Coteccons nói gì về thực hiện dự án liên quan Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát, Sunshine?
Tại buổi đối thoại với cổ đông mới đây, Lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đã trả lời về thực hiện dự án liên quan Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát, Sunshine và rủi ro.
>>Coteccons thay đổi năm tài chính, Chủ tịch “hứa” giá cổ phiếu sẽ tăng vào cuối năm
Cụ thể trước câu hỏi của cổ đông, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons - cho biết: Đầu tiên là Tân Hoàng Minh, đúng là họ từng là khách hàng của Coteccons, chúng ta đã xây một số dự án cho họ và không may trong thời gian vừa qua chúng ta phải đặt dự phòng cho khoản nợ của họ là khoảng 480 tỷ trong vòng 2 năm liên tiếp. Vừa qua bộ phận pháp chế của công ty cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để thu hồi được khoản nợ này.
Lãnh đạo của Coteccons cũng cho biết công ty hiện không có dự án nào của FLC. Với Vạn Thịnh Phát trước họ có giao cho CTD dự án IFC Saigon Tower One - một toà nhà rất đẹp, dự án tốt. "Chúng tôi cũng đã bắt đầu khởi công dự án này rồi nhưng sau đó gặp một số bất đồng với chủ đầu tư, chúng tôi không tìm được tiếng nói chung trong cách làm việc giữa hai bên nên chúng tôi đã ngưng lại, rút khỏi dự án này và chi phí bỏ ra cũng rất tối thiểu thôi", ông nói.
Trước đó, liên quan đến câu hỏi về nợ xấu và việc trích lập dự phòng, lãnh đạo Coteccons cũng nhắc đến Tân Hoàng Minh. Cụ thể, theo ông ông Bolat Duisenov, khái niệm lập dự phòng không phải là lập và mất đi luôn khoản đó. Đó là cách vận hành trong hệ thống, nếu chúng ta thấy một khoản không được trả đúng hạn, ngay lập tức phải thiết lập báo động đỏ cho khoản đó. Chuyện trích lập dự phòng là để quản lý tài chính và rủi ro. Chúng ta không làm như vậy chỉ để các bên liên quan như cơ quan thuế thấy có nợ xấu từ chủ đầu tư mà còn là một khoản tiền, con số để nhắc nhở toàn hệ thống về khoản này. Khoản này sẽ không mất đi, khi chúng ta thu hồi được nợ thì sẽ hoàn lập lại cho công ty.
"Tôi cũng muốn chia sẻ sự vụ liên quan đến Tân Hoàng Minh. Như mọi người đã biết, trong năm 2022 chúng ta phải trích lập dự phòng số tiền khá lớn vì chủ đầu tư này. Nếu chúng ta không phải lập dự phòng khoản đó thì rõ ràng kết quả kinh doanh của công ty sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng chúng ta đành phải lập dự phòng vì rủi ro đó. Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi, và khi được trả sẽ hoàn nhập số tiền này cho công ty", ông nói thêm.
Mở rộng về rủi ro nợ xấu với một số chủ đầu tư hiện nay đang đối mặt với tình trạng mất thanh khoản, và cổ đông đặt vấn đề một vài rủi ro đang được đồn thổi trên thị trường rằng nợ xấu Coteccons có thể lên tới 2.600 tỷ. Dự án Casino Nam Hội An, Sơn Kim Land, NovaLand,… dẫn đến chi phí trích lập tiếp tục gia tăng. Công ty có kế hoạch đối với nợ phải thu tại các dự án này như thế nào?; bà Cao Thị Mai Lê, kế toán trưởng công ty cũng chia sẻ, các dự án Coteccons tham gia đều là những dự án Mega, có giá trị hợp đồng vài ngàn tỷ đồng. Những dự án này theo đặc thù ngành xây dựng, vào giai đoạn bàn giao và quyết toán sẽ mất rất nhiều thời gian, tiến độ thanh toán sẽ chậm lại. Đó là lý do vì sao mà cổ đông thấy khoản phải thu trên báo cáo tài chính lớn và không giảm được nhiều.
"Tôi xin đính chính là 2.600 tỷ là số không đúng. Coteccons đã thành lập hội đồng thu nợ, năm rồi cũng triển khai ban quản trị nợ rủi ro. Định kỳ, chúng tôi vẫn ngồi lại để kiểm soát các khoản nợ xấu, dựa vào sức khoẻ tài chính chủ đầu tư, tình hình thị trường để quyết định khoản nợ này có phải là nợ xấu hay không. Sau khi chúng tôi đánh giá nội bộ dựa trên nguyên tắc thận trọng và minh bạch, sẽ trích lập dự phòng", bà Lê nhấn mạnh.
>> Mua lại trái phiếu trước hạn hay cuộc đua "chẳng đặng đừng"
Lãnh đạo của công ty cũng cũng đề cập đến vấn đề vừa phát hành trái phiếu lại lên kế hoạch mua lại. Theo đó, Coteccons không có sai phạm trong phát hành trái phiếu và mua lại cũng không nằm trong kế hoạch của công ty. Tuy nhiên vừa qua thị trường cũng gặp những vấn đề liên quan đến trái phiếu của Chủ đầu tư phát hành, dẫn đến một số cổ đông lo ngại và đề xuất được mua lại.
"Tôi muốn khẳng định với những ai đang sở hữu trái phiếu Coteccons là chúng tôi hoàn toàn có khả năng mua lại, hoàn toàn có khả năng thực hiện yêu cầu của cổ đông khi muốn giữ hoặc không giữ trái phiếu Coteccons. Quá trình phát hành trái phiếu hoàn toàn theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng được tư vấn bởi các công ty, chuyên gia chuyên nghiệp về chứng khoán, đảm bảo tính chuyên nghiệp và phù hợp pháp luật. Lúc chúng tôi đưa ra phương án phát hành, số lượng muốn mua vượt quá 3-5 lần. Do đó, có thể thấy nhà đầu tư rất muốn mua trái phiếu của Coteccons. Chúng tôi rất tự tin khi chúng tôi tham gia vào các dự án hạ tầng lớn hoặc siêu dự án thì có thể đảm bảo vốn lưu động trong những trường hợp cần huy động vốn nhanh, với lãi suất rất ưu đãi.
Coteccons vào ngày 5/1/2023, đã có văn bản công bố mua lại trái phiếu trước hạn. Lô trái phiếu mới được phát hành vào 14/1/2022 và đáo hạn vào 14/1/2025, lãi suất cố định 9,5%.
Coteccons hiện chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2022. Theo kế hoạch, Coteccons đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2022 là 15.010 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Tại quý 3/2022, Công ty đạt doanh thu thuần hơn 3.113 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng phi mã từ 1.054 vào quý III/2021 tỷ lên 3.081 tỷ đồng. Chi phí lãi vay, chi phí quản lý cùng các chi phí khác cùng tăng mạnh đã khiến Coteccons lỗ ngược 3 tỷ đồng trước thuế. Điều này kéo biên lãi gộp quý III/2022 của Coteccons xuống 1,1%, góp phần đưa tỷ suất lợi nhuận gộp 9T2022 giảm xuống còn 3,8%.
Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy Coteccons có 1.146 tỷ đồng nợ xấu tính đến hết tháng 9/2022, trong đó số tiền trích lập dự phòng là 961 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm