Tái định vị thương hiệu và sản phẩm du lịch
“Khẩu vị” của du khách đã thay đổi sau dịch. Các doanh nghiệp cần định vị lại cả về thương hiệu và sản phẩm du lịch để phù hợp với lựa chọn của khách.
>>>Chuyện tái định vị thương hiệu
Bà Nguyễn Thị Lê Hương - Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Vietravel cho biết:
Du lịch đang được hồi phục sau 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19. Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá năm 2023, du lịch sẽ hồi phục từ 80% - 90%. Trong sự phục hồi chung của du lịch thế giới, du lịch Việt Nam là điểm đến được truyền thông thế giới đánh giá cao. Trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 1,8 triệu khách.
Sau dịch bệnh COVID - 19, “khẩu vị” của du khách đã thay đổi. Xu hướng du lịch hiện nay là khách đi nhóm nhỏ, ngắn ngày, lựa chọn nghỉ dưỡng kết hợp với làm việc, trải nghiệm kết hợp giải trí. Vì vậy, doanh nghiệp cần định vị lại cả về thương hiệu và sản phẩm du lịch để hấp dẫn hơn, phù hợp sự thay đổi trong lựa chọn của khách. Trong khu vực, Thái Lan đã sớm có sự chuyển hướng phù hợp với những thay đổi sau đại dịch như thu hút thêm khách Ấn Độ trong khi nguồn khách từ Trung Quốc bị giảm sút.
Với rất nhiều di sản và bãi biển dài, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh không kém một số quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cần làm của Việt Nam là thiết kế sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đơn cử như tour Đông Bắc, trước đây khách chỉ đến Sapa nhưng hiện nay, Hà Giang trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách. Do đó, cần có những tour phù hợp và định hướng bài bản hơn
Về thị trường du lịch, theo đánh giá khách quốc tế từ các thị trường xa đến Việt Nam chi tiêu khoảng 1.000 USD/người. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khách quốc tế đến từ các thị trường gần bị đánh giá thấp. Điều quan trọng là lượng khách quốc tế quay trở lại Việt Nam. Trước đây, khách quốc tế chủ yếu đến từ các thị trường xa thì hiện nay, cơ cấu khách du lịch đa dạng hơn và khách châu Á đã chiếm 80% khách quốc tế đến Việt Nam.
Sản phẩm du lịch phù hợp để hấp dẫn khách quay trở lại Việt Nam nhiều lần, nhất là khách đến từ các quốc gia châu Á chính là du lịch nghỉ dưỡng. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm này vì du lịch biển là thế mạnh và đang phát triển ở Việt Nam.
Song, hiện nay vẫn còn có rào cản về chính sách thị thực, nhất là với những nước không có visa điện tử và không được miễn visa du khách đến Việt Nam cần phải có người ở trong nước đưa đi, theo sát hành trình trong thời gian họ ở Việt Nam. Vì vậy cần xem xét gỡ bỏ rào cản kỹ thuật này bởi với những nhóm nhỏ du khách muốn đến Việt Nam nhưng không có ai quen ở Việt Nam họ sẽ không đến Việt Nam du lịch.
Có thể bạn quan tâm
TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Giải pháp để doanh nghiệp phát triển bền vững
16:40, 23/03/2023
TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Khơi thông chính sách, phát triển kinh tế tư nhân
16:20, 23/03/2023
TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Phát triển kinh tế xanh và bền vững
15:21, 23/03/2023
TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Chủ động nhận diện khó khăn trong giai đoạn mới
14:52, 23/03/2023
TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Tập trung phát triển nhanh, xanh, bền vững
14:48, 23/03/2023