Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị "nóng" về hỗ trợ vốn, tín dụng, trái phiếu và thuế
Doanh nghiệp TP HCM kiến nghị áp dụng thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành nghề (như năm 2022) và giảm thuế TNCN là hết sức cần thiết, đặc biệt khi chưa có chính sách hỗ trợ thuế TNCN trong Covid-19.
>>Tháo gỡ pháp lý bất động sản, khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Do đó, ngân hàng nhà nước cần thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả nhằm giải phóng nguồn lực vốn cho doanh nghiệp... Đây là một trong những nhận định về tình hình doanh nghiệp, doanh nhân đầu năm 2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) tại Hội nghị Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, lắng nghe các doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Theo đó, HUBA nêu một loạt kiến nghị hỗ trợ từ các Hội, các doanh nghiệp, chủ yếu tập trung trong vấn đề hỗ trợ bao gồm chính sách tiền tệ, tài khóa.
Hỗ trợ vốn, tín dụng
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết hiện nay, doanh nghiệp hầu hết đang khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng. Lý do là các ngân hàng đưa ra là đang hết room tín dụng, không có nguồn tiền gửi để cho vay, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo đáp ứng quy định để vay… Ngân hàng cần nhận diện các khó khăn này để hỗ trợ doanh nghiệp, bằng cách mở rộng room tín dụng cho các tổ chức tài chính có tiềm lực tài chính lành mạnh, huy động các nguồn tiền gửi sẵn có chưa dùng tới của ngân sách nhà nước để cho vay, cũng như việc nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay…
Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đế kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Bởi vậy, Ngân hàng nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh, nhằm hạ lãi suất vay. Thậm chí, việc khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.
Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm. Theo đó thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng kỳ theo lịch trả nợ trước đó, điều này giảm áp lực trả nợ so với yêu cầu phải chia đều nợ phải trả theo Thông tư 01/NHNN-TT.
>>NHNN khẳng định vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản
>>NHNN: Định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15% trong năm 2023
HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước công bố sớm chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các ngân hàng thương mại cân đối thực hiện, tôn trọng và giữ đúng cam kết giải ngân với khách hàng để tránh đưa doanh nghiệp vào tình trạng bất ngờ.
Trong các kiến nghị về vốn, tín dụng, Hiệp hội cũng kiến nghị có chính sách hỗ trợ thị trường trái phiếu và bất động sản. Theo đó, ông Hòa cho rằng mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, Nhà nước cũng cần xây dựng gói chính sách ổn định thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp để không làm tình trạng xấu hơn, ảnh hưởng tới nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này không áp dụng đại trà cho tất cả các doanh nghiệp, các dự án BĐS mà có tiêu chí lựa chọn:
Đối với chủ đầu tư BĐS và trái phiếu: phải là doanh nghiệp, tập đoàn có uy tín, có hệ thồng quản trị tốt, có kế hoạch sử dụng vốn minh bạch, đúng với cam kết, có ảnh hưởng lớn đến KTXH địa phương và đất nước;
Đối với dự án: phải là dự án có đủ điều kiện đầu tư, mở bán; phải hoàn thành trên 70% tiến độ; ưu tiên các dự án phát triển khu dân cư;
Đối với ngân hàng tham gia: phải là ngân hàng đạt chuẩn cao về cho vay, tình hình tài chính tốt, chủ yếu thuộc hệ thống ngân hàng có vốn nhà nước và một vài ngân hàng thương mại có tình hình tài chính và quản trị hiệu quả nhất.
Đối với nhà đầu tư: phải có tình hình tài chính lành mạnh, đủ khả năng thanh toán, mua các tài sản thuộc các dự án hội đủ các tiêu chí hỗ trợ.
Ngoài ra, để góp phần thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà nước có thể xem xét mua lại 1 số dự án BĐS phù hợp để bán hoặc cho thuê đối với công nhân viên và người nghèo. Đây cũng có thể là chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp BĐS thời gian tới.
Theo đại diện HUBA, Nhà nước cần đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước duy trì được hoạt động và giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường các giải pháp bình ổn thị trường để giữ giá cả và ổn định đời sống nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, phát triển thị trường nhà ở xã hội; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; xây dựng.
Hỗ trợ về thuế
Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện miễn giảm và gia hạn nộp thuế đối với thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất. Tuy nhiên, chưa thực hiện ưu đãi thuế TNCN đối với người làm công ăn lương, là những cá nhân và gia đình ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua ...Vì vậy, việc miễn giảm thuế TNCN trong năm 2023 là cần thiết.
Đồng thời, để giải quyết tình hình hết sức khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhà nước nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023.
Bên cạnh đó, các loại thuế khác (thuế thu nhập doanh nghiệp tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét miễn, giảm để chia sẻ khó khăn doanh nghiệp và khuyến khích phát triển kinh tế trong thị trường cạnh tranh quốc tế khó khăn hiện nay.
Chính phủ cần thực hiện luật thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu sửa đổi một cách triệt để. Không để tình trạng nhâp nguyên thiết bị máy móc thì thuế nhập khẩu 0%-10% hoặc miễn thuế, trong khi chế tạo máy trong nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng thì có thuế nhập khẩu lên đến 15% như hiện nay.
Ngoài ra, nhà nước cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp; những trường hợp bê trễ cần có hình thức xử lý kỷ luật để tạo ra tác phong chuyên nghiệp trong đội ngũ chức năng và giúp doanh nghiệp phát triển
Tại buổi gặp gỡ của Lãnh đạo UBND TP HCM với các doanh nghiệp trên địa bàn, HUBA cũng kiến nghị với Thành phố các vấn đề về cải cách hành chính, chương trình cho vay kích cầu đầu tư, chính sách thu hút đầu tư, giá thuê đất và các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ bán hàng, vấn đề quảng cáo, quảng bá kinh doanh cũng như quy hoạch, xây dựng đất đai, chuyển đổi số và công nghệ hỗ trợ. Đáng chú ý trong đó, Hiệp hội cho biết chương trình kích cầu thông qua đầu tư triển khai đã hơn 20 năm qua nhằm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn để các chủ đầu tư thực hiện dự án. Mục tiêu chương trình là khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển đầu tư của thành phố chủ yếu là y tế, giáo dục – đào tạo, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia vào chương trình xã hội hóa các dịch vụ công.
Tuy nhiên, trong vài năm nay chương trình bị dừng lại không triển khai làm ảnh hưởng tới sự phát triển của các ngành liên quan. Do đó, đề nghị Thành phố xem xét triển khai lại chương trình cho vay kích cầu đầu tư, đã từng thực hiện trước đây nhằm tạo điều kiện nâng cao khả năng đầu tư của doanh nghiệp nhằm phát triển kinh doanh. Ngoài ra, Thành phố cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nâng cao năng lực quản trị, kỹ thuật và vốn đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động kích cầu đối với ngành công nghiệp hỗ trợ cũng cần quan tâm thực hiện, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc chuyển qua hiện nay. Cụ thể, cần xem xét mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ Chương trình kích cầu đầu tư (để chương trình có hiệu quả lan tỏa trên mọi lĩnh vực. Cùng với đó là cải cách các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn.
Trên địa bàn Thành phố, có thể xem đây là một trong những chương trình đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp SME giải quyết bài toán vốn khi khó đáp ứng được chuẩn tín dụng theo yêu cầu chung của các NHTM.
Trước đó, nhận diện khó khăn của doanh nghiệp tại TP HCM, địa bàn đang có hơn 31% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước, cho thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dần đi vào ổn định. Tại quý cuối 2022, số lượng doanh nghiệp có doanh thu giảm chỉ còn chiếm tỷ lệ tối thiểu là 14% so với 17% của quý trước. Trong khi đó hầu hết doanh nghiệp xác nhận doanh thu đã cơ bản tạm ổn ở mức 64%, tăng đáng kể so với 57% của quý trước. Mặc dù vậy, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% của quý trước đó . HUBA cho rằng điều này cho thấy một số doanh nghiệp đang có dấu hiệu thấm khó khăn khi đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ.
Bên cạnh đó dù có dấu hiệu suy giảm của thị trường nước ngoài và nhu cầu hàng hóa sau Tết Nguyên Đán nhưng hầu hết doanh nghiệp quản lý tốt tỷ lệ hàng tồn kho với số lượng đánh giá tốt ở mức 79%. Đang có sự dịch chuyển lao động cho thấy có sự bất thường khi doanh nghiệp không có đơn hàng dự trữ và thu nhập bình quan của người lao động giảm, là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.
Theo Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP HCM, tại cuối 2022, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi Mỹ giảm 30-40%), tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quý 4/2022 và quý 1/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới. Cụ thể: Đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35 - 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là: nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất cuối năm 2022.
Hội chế biến gỗ TP HCM cũng nhận định, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI). Cụ thể: 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.
Trong khi đó, Hội vật liệu xây dựng TP HCM cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành VLXD sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm khi đầu tư công và dự án bất động sản đóng bang. Người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội. Sự sụt giảm của niềm tin: nhà đầu tư BĐS với CP, của người dân với nhà đầu tư BĐS. Thị trường gần như đóng băng hoàn toàn và có khả năng còn kéo dài.
Theo HUBA, về phía ngân hàng, báo cáo của các NHTM cho thấy ngân hàng thiếu tính thanh khoản; nhà đầu tư có dấu hiệu bị suy giảm niềm tin vào một số ngân hàng nên khả năng huy động vốn sụt giảm. Chính sách điều hành và kiểm soát rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nhà nước còn có dấu hiệu lúng túng, chưa chủ động. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện, vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.
Có thể bạn quan tâm
Lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Chính phủ nới room tín dụng và hỗ trợ trái phiếu doanh nghiệp
19:00, 27/11/2022
Sở hữu trái phiếu chuyển đổi, nhà đầu tư lưu ý điều gì?
05:30, 18/02/2023
Xử lý nghĩa vụ trả nợ trái phiếu - Lối mở nào cho doanh nghiệp địa ốc?
05:04, 14/02/2023
Trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro của các ngân hàng
05:00, 13/02/2023