Fed giữ nguyên lãi suất và tác động tới Việt Nam
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 22 năm, công bố sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam.
>>>Fed giữ lãi suất cao, chính sách tiền tệ của Việt Nam ra sao?
Quyết định của Fed và lợi suất TPCP Mỹ
Theo đó, mục tiêu lãi suất chuẩn liên bang được giữ nguyên trong quãng 5,25 – 5,5%, cao nhất kể từ năm 2001. Đây là 1 phần trong chiến lược giảm tốc độ tăng lãi suất trong bối cảnh Fed đang tiến gần đến đích của chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Điều kiện tài chính và tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ gây ra gánh nặng cho nền kinh tế, hoạt động tuyển dụng và lạm phát”, thông báo được Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) phát đi sau cuộc họp, nêu.
Các quan điểm trong trong thông báo khá cụ thể: “Chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn về phạm vi của những tác động này”, và rằng “Fed vẫn hết sức chú ý đến rủi ro lạm phát”. Và so với cuộc họp trước, FOMC đã đề cập thêm chữ “tài chính” thay vì chỉ nhắc đến “điều kiện tín dụng”.
Các điểm quan trọng trong bài phát biểu của Fed trong họp báo, đó là:
Sự cân bằng tăng trưởng kinh tế - lạm phát – thị trường lao động của Mỹ tiếp tục thể hiện xu hướng tốt cho kịch bản “soft landing” (hạ cánh mềm) mà Fed hướng đến, bao gồm tăng trưởng kinh tế mạnh (GDP thực quý 3 Mỹ: 4,9%) ; lạm phát ổn định (chỉ số PCE lõi của Mỹ ghi nhận 2 tháng liên tục mức thấp 3,8% - 3,7%) ; thị trường lao động cân bằng hơn (tăng trưởng lương được cân bằng ở thời điểm hiện tại).
Fed quan điểm thận trọng về ảnh hưởng của đà bán tháo trái phiếu dài hạn hiện tại gây bất ổn đến điều kiện tài chính toàn cầu, cũng là áp lực lớn lâu nay ảnh hưởng đến các nền kinh tế nhóm yếu (thị trường mới nổi- Emerging Market) như Việt Nam. Quan điểm thận trọng này là yếu tố lớn cho hành động dừng tăng lãi suất kỳ họp này.
>>>Lãi suất FED - “bức màn sắt” của kinh tế Mỹ
Các ảnh hưởng của chương trình thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening-QT) sẽ tiếp diễn trong khung thời gian dài, 6 – 9 tháng tới. (Mức hút ròng thanh khoản trái phiếu Chính phủ dài hạn từ chương trình QT hiện tại là 60 tỷ USD/tháng, dự kiến kéo dài đến tháng 08/2024).
Sự kiện thứ 2 rất đáng chú ý, đó là kết quả vòng thông báo phát hành TPCP của Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ phát biểu họ chú ý về áp lực bán tháo TPCP Mỹ dài hạn hiện tại. Kế hoạch phát hành mới trong kỳ phát hành tháng 11/2023 – tháng 1/2024 giảm phát hành TPCP kỳ hạn 10 năm và 30 năm, tăng phát hành các kỳ hạn ngắn hơn (2 năm – 7 năm) nhằm ổn định thị trường TPCP dài hạn sau khi áp lực tăng TPCP dài hạn rất mạnh kể từ tháng 9. (Lợi suất TPCP 10 năm Mỹ tăng từ 4% tháng 8 lên đến trên 5% cuối tháng 10).
Sau thông tin kế hoạch phát hành mới, đồng loạt nhóm lợi suất TPCP dài hạn toàn cầu đều giảm mạnh, về mức ổn định hơn nhiều so với giai đoạn gần đây.
Lợi suất TPCP dài hạn 10 năm Mỹ: Lợi suất TPCP 10 năm Mỹ mở cửa phiên 4,935%, mức cao nhất phiên. Cuối phiên, chỉ số này giảm mạnh 4,03% (20,1 điểm cơ bản), đóng cửa 4,734%, thấp hơn 10 phiên và thấp hơn vùng quan ngại chúng tôi quan sát 4,8%. Tương tự, lợi suất TPCP 30 năm của Mỹ có mức giảm mạnh nhất trong 4 tháng trở lại đây, giảm đến 3,3% (18 điểm cơ bản), đóng cửa chỉ còn 4,923% (vùng nguy hiểm theo quan sát 5,0%).
Phản ứng của thị trường
Với những thông tin quan trọng tốt, làm đảo chiều áp lực lớn về thanh khoản – lãi suất trên thị trường TPCP Mỹ dài hạn lâu nay, các chỉ số chứng khoán toàn cầu đều thể hiện tích cực, bao gồm:
Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh: Đóng cửa phiên 01/11, bộ ba chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng mạnh, ghi nhận đà hồi phục phiên thứ 3 liên tục, cho thấy sự khởi đầu tháng 11 rất sáng. Chỉ số Dow Jones tăng 221 điểm (0,67%), tăng đến 731 điểm trong 3 phiên gần đây (2,25%). Chỉ số SP 500 tăng mạnh 44 điểm (1,05%), tăng đến 116 điểm trong 3 phiên (2,82%). Chỉ số Nasdaq, chỉ số bị ảnh hưởng mạnh bởi thanh khoản, tăng 255 điểm (1,77%) , tăng đến 4% trong 4 phiên liên tục.
Áp lực lãi suất giảm mạnh: Các chỉ số lợi suất TPCP dài hạn của Mỹ đều đóng cửa giảm mạnh trong phiên qua, giảm về vùng giá khá an toàn so với áp lực gần đây. Cụ thể: Lợi suất TPCP 10 năm giảm mạnh còn 4,715%, thấp hơn nhiều so với vùng nguy hiểm 4.8% - 5,0% . Lợi suất TPCP 30 năm giảm mạnh còn 4,948%, thấp hơn so với vùng nguy hiểm 5,1% - 5,3% (như nêu trên).
Áp lực từ giá dầu giảm mạnh: Giá dầu Brent đêm qua giảm mạnh gần 3% từ mức cao nhất 87USD/thùng, giảm còn 84,8USD/thùng, vùng giá thấp nhất 2 tháng, xóa tan ảnh hưởng giá dầu từ cuộc chiến tranh Israel – Hamas diễn ra lâu nay. Giá dầu giảm mạnh cũng làm giảm nhiệt áp lực lạm phát năng lượng mà thị trường lo ngại lâu nay.
Tác động với thị trường Việt Nam
Có thể thấy, diễn biến đêm qua từ các sự kiện quan trọng quốc tế cùng phản ứng thị trường tài chính toàn cầu cho chúng ta góc nhìn tổng thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Cụ thể:
Áp lực đề phòng tỷ giá – hút ròng thanh khoản lâu nay của NHNN rất có thể sẽ hạ nhiệt trong các phiên sắp tới, nhờ vào diễn biến thuận lợi của thị trường toàn cầu. Các thay đổi mạnh trên toàn cầu đảm bảo kịch bản "dễ thở" của cả NHNN lẫn niềm tin thị trường chứng khoán Việt Nam sau đợt báo tháo thời gian gần đây, chủ yếu do các áp lực từ toàn cầu đến việc hút tiền ròng của NHNN.
Bên cạnh đó, tỷ giá rất có thể sẽ hạ nhiệt, về lại ngưỡng an toàn xung quanh 24.500VND/USD trong các phiên tới.
Cùng với đó, chứng khoán Việt Nam có cơ hội lấy lại phần ảnh hưởng bán tháo trong các phiên tới với những điều kiện thuận lợi.
Có thể bạn quan tâm
Chuyên gia JP Morgan Asset Management: Fed cần thận trọng
12:20, 01/10/2023
Fed giữ lãi suất cao, chính sách tiền tệ của Việt Nam ra sao?
05:26, 23/09/2023
Giá vàng biến động mạnh sau cuộc họp của Fed
12:31, 21/09/2023
Bỏ qua tác động từ Fed, giữ vững nền lãi suất thấp hỗ trợ GDP
05:01, 21/09/2023
Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ 2 trong năm, nhưng sẵn sàng cho đợt tăng cuối 2023
05:00, 21/09/2023