Sau hơn 2 năm "thay máu" cổ đông lớn và Ban lãnh đạo, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) hiện đang ra sao?
Rào cản Coteccons trở lại hoàng kim
CTD đã thay đổi chiến lược kinh doanh với việc nhận thầu từ đa dạng nhiều chủ đầu tư khác nhau cùng chính sách bán hàng “thoải mái” hơn. CTD vừa công bố doanh thu thuần quý 3/2022 tăng 190,8% so với nền thấp cùng kỳ năm trước nhờ hoạt động xây dựng đang ấm trở lại sau dịch, cùng với đó là lượng hợp đồng lớn tích luỹ từ năm trước. Tuy nhiên trong quý 3/2022, CTD tiếp tục phải trích lập thêm 240 tỷ dự phòng phải thu khó đòi đối với công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nâng tổng lũy kế trích lập dự phòng của CTD đối với Tân Hoàng Minh lên 483 tỷ, chiếm 1/2 tổng trích lập dự phòng của CTD. Việc liên tiếp phải trích lập khoản dự phòng phải thu khó đòi trong 2 quý gần đây đã không những “bào mòn” hết lợi nhuận của công ty mà còn khiến CTD phải chịu lỗ hơn 3 tỷ đồng trong quý 3/2022.
Dù với lượng hợp đồng trị giá 25.000 tỷ được ký kết trong năm 2021 cùng kết quả kinh doanh cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp, tuy nhiên CTD dường như đang phải cạnh tranh về giá để đạt được nhiều gói thầu hơn, điều này khiến biên lợi nhuận gộp trong quý 3/2022 của CTD tụt dốc không phanh, chỉ đạt 1,1% - gần như làm không lãi. Theo các chuyên gia, chiến lược kinh doanh này đang làm CTD đi con đường giống với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình( HBC) khi nợ vay và các khoản phải thu của doanh nghiệp ngày càng cao.
Kết quả kinh doanh của CTD- Nguồn DSC
Chi phí quản lý doanh nghiệp và giá vốn hàng bán của CTD còn khá cao do các nhân sự cao cấp trước đây của công ty đã rời bỏ công ty, gây khó khăn trong việc quản lý bộ máy mới, gia tăng chi phí tiền lương để giữ chân nhân tài. Đồng thời giá nguyên vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh trong khoảng 2 năm vừa qua, khiến biên lợi nhuận chỉ ở mức 2-3% so với mức cũ. Bên cạnh đó như đề cập ở trên CTD cũng đang phải trích lập những khoản phải thu khó đòi từ các dự án xây dựng cho Tân Hoàng Minh trước đó.
CTD đang có mức P/E -50 do doanh nghiệp này vẫn chưa thoát lỗ, ghi nhận mức giảm đáng kể so với mức P/E của năm 2021 là 338,8 lần và cách rất xa so với P/E trung bình 5 năm giai đoạn 2015-2019 là 9 lần. Hiện P/B của CTD chỉ đạt 0,38 cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu từ vào CTD là không nhiều vì thị giá cổ phiếu hiện giờ chỉ rẻ bằng khoảng 1/3 giá trị sổ sách.
Trong bối cảnh thị trường chung biến động không thuận lợi từ đầu năm, rất nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh xuống đáy dài hạn trong đó CTD cũng không ngoại lệ. Cổ phiếu đầu ngành xây dựng hiện đang giao dịch quanh vùng đáy với thị giá 27.050 đồng/cổ phiếu, giảm gần 80% từ đầu năm. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hơn 7 ngàn tỷ đồng sau 11 tháng, chỉ còn khoảng 3.100 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh không mấy khả quan với nhiều quý thua lỗ được đánh giá là yếu tố chính đẩy cổ phiếu CTD miệt mài dò đáy. Sau khi cân nhắc cẩn trọng các yếu tố rủi ro thị trường cùng kết quả kinh doanh 9 tháng 2022 chưa thực sự ấn tượng như kỳ vọng, Công ty Chứng khoán DSC điều chỉnh ước tính doanh thu và lợi nhuận của. CTD trong năm 2022 sẽ đạt lần lượt 12.000 tỷ và 20 tỷ đồng, EPS 2022 là 270,8 đồng/cp. Ở vùng giá hiện tại, CTD đang có P/B ở mức 0,38, có nghĩa là định giá thị trường đang rất thấp so với giá trị sổ sách. Với kỳ vọng bộ máy quản lý đang dần đi vào ổn định sẽ giúp kết quả kinh doanh của CTD sớm phục hồi…
Theo kế hoạch năm 2022, CTD vẫn sẽ tập trung chủ yếu và xây dựng dân dụng còn mảng đầu tư công chỉ mới bắt đầu tham gia và xúc tiến. Trong khi đó, đối thủ lớn là HBC đã được mời đấu thầu nhiều dự án quan trọng và kỳ vọng doanh thu mảng công nghiệp sẽ đóng góp đến 20% tổng doanh thu trong năm 2022. Điều này có thể khiến CTD dần bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Ngay trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, không chỉ có Xây dựng Hòa Bình, CTD cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ những “tay chơi” mới. Đáng chú ý, rất nhiều trong số đó là các nhà thầu được gây dựng bởi những người cũ của Coteccons như Ricons của Chủ tịch Nguyễn Sỹ Công (cựu Tổng giám đốc CTD), Newtecons với bóng dáng ông Nguyễn Bá Dương (cựu Chủ tịch CTD) và một vài cộng sự hay Centra Cons của Chủ tịch Trần Quang Tuấn (cựu Phó tổng giám đốc CTD)...
Có thể bạn quan tâm