Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững là vấn đề thời sự, cấp bách của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
>>>TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Tập trung phát triển nhanh, xanh, bền vững
Phát biểu tại diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 23/3/2023, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp bày tỏ tâm đắc với chủ đề của diễn đàn.
Ông Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh: tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững là vấn đề thời sự, cấp bách của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay khi kinh tế toàn cầu có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tái định vị doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khoẻ thực tế của doanh nghiệp.
Nhắc lại quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không chạy theo tăng trưởng bằng mọi cách, tránh tăng trưởng trước dọn dẹp sau, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, tái định vị và phát triển bền vững doanh nghiệp không phải là vấn đề của riêng Nhà nước hay doanh nghiệp mà phải có sự kết hợp, hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.
Để Chính phủ có 3 động lực chính: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, đầu tư để đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập. Theo ông Long, đây là những yếu tố để phát triển bền vững.
Có một số ý kiến cho rằng, trong giai đoạn khó khăn không nên đề cập đến việc đầu tư chuyển đổi số, kinh tế xanh. Tuy nhiên, theo ông Long, nếu chúng ta không nhìn trước, hành động sớm thì khi kinh tế thế giới phục hồi, doanh nghiệp không có hành trang để hội nhập và phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp phải đi trước, phải làm trước.
Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp Nhà nước với cốt lõi là 19 tập đoàn, tổng công ty, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, tuy các doanh nghiệp Nhà nước này chiếm tỷ lệ nhỏ trong các doanh nghiệp Nhà nước nhưng lại đang sở hữu nguồn vốn lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhà nước có vai trò dẫn dắt, thực hiện các phần việc các thành phần kinh tế khác không làm.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực kinh tế công và kinh tế tư nhân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp nhưng việc thực thi chưa đạt kết quả như mong muốn. Một số địa phương thiếu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc bảo lãnh tín dụng chưa thực hiện được, thậm chí điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận còn khó hơn vay ngân hàng. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay chưa có báo cáo đầy đủ, đánh giá cụ thể và tổng thể về những khó khăn, thách thức của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế. Từ đó, đề xuất kiến nghị Chính phủ có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn.
Trên quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Long khẳng định, VCCI có vai trò rất quan trọng, là cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của doanh nghiệp với Chính phủ. Để “cứu” doanh nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả, chính xác không ai bằng chính các doanh nghiệp, Chính phủ sẽ tạo cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp mong muốn VCCI tiếp tục tổng hợp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Tập trung phát triển nhanh, xanh, bền vững
14:48, 23/03/2023
TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Chủ động nhận diện khó khăn trong giai đoạn mới
14:52, 23/03/2023
TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Thế giới thay đổi - Việt Nam không thể đứng yên
14:20, 23/03/2023
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững
14:00, 23/03/2023
Tái định vị để thích ứng và tăng trưởng ổn định bền vững
14:00, 23/03/2023