Ứng dụng văn hoá Phật giáo trong cuộc sống

LINH NGA 30/08/2021 11:00

Mỗi chúng ta nên áp dụng giáo lý đạo Phật trong bối cảnh dịch bệnh COVID hiện nay để cùng vượt qua cơn nan khó này...

fd

Thượng toạ Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đó là chia sẻ của Thượng toạ Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên và các đối tác, doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (VCCI). 

Phật giáo du nhập vào Việt Nam hơn 2000 năm lịch sử và văn hoá Phật giáo đã thích ứng và thấm sâu vào văn hoá dân tộc như bóng với hình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Phật giáo vẫn tiếp tục xu hướng nhập thế, ngày càng quan tâm và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. 

Thực tế cho thấy, cuộc chiến giữa con người với đại dịch COVID-19 chưa bao giờ mạnh mẽ, khẩn trương như lúc này. Trong bối cảnh đại dịch đang lan rộng, chúng ta không thể dự báo hết những tác động đến đời sống, song rõ ràng chúng ta đã và đang cảm nhận tác động của nó. Phật giáo với hệ thống giáo lý, tư tưởng, triết lý riêng đã và đang đem lại cho những người người theo đạo Phật thái độ, năng lượng sống tích cực. Bởi, càng ngày con người càng nhận ra là giữa đời sống vật chất (sức khỏe và thể chất) có mối liên hệ mật thiết với đời sống tinh thần (tư tưởng và cảm xúc) của con người. Những lời dạy của Đức Phật cũng giúp ta thấy được các kết quả hay khía cạnh tích cực đối với các hoàn cảnh nguy hiểm.

Chia sẻ một cách tổng quát về văn hoá Phật giáo, Thượng toạ cho biết văn hoá Phật giáo được cấu thành bởi văn hoá vật thể (chùa chiền, tượng pháp, kinh điển, pháp khí + Tăng đoàn, Phật tử) và văn hoá phi vật thể với hệ tư tưởng, đạo đức và lối sống của Phật giáo.

Về tư tưởng, Phật giáo với tinh thần tự giác giác tha, tự lợi lợi tha (mình vì mọi người, mọi người vì mình); vô ngã vị tha (quên mình vì người). Về đạo đức, với 5 giới cấm, 10 điều thiện, đạo luật nhân quả, nghiệp báo, luân hồi. Tất cả đều hướng con người tới nhân cách tốt đẹp, đạo đức hiền lương, hiểu về thuyết nghiệp báo và luân hồi sẽ giúp con người sẽ xa lánh điều ác và hướng làm điều thiện nhiều hơn. 

Thời Lý Trần, nước ta chưa thiết lập hệ thống pháp luật, nhưng do tiếp thu tinh thần của Phật giáo nên đã áp dụng 10 điều thiện của Phật giáo làm quy phạm (pháp luật) trong cuộc sống. Chính điều đó đã khiến cho xã hội thời kỳ này trở thành thời kỳ vàng son trong lịch sử Việt Nam. 

Lối sống thiểu dục tri túc (biết vừa đủ) của Phật giáo sẽ giúp cho con người ta bớt tham vọng, giảm âu lo, nhằm khiến cho nội tâm thực sự được thanh thản và hạnh phúc trong những giây phút mình đang sống.

Phương pháp thiền định, niệm Phật, tụng kinh, bái sám… của Phật giáo cũng hướng con người ta thiện hơn, giảm được áp lực trong cuộc sống, khiến cho nội tâm được thanh thản và an vui hơn. Thiền định là phương pháp an trú chính niệm trong hiện tại, hay chính niệm tỉnh giác; Khi thực hiện trạng thái tĩnh lặng tỉnh giác trong ba trạng thái thân, hơi thở và tâm gọi là toạ thiền. Còn tĩnh lặng tỉnh giác trong mọi lúc mọi nơi, như khi ăn uống, khi làm việc, khi nói năng và suy nghĩ…gọi là thiền trong sinh hoạt; Phương pháp thiền trong sinh hoạt này rất phù hợp với mọi người đang sống xã hội bận rộn này.

fd

Thượng toạ Thích Thọ Lạc đã có buổi nói chuyện về "Ứng dụng văn hoá Phật giáo trong cuộc sống" với tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên và đối tác, doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Trong xã hội hiện đại, con người phải làm việc rất áp lực, bộ não phải suy nghĩ rất nhiều làm đầu óc mệt mỏi, cho nên phải để đầu óc ngưng nghỉ (tĩnh lặng) để tái tạo lại năng lượng. Ngoài Thiền, thì niệm Phật, Tụng kinh, Bái sám cũng là những cách làm giúp cho giảm những bất an, lo lắng, tìm lại sự thanh thản, bình an và tĩnh lặng trong giây phút đang sống. 

Thượng toạ thông tin rằng, mục đích những lời dạy của Đức Phật trong hệ thống giáo lý là Lìa khổ được vui và mong muốn chúng sinh đều xa lìa được sự đau khổ và được an vui hạnh phúc. Điều này đã được đức Phật dạy rất rõ trong Kinh Chuyển Pháp Luân với nội dung chủ đạo của Tứ Diệu đế, Trung đạo, Bát chính đạo.

Trong đó, Tứ diệu đế (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế) đã trở thành giáo lý căn bản, xuyên suốt trong toàn bộ kinh điển Phật giáo. Với Khổ đế là Đức Phật chỉ ra rằng, con người ta sống ở trên đời ai cũng phải gặp những điều đau khổ. Ngài đã khái quát cái khổ của con người thành 8 loại khổ (bát khổ): Sinh – Lão – Bệnh – Tử; Ái biệt ly khổ, Oán tăng hội khổ, Cầu bất đắc khổ; Ngũ ấm xí thịnh khổ.

Đức Phật nói Khổ đế không phải để làm cho con người buồn chán, bi quan mà trái lại, làm cho mọi người nhìn rõ về quy luật và thực tế của cuộc sống, khi gặp cảnh khổ cũng không hoảng loạn mà điềm tĩnh đón nhận, không bị hoàn cảnh chi phối, tìm phương án giải quyết. Trong bối cảnh đại dịch như hiện nay thì thấu hiểu điều này là vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân tạo thành những nỗi khổ hiện hữu ở đời, Đức Phật gọi là Tập đế. Đó là: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. 10 điều này đều có thể ở chính ngay trong con người và gây nên đau khổ.

Hai điều trên nói về sự khổ và nguyên nhân của khổ, Đức Phật chỉ ra kết quả an vui, hạnh phúc đạt được khi con người diệt trừ hết những nỗi khổ, muốn diệt khổ phải diệt tận gốc, đó là diệt cái nguyên nhân gây ra đau khổ. Đạo đế là những phương pháp Đức Phật hướng dẫn để chúng sinh thực hành diệt khổ, được vui.

Bát chính đạo là 8 con đường chân chính hợp với chân lý Tứ đế để tiến tới đạo Niết bàn, thoát khỏi khổ đau, đó là: Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến, chính niệm và chính định. Giá trị của Bát chính đạo là giúp người ta tu dưỡng thân tâm, cải thiện hoàn cảnh, thoát khỏi khổ đau, phiền não, bước lên con đường giải thoát, an vui, tự tại.

Đó chính là tư tưởng, mục đích chính của Đạo Phật.

Chia sẻ tại buổi nói chuyện, Thượng toạ cũng đã giới thiệu về các khái niệm căn bản của Đạo Phật như Vô thường, Luân hồi, Nhân quả, Tri túc, Nhân duyên, Hoà Bình, Từ Bi. Phật giáo khuyên con người làm điều lành, tu nhân tích đức hướng tới chuẩn mực đạo đức xã hội như hiếu thảo cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác...

“An lạc chúng sinh là mục đích cứu cánh của đạo Phật. Tất cả những lời Phật dạy đều mong muốn con người hướng tới Chân – Thiện – Mỹ. Muốn an vui trước hết phải giải thoát, muốn giải thoát thì phải không vướng bận phiền não, những dục vọng, những thói hư tật xấu" - Thượng toạ Thích Thọ Lạc so sánh tinh thần giải thoát - an lạc của đức Phật với tư tưởng  “Không có gì quý hơn độc lập - tự do - hạnh phúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hạnh phúc cho nhân dân là tiêu chí của cụ Hồ và an lạc cho chúng sinh là mục tiêu của đức Phật, mà muốn có được điều đó phải độc lập (làm chủ được mình) và tự do (giải thoát phiền não). Tuy nhiên, Bác Hồ đặt nặng vai trò của trị nước, còn Đạo Phật là trị tâm. 

Theo đó, cần phải hiểu rõ và ứng dụng (thân, khẩu, ý thiện) trong nếp sống hàng ngày, để hình thành nhân cách cho mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội, đất nước và nhân loại. Trước bối cảnh dịch bệnh COVID thì tinh thần vô ngã, vô thường của Phật giáo giúp cho con người cảm thấy mạnh mẽ hơn khi đối diện, tinh thần duyên sinh cộng sinh để cùng nhau tương trợ lẫn nhau, phải nhập thế dấn thân, chia sẻ chung tay góp sức cùng xã hội.

Buổi nói chuyện đã giúp cho tập thể cán bộ nhân viên, đối tác của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp hiểu được tổng thể về văn hoá Phật giáo một cách khái quát nhất. Thấu hiểu giáo lý của Đức Phật chắc chắn sẽ giúp chúng ta chấp nhận sự việc, hoàn cảnh một cách tích cực hơn, buông bỏ những muộn phiền, áp lực cuộc sống một cách tự nhiên hơn. Từ đó, có cái nhìn tích cực, lạc quan, đa chiều với mọi vật mọi việc trong cuộc sống. Đối với những người làm báo, thì năng lượng tích cực đó còn góp phần tạo động lực và truyền cảm hứng tới những người xung quanh qua những bài viết, những tương tác xã hội. Từ đó, giúp “đồng lòng” chống dịch và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • THƯ GIÃN CUỐI TUẦN: Buông bỏ để đời an vui

    THƯ GIÃN CUỐI TUẦN: Buông bỏ để đời an vui

    05:12, 29/12/2019

  • Quản lý stress thời Covid-19

    Quản lý stress thời Covid-19

    02:30, 04/07/2021

  • 5

    5 "thang thuốc" trị stress cho doanh nhân

    09:58, 05/12/2019

  • Doanh nhân ứng xử” với stress

    Doanh nhân ứng xử” với stress

    13:57, 03/12/2019

  • Quản trị stress trong “sức khỏe” doanh nghiệp

    Quản trị stress trong “sức khỏe” doanh nghiệp

    04:25, 05/08/2019

LINH NGA