TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Giải pháp để doanh nghiệp phát triển bền vững

Diendandoanhnghiep.vn Tại Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp phát triển bền vững.

ff

Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chiều ngày 23/3/2023.

Kinh tế 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, xung đột Nga - Ukraine kéo dài và sự đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều hàng hóa cơ bản... sẽ là những nhân tố tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế năm 2023 và giai đoạn tiếp theo. Điều này sẽ tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, các vấn đề đặt ra cho Doanh nghiệp cần được thực hiện quyết liệt, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Nhằm góp phần phản ánh bức tranh về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững vào chiều ngày 23/3/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội).

>> TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Phát triển kinh tế xanh và bền vững

>> TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Chủ động nhận diện khó khăn trong giai đoạn mới

Diễn đàn: “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Hồng Long – Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp; Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.

v

Ông Nguyễn Linh Anh - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Điều phối tại phiên thảo luận "Đối thoại giải pháp để doanh nghiệp phát triển bền vững", ông Nguyễn Linh Anh - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp mong muốn của Diễn đàn hôm nay tập trung vào các giải pháp kiến nghị, vì các khó khăn tổng quan đã được thảo luận, trao đổi lồng ghép trong đề xuất của các đại biểu, chuyên gia. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tại phiên thảo luận, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng ban Pháp chế đánh giá, nền kinh tế của một đất nước chỉ có thể phát triển vững mạnh nếu có khu vực kinh tế tư nhân trong nước vững mạnh. Chính vì thế, một số chính sách cần phải khơi thông.

Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế tư nhân trong nước, khi theo dõi các bộ ngành, các lĩnh vực trong thời gian vừa qua, nhiều cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm thủ tục mà những người đứng đầu Quốc hội và Chính phủ phải nhấn mạnh nhiều lần đã được thực hiện tốt hay chưa, ở các bộ ngành liệu đã thực hiện đều hay chưa, đã phải là ưu tiên chính sách hay chưa? Theo góc nhìn của tôi, thì đó là chưa vì các cơ quan này còn có những mối quan tâm khác và cho rằng đây chưa phải là trọng tâm chính sách”, ông Tuấn bày tỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh một số giải pháp như: Một là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi ngành, mọi cấp. Giải pháp này sẽ hỗ trợ được rất nhiều doanh nghiệp giảm chi phí, công bằng và hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững hơn.

Hai là, áp dụng công nghệ thông tin một cách thực chất. Theo báo cáo, việc áp dụng công nghệ thông tin ở nhiều ngành nhiều cấp rất cao,, nhưng mỗi người tự thực hiện thủ tục hành chính sẽ biết được để thực hiện một cách trót lọt trên hệ thống điện tử không dễ dàng, cho nên ở khía cạnh doanh nghiệp cũng như vậy.

Ba là, cần phải tăng tính ổn định, dự đoán có chính sách pháp luật. Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện nay rủi ro của pháp luật lớn hơn rủi ro từ thị trường, vì vậy chúng ta cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Bốn , cần phải phát huy vai trò của thị trường trong đó có một số ngành như thị trường xăng dầu. Hiện nay bất cập của thị trường xăng dầu là cách thức quản lý, can thiệp của Nhà nước vào thị trường. “Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới cần đổi mới hơn, phát huy vai trò của thị trường mang tính cạnh tranh. Nhà nước sẽ khó tính toán hết các chi phí can thiệp vào mọi lĩnh vực, đây cũng là bài toán lớn trên con đường xây dựng một nền kinh tế thị trường”, ông Tuấn phân tích.

Năm , xây dựng giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, bảo hộ một cách hợp lý, hợp pháp nhưng thị trường trong nước cũng cần chính sách khôn ngoan. Đây sẽ là thách thức của Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta có lợi thế không hề nhỏ về quy mô thị trường, dân số,... Nếu chúng ta ban hành những chính sách bảo hộ thị trường một cách phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển là yếu tố rất quan trọng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, các doanh nghiệp xây dựng cần tập trung tái cơ cấu sản phẩm và đào tạo nhân lực. Ông Hiệp cho rằng, để tái định vị các doanh nghiệp xây dựng, trước hết phải thấy rõ các doanh nghiệp xây dựng có mối liên quan chặt chẽ đến kinh doanh bất động sản vì xây dựng là ngành thực hiện, triển khai để các dự án bất động sản có sản phẩm.

Ông Hiệp chia sẻ, từ giữa năm 2022 bất động sản đóng băng và tiếp tục khủng hoảng sang năm 2023 vì nhiều lý do (lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng thị trường trái phiếu…), các chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng, không có tiền để thanh toán khiến cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều nhà thầu đối mặt với nguy cơ phá sản, kể cả các nhà thầu lớn, không làm thì không có việc nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn…

Trước thực trạng đó, Hiệp hội nhà thầu xây dựng cho rằng để tái định vị giúp doanh  nghiệp phát triển bền vững - khâu đầu tiên cũng là khâu then chốt là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu xây dựng trong quan hệ kinh tế với các chủ đầu tư trong lĩnh vực hợp đồng.

Thực tế các hợp đồng xây dựng không thể giải quyết bằng Luật Dân sự vì đã kéo dài cả chục năm và các chủ đầu tư tiếp tục chây ỳ nếu không nói là vô hiệu. Vì vậy cần đưa vấn đề này vào các luật chuyên ngành như Luật xây dựng, Luật đấu thầu để đảm bảo quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trước các chủ đầu tư. Đó là điều kiện để các nhà thầu tồn tại!

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân xây dựng thông qua liên kết đào tạo kể cả hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo chuyên gia về phát triển công trình ngầm đô thị.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng cần đánh giá lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023 trong bối cảnh bất động sản, tín dụng khó khăn như hiện nay. Lấy đơn cử Tổng công ty Vinaconex - doanh nghiệp tham gia ở cả lĩnh vực đầu tư hoạt động tài chính và thi công xây lắp, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp,  hiện nay, Tổng công ty tập trung vào mục tiêu xây lắp, trong đó chủ yếu tập trung vào các dự án đầu tư công trọng điểm. Vì vậy, năm nay khả năng doanh thu của Vinaconex vẫn có thể đạt tới 18.000 tỷ đảm bảo đủ công ăn việc làm cho đơn vị.

Trên cơ sở năng lực cụ thể của từng đơn vị, các doanh nghiệp xây dựng phải tực sự định vị lại thị trường, tái cấu trúc về cơ cấu sản phẩm, hoạt động kinh doanh của đơn vị mình để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.  

>> TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Tập trung phát triển nhanh, xanh, bền vững

>> TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Thế giới thay đổi - Việt Nam không thể đứng yên

ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế

Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhận định, thế giới đang chứng kiến rất nhiều thay đổi khó đoán định. Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tiếp cận chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường quốc tế là đan xen nhau.

Trong khía cạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ông Minh Anh cho biết, thời gian tới có 5 xu hướng tái định hình vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm chuỗi cung ứng linh hoạt, dễ thích nghi, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử minh bạch là những xu hướng không thể tác rời khỏi phát triển bền vững mà doanh nghiệp hướng tới.

Mạng lưới sản xuất toàn cầu vẫn sẽ quyết định tương lai của chuỗi cung ứng nhưng mạng lưới sản xuất khu vực sẽ gia tăng. Có những chuỗi đi vào ngách bên cạnh những chuỗi lớn như ngày trước.

Thế giới đã chứng kiến 4 cuộc toàn cầu hóa, đặc biệt là cuộc cách mạng toàn cầu hóa về hàng hóa, và toàn cầu hóa về dịch vụ sẽ làm biến chuyển nền kinh tế thế giới và khu vực một cách nhanh chóng theo cách khó lường trước.

Như vậy, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro từ những xung đột chính trị, chiến tranh thương mại với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng công nghệ, dịch chuyển chuỗi cung ứng từ quốc gia này sang quốc gia khác hoàn toàn là xu hướng khách quan đã và đang diễn ra trong thời gian tới.

Vì vậy, chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển theo 3 hướng chính, bao gồm: dịch chuyển sang các nước trong cùng khu vực địa lý để giảm phụ thuộc và tránh rủi ro từ các đòn trừng phạt giữa các nước.

Những hoạt động giản đơn không đòi hỏi công nghệ cao như gia công, lắp ráp… sẽ dịch chuyển sang nhiều nước nhằm phân tán rủi ro và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Các ngành đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng này gồm dệt may, lắp ráp, sản xuất linh kiện, phụ tùng đơn giản…

Hướng dịch chuyển thứ hai là dịch chuyển chuỗi cung ứng đòi hỏi thực hiện đầu tư thường gắn với hoạt động sản xuất công nghệ cao, sản phẩm hàng hóa chiến lược có giá trị gia tăng cao có liên quan đến bí mật công nghệ và an ninh quốc gia. Hướng dịch chuyển này dẫn đến việc doanh nghiệp chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động ra khỏi Trung Quốc, diễn ra với các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU…

Hướng dịch chuyển thứ ba là tái cơ cấu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung, mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng nhằm phân tán rủi ro, nhập khẩu linh kiện tại nhiều nhà cung ứng tại các nước khác nhau.

Ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những năm qua, mặc dù Nhà nước đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ nhiều khó khăn, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển. Trong đó, Chính phủ đã tập trung các chính sách hỗ trợ những nội dung cụ thể như: Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp quốc gia; Hỗ trợ và khuyến khích hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước;… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến hiệu quả, sức cạnh tranh.

Bên cạnh các rào cản về thể chế, một trong những thách thức rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam là nguồn nhân lực thấp. Đội ngũ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý... Tất cả các yếu tố hạn chế trên đều ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, về mặt Nhà nước, cần đẩy mạnh hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, trước hết là chi phí bất hợp lý phát sinh từ quản lý Nhà nước;…

Còn đối với doanh nghiệp, cần phải chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập, phát triển.

Ông Nguyễn Đức Thắng – Giám đốc Trung tâm thông tin Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Ông Hồ Đức Thắng – Giám đốc Trung tâm thông tin Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Ông Hồ Đức Thắng – Giám đốc Trung tâm thông tin Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho rằng, trong tiến trình đổi mới nền kinh tế, Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) luôn được xác định là lực lượng quan trọng của thành phần kinh tế nhà nước, có đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nhằm đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội là điều vô cùng cần thiết.

Với 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước sau 5 năm về trực thuộc Ủy ban, đã thực hiện được vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, góp phần thực hiện an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh.

Cụ thể, tính đến năm 2022, 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực quan trọng, cụ thể; đảm bảo khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt...

Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm đều tăng trưởng. Năm 2022 tổng doanh thu đạt 1 triệu 598 ngàn tỷ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 319 ngàn tỷ đồng), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83 ngàn 167 tỷ đồng (năm 2021 đạt 67 ngàn 478 tỷ đồng), tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191 ngàn 781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177 ngàn 211 tỷ đồng).

Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nêu trên, kết quả hoạt động và đóng góp của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mình, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối như: chưa thực hiện đầy đủ vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế; Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế; Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua chưa được thúc đẩy; Việc tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức; Thiếu tầm nhìn chiến lược

Tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022, Chính phủ đã đưa ra quan điểm về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội như sau: Quản lý có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, đi đầu trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và quá trình giảm thải khí carbon của Việt Nam…Phát huy tối đa vị trí, vai trò, sứ mệnh và đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong sản xuất kinh doanh...

Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương đúng đắn của Chính phủ, một số giải pháp cần triển khai là:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để “cởi trói” DNNN nhằm phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết 68, cụ thể cần: Tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao quản lý; Các Bộ/ngành/địa phương cần chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp; và Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, đấu thầu, quản lý tài sản công, cổ phần hóa, thoái vốn, đầu tư công, tín dụng,...

Thứ hai, xây dựng các tiêu chí đánh giá và cơ chế giám sát hiệu quả hoạt động phù hợp với đặc thù doanh nghiệp nhà nước, tách bạch các nhiệm vụ chính trị khỏi các hoạt động sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận, “Đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo tổng thể”, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể.

Gắn kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao trách nhiệm giải trình của DNNN trước cơ quan đại diện chủ sở hữu, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện giám sát hoạt động của DNNN để đảm bảo hiệu quả trong việc phát hiện sớm các sai phạm, cảnh báo các nguy cơ làm DNNN bị thua lỗ, mất vốn nhà nước.

Thứ ba, tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ để DNNN thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt; cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 như Đại hội XIII đã xác định.

Thứ tư, cần gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước (như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia, hạ tầng số…). Khuyến khích các DNNN chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn.

Thứ năm, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi DNNN, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực DNNN, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng DNNN nói riêng.

Thứ sáu, Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát. Qua đó, có định hướng phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý thông tin về DNNN trên nguyên tắc đo lường được, khách quan, kịp thời và minh bạch nhằm tăng cường giám sát hoạt động của DNNN tức thời, phát hiện sớm các rủi ro, ngăn ngừa sai phạm, thất thoát, lãng phí.

Thứ bảynghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Đổi mới công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao để tuyển dụng hoặc thuê cán bộ chất lượng cao, có thể xem xét cả các Tổng giám đốc nước ngoài thí điểm tại một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty.

TS. Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

TS. Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

TS. Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động, kim ngạch xuất khẩu lớn và đang chuyển đổi sản xuất theo xu hướng phát triển bền vững và xanh hoá dệt may. Để chuyển đổi sản xuất theo xu hướng này, Hiệp hội Doanh nghiệp Dệt may đã đưa ra mô hình phát triển bền vững với 3 tiêu chí: doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi, đảm bảo đời sống người lao động và không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là ba trụ cột phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Theo Chiến lược, mục tiêu đến năm 2030, ngành dệt may đạt doanh thu từ 68 - 70 tỷ USD và  chuyển dần sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. 

Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng, trước hết doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức, xác định phát triển bền vững và kinh doanh tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, với 86% doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tuỳ vào điều kiện của mình, doanh nghiệp xây dựng lộ hình, bước đi phù hợp để chuyển đổi kinh doanh tuần hoàn.

Bên cạnh đó, theo ông Trương Văn Cẩm, trong việc kinh doanh tuần hoàn, các doanh nghiệp trong ngành tại một khu công nghiệp cần có sự phối kết hợp với nhau trong việc sử dụng điện áp mái để tăng hiệu quả, tránh lãng phí, tiết kiệm nguồn lực. Đặc thù của ngành là tỷ lệ gia công lớn nên doanh nghiệp cần phối hợp với nhãn hàng trong phát triển bền vững để chia sẻ chi phí.

Về kiến nghị, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam mong muốn các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiệm vụ, trách nhiệm được phân công trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là xây dựng khu công nghiệp dệt may quy mô lớn, các tổ hợp sản xuất lớn để giải quyết các khâu còn yếu như nguyên liệu, năng lượng… 

Đặc biệt, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất Bộ Tài chính có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp dệt may thực hiện xanh hoá và phát triển bền vững. Hiện nay, dư nợ tín dụng chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng cả nước cho thấy doanh nghiệp dệt may khó tiếp cận vốn tín dụng. 

TS. Nguyễn Quốc Việt -Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

TS. Nguyễn Quốc Việt -Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

TS. Nguyễn Quốc Việt -Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đánh giá, bối cảnh suy giảm vốn đăng ký và dự án đăng ký của năm 2022 với đầu tư nước ngoài đã phản ánh dấu hiệu tăng trưởng của nền kinh tế. 

Từ giữa năm 2022, các ngành công nghiệp xây dựng, dịch vụ có xu hướng đi xuống dù lúc đầu đã có mức tăng trưởng nhanh. Chỉ riêng ngành nông nghiệp duy trì tốc độ bình bình. Trong bối cảnh đó, với ngành công nghiệp, FDI chiếm 70% giá trị xuất khẩu công nghiệp và 50% sản xuất công nghiệp. Trong thống kê, lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 51%, sau đó đến lĩnh vực, bất động sản và xây dựng.

“Như vậy, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng là hấp lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài” – ông Việt nói. Mặc dù vốn đăng ký suy giảm, vốn thực hiện vẫn có xu hướng tương đối ổn định, nhưng đây là hệ quả của việc vốn đăng ký tăng rất cao trong những năm trước đại dịch COVID-19, đặc biệt là vào năm 2019.

Tuy nhiên, do đặc thù vốn thực hiện có độ trễ nhất định, đến năm 2022, khi các dự án đã đăng ký trước đó bước vào thực hiện, vốn thực hiện vẫn chưa có chiều hướng suy giảm. Tuy nhiên việc suy giảm được dự đoán sẽ diễn ra trong thời gian tới. TS Việt cho rằng, để duy trì môi trường kinh doanh và việc triển khai thuận lợi các dự án, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khâu thủ tục hành chính, giải tỏa cấp phép về đất đai, các quy chuẩn để thực hiện dự án là rất quan trọng. 

Trong những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là trong 2 tháng đầu năm 2023, chủ yếu vốn FDI vào Việt Nam đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kong. Nhìn tổng thể, bối cảnh đối tác FDI theo tổng vốn chủ yếu là các nước Đông Á và Đông Nam Á với Trung Quốc chiếm phần lớn.

Như vậy, có sự tương đồng giữa tỷ trọng dòng vốn FDI trong các lĩnh vực với xuất nhập khẩu. Cũng có sự tương đồng giữa xuất khẩu và nhập khẩu với chất lượng nguồn vốn FDI chưa tốt khi đa phần tập trung vào khí cạnh khai thác lao động giá rẻ, một số nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Nhìn lại các doanh nghiệp FDI trong tương quan so sánh với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, số liệu 2020 (thời điểm chưa có nhiều tác động từ quốc tế), doanh nghiệp tư nhân không đến nỗi tệ khi so sánh với các doanh nghiệp FDI trong khía cạnh lỗ lãi. Thậm chí, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ lớn hơn doanh nghiệp tư nhân.

Số lượng doanh nghiệp quy mô về vốn và lao động, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng nhỏ về vốn, so với doanh nghiệp nhà nước là 24% và doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 60%.

So với hai giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, dòng vốn FDI với dòng vốn từ doanh nghiệp tư nhân tăng gấp đôi, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng gấp rưỡi, từ 6,4 triệu tỷ đồng lên 9,4 triệu tỷ đồng. 

Tương tự, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm đi rất nhiều do tái cơ cấu, trong khi số doanh nghiệp tư nhân trung bình hoạt động trong 2 giai đoạn này tăng tương đối nhanh.

Số lượng hấp thụ lao động từ khối doanh nghiệp nhà nước vẫn dậm chân tại chỗ, trong khi doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI số lượng lao động tăng gấp đôi trong giai đoạn 5 năm trước đại dịch.

Như vậy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân không thua kém so với doanh nghiệp FDI. 

Đánh giá về thu ngân sách, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI có sự tương đồng về doanh thu. Nhưng về lợi nhuận, doanh nghiệp FDI tương đối nhỉnh hơn so với khối doanh nghiệp khác trong cùng quãng thời gian.

Sự đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực FDI và doanh nghiệp tư nhân lớn, khi tỷ trọng thu ngân sách từ các nguồn thu trong nước và xuất nhập khẩu vẫn phần lớn các nguồn thu, từ đó góp phần tăng thu ngân sách trong 10 năm vừa qua.

Theo ông Việt, đánh giá về vai trò tích cực của khu vực FDI, khi so sánh với các doanh nghiệp khác trong bối cảnh biến động và khó khăn bên ngoài lẫn bên trong trong những năm vừa qua, đối với nhà nước, nhóm doanh nghiệp FDI chủ động hợp tác và đảm bảo yếu tố độc lập liêm chính.

Với thị trường, sẵn sàng cạnh tranh và có liên kết tốt hơn. Các doanh nghiệp FDI không có cạnh tranh xuống đáy và có sự liên kết dọc, ngang trong chuỗi cung ứng tốt. 

Về xã hội, các doanh nghiệp FDI thực hiện trách nhiệm xã hội dựa trên chất lượng chính sản phẩm dịch vụ họ làm ra. Mặc dù vậy vẫn còn 1 số tồn tại của khu vực FDI như chuyển giao công nghệ, một số vấn đề môi trường.

Ông Ngô Sĩ Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, so với các ngành như dệt may, da giày,… quy mô ngành gỗ nhỏ hơn nhiều, hiện tại ngành xếp thứ 6 trong mặt hàng xuất khẩu. Trong những năm qua, mức tăng trưởng cũng trên 2 con số, là tín hiệu tích cực không chỉ riêng của ngành gỗ mà của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngành gỗ hiện nay tập trung vào 4 nhóm sản phẩm xuất khẩu chính gồm: mộc nội thất, dăm gỗ, ván công nghiệp, viên nén gỗ. Hiện nay, Việt Nam là nước lớn thứ 2 cung cấp sản phẩm gỗ cho các nước trên thế giới sau Trung Quốc và thị trường chính chủ yếu là đi Mỹ.

Theo thống kê, hiện nay ngành gỗ có trên 6000 doanh nghiệp (bao gồm cả 800 doanh nghiệp FDI), sử dụng trên 500 nghìn lao động,… nhưng bên cạnh những tăng trưởng đã đạt được trong những năm qua, việc sử dụng nhân công và nguyên liệu giá rẻ cũng đã và đang trở thành thách thức khi liên tục giảm đi. Cùng với đó, sản phẩm gỗ liên quan đến rừng và cây nên liên tục bị soi xét về mặt nguyên liệu, đồ gỗ hiện nay vẫn mượn thương hiệu nước ngoài dù là nước xuất khẩu gỗ lớn, đáng nói, một thách thức lớn khác là việc đã và đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ…

Vì vậy, trong thời gian tới, để tái định vị, các doanh nghiệp ngành gỗ cần xây dựng chuỗi liên kết theo chiều sâu từ các doanh nghiệp; đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng kinh tế xanh, thương mại xanh; tăng cường trách nhiệm giải trình chế biến gỗ theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; tang cường năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu gỗ Việt; thúc đẩy thương mại điện tử đa dạng hóa thị trường.

Ông Nguyễn Trọng Đường – chuyên gia chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Nguyễn Trọng Đường – chuyên gia chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Nguyễn Trọng Đường – chuyên gia chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, kinh tế số là một không gian tăng trưởng mới. Chiến lược kinh tế số đã định hình ra ba cấu phần là kinh tế số ICT và hai lĩnh vực khác là kinh tế số nền tảng, kinh tế số ngành lĩnh vực.

Trong đó, kinh tế số ICT chiếm 6,1% GDP, trong khi trung bình thế giới là 6,9%, nghĩa là không gian tăng trưởng không còn nhiều. Kinh tế số nền tảng trung bình thế giới là 16% GDP, nhưng chúng ta chỉ có 1,6%, như vậy chúng ta chỉ bằng 1/10 thế giới, vì vậy không gian tăng trưởng cũng còn rất lớn. Còn với kinh tế số ngành, trung bình toàn cầu là 10% GDP, của Việt Nam chỉ có 1,9%.

Đây đều là những lĩnh vực còn nhiều không gian tăng trưởng, của những ngành khác như ngành nông nghiệp, dệt may, ngành gỗ, chứ không phải của riêng ngành thông tin truyền thông.

Sự dịch chuyển trong kinh tế số có những đặc điểm rất khác, mà không chỉ riêng Bộ Thông tin & truyền thông, lĩnh vực ICT mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt. Trước đây chúng ta tập trung kinh doanh bán những sản phẩm đã có, nhưng đến nay sẽ phải tập trung vào khách hàng, bán những thứ khách hàng cần.

Về cạnh tranh, trước đây chúng ta xác định 4 yếu tố là: đối thủ cạnh tranh, sản phẩm cạnh tranh, khả năng thương thuyết với người cung cấp vật tư và khả năng thương thuyết với người mua hàng. Nhưng đến nay lại khác. Ví dụ một doanh nghiệp nhập khẩu phải đối mặt với sự cạnh tranh với cả người mua người mua hàng, họ có thể lên Alibaba, Taobao,... nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc. Điều này trở thành một hệ sinh thái cạnh tranh bất đối xứng, vì thế, các doanh nghiệp phải vừa hợp tác vừa cạnh tranh chứ không thể cạnh tranh rõ ràng như trước.

Về kinh tế số, lực lượng chính là doanh nghiệp số, không hẳn là các doanh nghiệp làm phần cứng, phần mềm mà trong kinh tế số nền tảng hay trong kinh tế số ngành lĩnh vực, cả chúng ta đều có thể là doanh nghiệp số.

Ví dụ doanh nghiệp Grab, là một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực taxi, nhưng bản thân họ lại là doanh nghiệp nền tảng số và kinh doanh bằng nền tảng số. Trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp như vậy. Hoặc các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, trở thành một doanh nghiệp số trong các ngành, lĩnh vực cũng vậy.

Do đó, ông Đường cho rằng, doanh nghiệp đều phải chuyển đổi số để phát triển trong nền kinh tế số, không phải chuyển đổi theo phong trào khi nhiều người không hiểu bản chất của chuyển đổi số. Chúng ta chuyển đổi để tạo ra giá trị cao hơn, để tồn tại và sống sót. Trong bộ chuyển đổi số có 6 trụ cột chính, trong đó quan trọng nhất là chuyển đổi số khách hàng, trải nghiệm khách hàng, sau đó mới đến hạ tầng, công nghệ, vận hành, văn hóa, dữ liệu.

“Để chuyển đổi số trước hết phải thay đổi tư duy, phải hiểu và thay đổi. Chúng ta cần phải sửa đổi quy chế, thể chế không phải chỉ là pháp luật của nhà nước mà chính là những quy định quy trình trong chính doanh nghiệp. Chúng ta cũng cần chuyển đổi số theo từng lĩnh vực, ví dụ như marketing, tìm kiếm khách hàng mới và có thể dùng thương mại điện tử để mỗi doanh nghiệp đều có thể trở thành một nhà xuất khẩu. Cuối cùng lại mới là chuyển đổi số toàn diện” – ông Đường nhấn mạnh. 

ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: qua các tham luận, phát biểu của các đại biểu tại diễn đàn đã phản ánh thực tế là doanh nghiệp Việt Nam tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023. Từ các ý kiến tại diễn đàn cho thấy có 4 nhóm vấn đề nổi bật trên thế giới và Việt Nam sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thứ nhất, tình hình kinh tế thế giới và khu vực dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán, bất định. Đây là thách thức lớn, doanh nghiệp cần chú trọng tăng cường khả năng thích ứng, sẵn sàng với những thay đổi lớn và chống chịu tốt hơn với những bất trắc, nguy cơ. 

Thứ hai là xanh hoá và phát triển bền vững. Xu thế này không chỉ xuất phát từ nhu cầu thị trường điểm đến của Việt Nam mà còn là cam kết chính trị của Việt Nam tại hội nghị COP 26. Các doanh nghiệp, ngành hàng cần phải tích hợp xu thế này vào các hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường năng lực, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh để tiếp cận các thị trường, nguồn vốn tín dụng xanh. 

Thứ ba là chuyển đổi số. Đây là giải pháp để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, đầu tư chuyển đổi số. 

Cuối cùng là thuận lợi hoá môi trường kinh doanh và cải cách thể chế. Đây là nội dung được nhiều ngành hàng, doanh nghiệp phản ánh và mong muốn Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục cải thiện, cải cách thể chế tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. 

Với bối cảnh thay đổi và những xu thế mới đang hiện hữu, theo ông Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp cần tái định vị để phát triển bền vững. Đây là diễn đàn đầu tiên, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, những nội dung của diễn đàn tiếp tục được thảo luận, trao đổi để tiếp tục đề xuất những kiến nghị. Những vấn đề được phân tích chính là thông tin đầu vào để VCCI tiếp tục kiến nghị chính sách, truyền tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành. 

Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình: Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam (VietinBank), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Giải pháp để doanh nghiệp phát triển bền vững tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713938679 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713938679 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10