suy thoái kinh tế.
Thứ năm, quan tâm phát triển mảng thị trường khách hàng thu nhập thấp. Đây là thị phần khách hàng rất tiềm năng ở Việt Nam, trong điều kiện 69% dân số còn chưa có tài khoản thanh toán trong ngân hàng nhưng lại có số thuê bao di động và sử dụng internet lớn.
Thứ sáu, kiểm định lại tính hiệu quả của các chính sách đã xây dựng về quản trị rủi ro, trong đó có rủi ro hoạt động. Đây là cơ hội tốt để các tổ chức tín dụng đánh giá quy trình hoạt động và hệ thống nhân sự hiện tại có vận hành hiệu quả không, có chỗ nào có thể điều chỉnh để tối ưu hóa hơn không.
Thứ bảy, thử nghiệm sử dụng xác thực điện tử (e-KYC) trong giao dịch để khách hàng không phải đến phòng giao dịch hay chi nhánh trực tiếp.
Các TCTD cần thống nhất và thông báo tới các doanh nghiệp “chuẩn chung” cho công cuộc “giải cứu” nếu không muốn bị lạm dụng và dòng vốn đi sai mục tiêu ban đầu. Các tổ chức tín dụng cần công bố cụ thể và minh bạch các tiêu chí, quy trình hỗ trợ để doanh nghiệp và thị trường cùng nắm bắt được. Sự hỗ trợ từ phía ngân hàng chia làm 2 phương án là gói cho vay mà các ngân hàng cam kết giải ngân và các gói khác nếu có, để hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp “sống sót” qua mùa dịch. Tiếp đó là “tân trang” các khoản nợ có nguy cơ “xấu” bởi COVID-19, để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi, chẳng hạn như cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí hay giữ nguyên nhóm nợ.
Có thể bạn quan tâm
Kỳ vọng từ hai gói hỗ trợ
11:00, 07/10/2021
Gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp bằng ngân sách: Cần có cơ chế đặc biệt
04:05, 06/10/2021
Phục hồi kinh tế - Cần mở rộng các gói hỗ trợ
04:30, 04/10/2021
Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng sẽ được triển khai xong trong 45 ngày
02:16, 03/10/2021
Nhìn lại các gói hỗ trợ trong đại dịch và những khuyến nghị cấp thiết
05:00, 29/09/2021