Nhà đầu tư nào đang “mê” thị trường tài chính tiêu dùng Việt?
2 trong 3 công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện đều gắn với các định chế tài chính từ xứ Mặt trời mọc…
Bước chân của các nhà đầu tư Nhật cũng chưa dừng lại bên ngoài cánh cửa các công ty tài chính tiêu dùng với các phân khúc và đối tượng khách hàng khác.
Từ thương vụ bán vốn mới của SHB
Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản.
Theo hợp tác, Công ty tài chính có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do SHB sở hữu 100% vốn sẽ về tay Krungsri 50% cổ phần, 50% còn lại sẽ tiếp tục chuyển nhượng vào 3 năm sau.
Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi. Trong đó, tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG, Nhật Bản) nắm giữ 76,88% vốn.
Do đó, về mặt cấu trúc sở hữu chi phối vốn, việc SHB Finance bán vốn cho Krungsri thực tế, không phải là bán vốn về tay người Thái mà là một thương vụ chuyển nhượng cho đối tác Nhật Bản, qua ngân hàng tại Thái.
Dù SHB không công bố giá trị cú chuyển nhượng song thương vụ này được giới chuyên môn nhận định có lợi cho cả 2 bên và cả thị trường. Phía SHB, đó là hoàn tất một cuộc chuyển nhượng mà họ đã lên kế hoạch từ năm trước. Theo đó, tại ĐHĐCĐ năm 2020, SHB đã trình cổ đông kế hoạch bán vốn tại SHB Finance. Lãnh đạo ngân hàng khi đó cho biết đã lựa chọn được một số đối tác lớn và đang đàm phán để thoái vốn tại SHB Finance và dự kiến hoàn tất trong năm 2021. Tức họ đã đi đúng kế hoạch.
“Giá trị thương vụ chắc chắn không thể cao gây sửng sốt như một thương vụ chuyển nhượng vốn công ty tài chính vừa diễn ra không lâu, bởi SHB Finance không phải là công ty có số má top đầu của thị trường tài chính tiêu dùng. Nhưng giá trị thương vụ chắc chắn cũng không thể thấp bởi đối tác M&A có thể không chỉ mua nền tảng hiện tại mà định giá công ty cả ở triển vọng tương lai, đặc biệt với nền tảng khách hàng kỳ vọng sẽ được hợp tác để cùng tạo ra và kiểm soát lợi ích từ phía SHB trong vòng 3 năm kế tiếp, trong đó có hệ sinh thái của SHB như trong thông cáo báo chí mà 2 bên đã nêu, bao gồm cả hợp tác ngoài hệ sinh thái. Đây cũng chính là lợi ích của Krungsri hay đúng hơn của MUFG, lẫn của SHB”, một chuyên gia đánh giá.
Về thị trường, “lợi lộc” lớn chính là thêm kỳ vọng về cạnh tranh và phát triển giữa các công ty, mà lợi ích sau cùng là người tiêu dùng sẽ được tiếp cận những sản phẩm tài chính dịch vụ hữu ích, tiện lợi, chi phí thấp nhất. Và chúng ta cũng có thể kỳ vọng sớm được tiếp cận những phát kiến mới mẻ về công nghệ cho tài chính số", vị chuyên gia nói thêm.
Cần nhớ rằng Krungsri trên thị trường tài chính tiêu dùng khu vực, được đánh giá là một trong những công ty có sự đổi mới, đột phá tích cực đặc biệt về công nghệ. Với sự hợp tác của Krungsri-MUFG, 2 định chế này đã có bước thúc đẩy nền tài chính Thái Lan bước tới thị trường toàn cầu; chẳng hạn như lần đầu tiên ra mắt dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR của Thái Lan tại Nhật Bản từ năm 2018. Do đó, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Seiichiro Akita, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Krungsri bày tỏ tham vọng rất rõ ràng ở thương vụ này là: “Cùng nhau (cùng với SHB), chúng tôi sẽ phát triển và mang đến những sản phẩm tài chính tiêu dùng chất lượng cho khách hàng tại Việt Nam. Sự kiện quan trọng này cũng nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với Chiến lược Mở rộng ASEAN theo kế hoạch kinh doanh trung hạn hiện tại của chúng tôi bao gồm 2021–2023”.
Người Thái – và phía sau là định chế lớn của Nhật, mà định chế này, thông qua ngân hàng bán lẻ và thương mại, cũng đã góp mặt ở vị trí đối tác chiến lược tại một trong những Ngân hàng TMCP lớn nhất – đã và đang đặt Việt Nam như một vị trí trọng tâm của thị trường tài chính, tiêu dùng của khu vực.
Đến cuộc… “so tiền” của nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc
Vẫn nói riêng trong câu chuyện của thị trường tài chính tiêu dùng trong mắt các nhà đầu tư Nhật và những bước chân qua con đường M&A, chúng ta nhớ cách đây chưa lâu, vụ chuyển nhượng đình đám số 1 giữa VPBank - SMBC đã diễn ra. Theo đó, Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank) đã bán vốn ở Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) tỷ lệ 49% cho Tập đoàn Sumitomo Mitsui (SMBC, Nhật Bản) với mức định giá 2,8 tỷ USD, tức thu về khoảng 1,37 tỷ USD. Giới chuyên môn kỳ vọng thương vụ bán vốn tại FE Credit sẽ giúp VPBank ghi nhận khoản lãi sau thuế khoảng 23.000 tỷ đồng trong năm 2021. Bên cạnh đó, đối tác chiến lược nước ngoài của FE Credit có thể giúp cải thiện chi phí vốn và công tác quản trị rủi ro của công ty, giúp củng cố vị trí dẫn đầu của công ty.
FE Credit được biết đang chiếm khoảng 50% thị phần trên thị trường. Cùng cạnh tranh “chia phần” với FE Credit, top 3 công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất còn có Home Credit và HDSaison. Trong đó, nếu như Home Credit thuộc PPF Group từ Czech thì HDSaison lại có sự hợp tác kiểm soát lợi ích từ HDBank và một trong những định chế chuyên về cho tài chính tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản, Credit Saison. Theo đó, chỉ riêng sự hiện diện của người Nhật tại 2 Công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu và nay thông qua Thái Lan nắm giữ tại SHB Finance, có thể ước lượng 2/3 thị phần tài chính tiêu dùng đang thuộc về nhóm này.
Danh sách các nhà đầu tư Nhật hiện diện trong các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam, khá thú vị, vẫn còn thêm nhiều tên tuổi khác. Đó là MCredit, đang được phát triển bởi ngân hàng Shinsei liên doanh với MBBank; Toyota Finace được đầu tư 100% vốn bởi tập đoàn tài chính Toyota, hay Công ty Tài chính TNHH Một Thành Viên Quốc Tế Việt Nam JACCS (JIVF) là một thành viên 100% vốn của Tập đoàn Japan Consumer Credit. Theo đó, người Nhật đang có mặt tại 6 trên 16 Công ty tài chính được cấp phép tại Việt Nam.
Tuy nhiên, lại cũng cần lưu ý rằng khá tương tự như những diễn biến ở khu vực đầu tư FDI nói chung, nơi mà Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là những nhà đầu tư lớn của Việt Nam (trong top 3 cùng Singapore nhiều năm qua và tính đến 20/8/2021, nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thì khu vực tài chính tiêu dùng cũng đang chứng kiến sự hiện diện của dòng vốn Hàn khá đáng kể. Theo đó, những năm qua, bên cạnh việc đầu tư và hiện diện ở khu vực ngân hàng, đặc biệt thị trường vốn với các công ty chứng khoán, các định chế tài chính Hàn Quốc cũng đã có tới 3 công ty tài chính mà họ sở hữu 100% vốn gồm Mirae Asset Finance, Shinhan Finance và Lotte Finance tại Việt Nam.
Một nguồn tin cho biết, ở một số thương vụ tìm kiếm đối tác chiến lược và chào bán cổ phần ra công chúng, cùng với đó là thoái vốn ở công ty tài chính, nhiều chủ ngân hàng đã tiết lộ trong kế hoạch M&A của họ, luôn có những đối tác quan tâm đàm phán cũng đến từ xứ Kim chi và Mặt trời Mọc.
Rất có thể sau SHB Finance, FE Credit, những thương vụ M&A kế tiếp trong tài chính tiêu dùng sẽ còn chứng kiến cuộc “so tiền” của các nhà đầu tư từ 2 quốc gia, vốn vẫn đang tỏ rõ sự ưu tiên qua các nỗ lực và nguồn lực của mình cho việc phát triển kinh doanh ở thị trường 100 triệu dân, nơi dư địa phát triển còn rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển tài chính tiêu dùng đẩy lùi “tín dụng đen”
05:30, 26/03/2021
Tài chính tiêu dùng: Biến đổi vì COVID-19
05:30, 16/04/2021
TS. Cấn Văn Lực: Dư địa phát triển tài chính tiêu dùng còn lớn
11:05, 25/03/2021
“Bùng nổ” tài chính tiêu dùng cầm đồ
11:30, 03/09/2020
Mở rộng thị trường tài chính tiêu dùng bằng cách nào?
12:19, 17/10/2018