Công cụ để quản lý các giao dịch thương mại điện tử còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt vi phạm chưa kịp thời... vì vậy, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu... đang được chào bán công khai trên các website.
Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh Thanh tra, Bộ Khoa học và Công nghệ thì, số lượng các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử tăng lên đáng kể. Từ đầu năm tới nay, trong tổng số đơn nhận được của Bộ thì có tới 60% số đơn liên quan tới thương mại điện tử.
Nghịch lý phát triển thương mại điện tử
Tuy không nêu tên chính xác sàn giao dịch thương mại điện tử nào nhưng bà Quỳnh cảnh báo, tại một số sàn của doanh nghiệp lớn vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Nếu thử gõ tìm kiếm nhãn hiệu Gucci trên google người tiêu dùng sẽ thấy hàng loạt các website bán hàng Gucci, thậm chí Gucci super fake, Gucci Fake xịn, Gucci fake 1-4 với các giá khác nhau. Là ví dụ rõ rệt về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, giả mạo nhãn hiệu được kinh doanh trên môi trường internet. Hay sản phẩm bút Montblance, Patek Philippe... cũng tràn lan với số tiền chỉ 1,4 -2 triệu đồng.
Mặt trái của thương mại điện tử bây giờ rất rõ, nhưng theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, trong 2 năm trở lại đây khi sự bùng nổ của internet, thiết bị di động đã thu hút đông đảo doanh nghiệp, cá nhân tham gia thương mại. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia giao dịch thương mại điện tử, bởi vậy số lượng rất lớn, nằm rải rác trên khắp cả nước chính điểm này gây nên sự khó khăn trong công tác chống gian lận thương mại.
Nếu bán hàng lậu, hàng nhái, hàng giả ở cửa hàng lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra có thể xử lý vi phạm ngay, nhưng thương mại điện tử đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng gian rất hiệu quả. Tình hình này trên mạng diễn ra rất công khai qua các website bán hàng trên mạng, qua các trang thương mại điện tử, đặc biệt qua nền tảng mạng xã hội... Thậm chí hàng cấm cũng được bán trên mạng, ảnh hưởng tới lòng tin của xã hội của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng rất lo sợ không dám mua hàng trên mạng, không biết tin vào website nào. Thực tế hiện nay, ông Linh cho răng, chống gian lận thương mại ở bên ngoài là thế giới thực còn đang rất vất vả, song chống hàng giả ở trên mạng còn vất vả hơn. Năm 2018, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra xử phạt gần 350 vụ, số tiền xử phạt hơn 7 tỷ đồng. Ở Hà Nội, xử phạt gần nửa tỷ đồng. Việc vi phạm Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, bán hàng qua website, qua sàn không thông báo, không đăng ký là những vi phạm phổ biến.
Có thể bạn quan tâm
15:16, 09/08/2015
13:25, 20/04/2019
18:10, 18/04/2019
04:06, 16/04/2019
07:10, 30/03/2019
Các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, cá nhân, học sinh sinh viên, cán bộ cũng lên mạng bán hàng quá nhiều, không kể siết. Dùng hình ảnh hàng hoá thật đăng trên mạng, bán với giá rẻ hấp dẫn như quần áo, giày dép, thực phẩm chức năng... không rõ nguồn gốc. Những mặt hàng hạn chế kinh doanh cũng được bán trên mạng, như: xì gà, thuốc lá...
Trăm nghìn cách
Theo các cơ quan chức năng, công việc trinh sát các sản phẩm mua bán qua thương mại điện tử cũng rất khó khăn. Việc thanh toán cho giao dịch thương mại điện tử chủ yếu dùng công cụ thanh toán trung gian, giao nhận – trả tiền, hoặc uỷ thác cho các công ty vận chuyển nhận tiền. Các công ty chuyển phát dường như trở thành công cụ tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Kiểm tra các công ty chuyển phát trên đường hầu hết đều không có hoá đơn chứng từ... đây là những kẽ hở rất lớn đòi hỏi cần có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Muốn xử lý, lực lượng thị trường phải lần ra địa chỉ nơi bán, vì người mua người bán không gặp mặt nhau. Bám theo người vận chuyển cũng khó khăn do nơi ở và nơi để kho hàng là một... nên rất khó để xác định vi phạm hay không. Việc tìm ra được địa chỉ người mua – người bán qua thanh toán điện tử cũng còn bất cập, do ngân hàng có quy định riêng về bảo mật khách hàng... Trong khi đó, các sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có công cụ kiểm soát hữu hiệu với các giao dịch thương mại.
Để bảo vệ được người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử, ông Linh đề xuất, cần điều chỉnh về mặt chính sách, vì đặc điểm của internet được khởi tạo nhanh nhưng biến mất cũng nhanh. Khi phát hiện hàng giả lập tức xoá ngay... mà khi đi xử phạt phải có chứng cứ. Do vậy cần có biện pháp chế tài mạnh hơn nữa.
Nghị định 52/2013 sau 6 năm cần xem xét để có Nghị định về quản lý thương mại điện tử đáp ứng tình hình nhu cầu mới. Bởi 6 năm trước, chưa có sàn giao dịch thương mại điện tử, chưa có khái niệm nền kinh tế chia sẻ. Nhưng nay, quy mô thương mại điện tử phát triển nhanh, nên đây là thời điểm phù hợp nghiên cứu đề xuất xây dựng nghị định mới quản lý thương mại điện tử.
Chính phủ giao Bộ Công Thương trong năm nay xây dựng Nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại. Trong đó, thương mại điện tử có hẳn 1 chương riêng về xử lý vi phạm hành chính, đưa vào những chế tài mạnh, phù hợp có sức răn đe. “Tôi nghĩ, xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử phải mạnh hơn bên ngoài, vì phát hiện ra đã khó, tính lan toả lại nhanh, nguy hiểm”, ông Linh đề xuất.
Ví dụ, đối với website bán hàng, đối với tên miền .vn nếu bán hàng giả, hàng cấm yêu cầu Bộ Thông tin &Truyền thông dừng tên miền, làm mất cơ sở kinh doanh. Các sàn thương mại điện tử cũng cần tăng cường trách nhiệm của mình vào “chợ”, phải có công cụ sàng lọc sản phẩm hàng hoá thường xuyên. Cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành, một mình Bộ Công Thương không thể làm xuể bởi giao thoa nhiều lĩnh vực như hải quan, thuế, thông tin truyền thông, thị trường...
Theo bà Quỳnh, Việt Nam cần xem xét không chỉ xử lý tên miền .vn mà xử lý cả tên miền .com. Đồng thời, tăng trách nhiệm với các trang website, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian. Trang web như trung tâm thương mại cho thuê gian hàng, nhưng vấn đề xử lý “trung tâm thương mại” ở Việt Nam còn rất kém. “Trong khi CPTPP chúng ta đã cam kết vấn đề này, nhưng để luật hoá thì còn là cả câu chuyện” bà Quỳnh nói.