Hai thập kỷ án oan và một khát vọng kinh tế
Mặc dù nhận được 23 tỷ đồng bồi thường oan sai, thế nhưng số tiền này chẳng thấm vào đâu so với mức thiệt hại thực tế và những mất mát mà một doanh nhân quê lúa phải gánh chịu suốt gần 2 thập kỷ qua.
Nói tới doanh nhân Lương Ngọc Phi - Giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông, hải sản xuất khẩu Hòa Bình, có trụ sở tại số 463 Lý Thái Tổ, phường Quang Trung, TP. Thái Bình, người dân quanh vùng đều đánh giá, đây là con người tâm huyết với quê hương, nuôi mộng lớn thay đổi kinh tế địa phương bằng dự án "Sản xuất nông sản xuất khẩu kê hạt - vừng đen 1996 -2001". Tưởng chừng như mộng lớn sắp thành thì “tai ương” ập đến, ông vướng vào vòng lao lý, luẩn quẩn suốt gần 2 thập kỷ để chạy theo và đòi lại công bằng…
Thăng trầm một đời doanh nhân
Nhiều người vẫn truyền tai nhau dấu ấn ngày 10/8/2015, khi doanh nhân Lương Ngọc Phi - Giám đốc Công ty Hòa Bình, có trụ sở tại phường Quang Trung, TP. Thái Bình được Tòa án nhân dân TP. Thái Bình tuyên khép lại một vụ án oan gây chấn động dư luận trong một thời gian dài, không chỉ ồn ào tại quê lúa, mà còn lan khắp giới doanh nhân.
Năm 1992, cùng 10 cổ đông chung sức, đồng lòng, nghiên cứu khoa học về điều kiện tự nhiên, khí hâu, đầu ra sản phẩm… với tâm huyết chuyển mình ngành nông nghiệp quê hương, ông Lương Ngọc Phi đã thay mặt công ty viết dự án "Sản xuất nông sản xuất khẩu kê hạt - vừng đen 1996 -2001". Dự án này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các lãnh đạo tỉnh Thái Bình trong việc triển khai và hiện thực hóa.
Đến năm 1998, Công ty đã triển khai được cả một vùng đất trồng nguyên liệu rộng hơn 700ha, đầu tư vốn cho hàng ngàn hộ dân của 27 HTX trên địa bàn 4 huyện thuộc tỉnh Thái Bình để trồng vừng đen, kê hạt làm vùng nguyên liệu cung ứng cho đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc theo các hợp đồng đã ký.
Đầu tháng 5/1998, ông bị Công an Thái Bình bắt với cáo buộc trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tháng 9/1999, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông Phi 17 năm tù; phát mãi toàn bộ tài sản gồm nhà xưởng, ôtô, hàng hóa... để khắc phục thiệt hại.
7 tháng sau ông Phi được Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên trắng án về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Tòa cho rằng, vay tiền của ngân hàng để kinh doanh song chưa trả là do làm ăn thua lỗ, bị chiếm đoạt… Từ đó, toà xác định số tiền ông Phi nợ ngân hàng chỉ là quan hệ dân sự, với tội trốn thuế, tòa cũng hủy để điều tra lại.
Tháng 3/2001, ông Phi được trả tự do sau gần 3 năm bị bắt, cuối năm 2003, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đình chỉ điều tra bị can với ông Phi về hành vi trốn thuế, đến năm 2005, ông được TAND tỉnh Thái Bình xin lỗi công khai và đến tận năm 2015 ông được bồi thường số tiền lên tới 23,5 tỷ đồng (22,9 tỷ đồng, bù đắp cho những mất mát mà ông, doanh nghiệp và gia đình phải gánh chịu, cùng với đó là 600 triệu đồng tổn thất tinh thần, sức khỏe, cho 3 năm ngồi tù oan sai).
Số tiền bồi thường cho doanh nhân Lương Ngọc Phi được cho là lớn nhất tại thời điểm đó, tuy nhiên, con số này chẳng thấm vào đâu khi toàn bộ tài sản của Công ty Hòa Bình đã bị phát mãi, diện tích vùng nguyên liệu ông và doanh nghiệp của mình xây dựng bấy lâu cũng không còn, đáng nói, những đơn hàng, đối tác trước kia cũng lần lượt bỏ ông vì “vết nhơ” đã có…
Ngọn lửa lòng, phủi rũ… “bùn đen”!
Ngã ở đâu đứng lên ở đó, sau những năm tháng gian truân, doanh nhân Lương Ngọc Phi vẫn nuôi khát vọng “biến đất thành vàng” với hai sản phẩm nông nghiệp kê hạt và vừng đen xuất khẩu ngày nào.
Mặc cho cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong những giai đoạn đầu được giải oan, vợ ông hàng ngày chợ búa, buôn bán quanh khu vực, còn ông cũng chỉ làm thuê cho một số doanh nghiệp trên địa bàn,… để rồi sau những ngày tháng đã qua, ông lại quay trở lại và bắt tay vào dự án "Sản xuất nông sản xuất khẩu kê hạt - vừng đen".
Ông Phi chia sẻ: bước đầu hoạt động lại cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là việc đối tác quay lưng, vốn liếng không có, uy tín trên thương trường bị mất bấy lâu nay... thế nhưng, cho đến hiện tại, một năm ông cũng xuất khẩu được từ 3 – 5 công hàng sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và cũng đang xây dựng lại vùng nguyên liệu.
Ông tâm sự, tôi luôn theo dõi hoạt động và những bước phát triển trong hoạt động nông nghiệp, và nhận thấy rằng, với hàng loạt chính sách, ưu đãi từ Chính phủ, kết hợp với đó là tích tụ ruộng đất nhiều, cùng sự cải biến, đưa máy móc, công nghệ vào thay thế con người, giảm tải giá nhân công, nếu không sản xuất nông nghiệp sẽ lãng phí nguồn tài nguyên, đặc biệt với hai sản phẩm kê hạt, vừng đen, đang rất tiềm năng, cần được nhân rộng.
Cũng theo ông Phi, với sự ủng hộ, đồng hành của bạn bè và một số người tâm huyết, năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai vùng nguyên liệu kê hạt - vừng đen xuất khẩu có diện tích lên đến 800 héc ta tại miền trong, rất mong nhận được sự đồng hành từ cơ quan báo chí.
Có thể bạn quan tâm
Hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự: Nguy cơ doanh nhân mang thân phận bị cáo… "suốt đời”
04:30, 06/10/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: 9 năm đi tìm, lời giải vẫn bằng không?
04:30, 19/09/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Gần 8 năm, 1 nỗi oan “lơ lửng”?
04:50, 18/09/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Thiếu kiến thức hay… “lạm quyền”?
04:50, 18/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Không có bị hại vẫn kéo dài… vụ án?
04:50, 12/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Sau oan sai, thiệt hại bị... “bỏ quên”?
05:00, 07/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Một cái gõ bàn… “toang” cả doanh nghiệp!?
04:50, 04/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: “Mượn” pháp luật để… “làm càn”!?
06:10, 01/08/2020
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: “Bức tử” doanh nghiệp!?
05:30, 24/07/2020