Buộc thôi việc những cán bộ tiếp tay cho hành vi buôn lậu
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần chú trọng quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; chỉ đạo xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu...
Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình- Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Trung ương, đã làm việc với Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra công khai, thường xuyên trên địa bàn, có cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
"Cần tăng cường phối hợp với các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội tiêu thụ cũng như xác lập các chuyên án triệt phá các tụ điểm tàng trữ, tập kết, trung chuyển hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn thành phố," Phó Thủ tướng Trương Hoài Bình nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ và thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.
Chính vì vậy, ông đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các lực lượng từ Trung ương đến địa phương tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế…, hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới và vận chuyển về Hà Nội để tiêu thụ.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng sửa đổi bổ sung quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài theo hướng chặt chẽ hơn, phải kèm theo hóa đơn, chứng từ nhập khẩu ngay trong quá trình lưu thông hàng hóa, không chấp nhận hóa đơn bán hàng nội địa thông thường, không chấp nhận việc ghi thấp giá trị hàng hóa trên hóa đơn để đối phó với cơ quan chức năng.
Ông Tùng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường hàng rào kỹ thuật đối với các loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất lưu thông trên thị trường, cụ thể là kiểm soát hàng hóa lưu thông theo quy định về chất lượng, kỹ thuật của hàng hóa bên cạnh việc kiểm soát theo chế độ hóa đơn, chứng từ như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao hàng giả, hàng nhái thoải mái tung hoành?
06:06, 16/04/2020
Thị trường Da-Giầy: Giải pháp nào ngăn chặn hàng giả, hàng nhái
15:24, 17/03/2020
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái (Kỳ III): Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe
04:50, 16/12/2019
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái (kỳ I): Gian lận thời đại 4.0
11:30, 12/12/2019
Tràn ngập hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
04:56, 24/04/2019