5 "thang thuốc" trị stress cho doanh nhân

PGS.TS TRẦN THÀNH NAM -TRƯỞNG KHOA KHOA HỌC GIÁO DỤC, TRƯỜNG ĐH GIÁO DỤC (ĐHQG HÀ NỘI) 05/12/2019 09:58

Những nguy cơ, rủi ro luôn thường trực trong kinh doanh sẽ dần bào mòn sự cân bằng thể lý gây ra một loạt các biểu hiện về tâm lý, sinh lý, nhận thức và hành vi cảm xúc.

Những biểu hiện này có thể gây cản trở công việc, cản trở các mối quan hệ, làm suy giảm việc thực hiện các vai trò của cá nhân trong công ty và trong gia đình.

PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng khoa Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)

PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng khoa Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)

DOANH NHÂN VỚI STRESS

Những biểu hiện stress của doanh nhân có thể gồm các phản ứng sinh lý cơ thể như: tăng nhịp tim, nhịp thở, huyết áp tăng, cơ thể tăng tiết adrenaline, tăng quá trình đông máu (tránh chảy máu), tăng bạch cầu (ứng phó với nguy cơ nhiễm trùng), tăng hồng cầu…

Hay có thể biểu hiện qua hành vi như: dễ cáu gắt, giận dữ, mất tính kiên trì, thay đổi lịch ăn ngủ của bản thân (cuồng ăn; hoặc chán ăn; ngủ vô độ); thay đổi hành vi tình dục (giảm tần suất, rối loạn cương dương), cùn mòn cảm xúc (trơ/thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh, không thể vui lên được); sử dụng các chất (như rượu, chất gây nghiện để giải tỏa); hành vi né tránh (không đến cơ quan).

Stress của doanh nhân cũng có thể biểu hiện qua các dấu hiệu cảm xúc như buồn bã, trầm nhược, mất hứng thú, lo lắng, sợ hãi, cảm thấy tê liệt. Hoặc có các biểu hiện nhận thức như trí nhớ ngắn hạn giảm sút, tư duy bị ức chế dẫn đến không quyết định được phương án giải quyết tối ưu, suy nghĩ theo kiểu trắng đen và dự báo nhìn nhận theo xu hướng tiêu cực…

Biểu hiện của stress thông thường được diễn biến theo mức tăng dần các cấp độ. Đây cũng chính là lý do mà nhiều doanh nhân chủ quan và thờ ơ với những biểu hiện ở tầng sơ khai.

Người ta thường nói stress là chất muối làm cho cuộc sống thêm hương vị nhưng về cơ bản chúng ta thường bị buộc xài quá mặn. Điều này cũng có nghĩa là nếu cuộc sống của cá nhân hoàn toàn thoải mái, không có áp lực kỳ vọng thì cá nhân cũng trở nên thờ ơ, thiếu động lực, mệt mỏi, giảm năng suất và không biết mình sống và hoạt động theo mục đích nào.

Tuy nhiên quá nhiều stress cũng có hại khiến cho cá nhân trở nên căng thẳng, tư duy kém hiệu quả, thiếu quyết đoán, mệt mỏi và kiệt sức. Trên thực tế mỗi người đều có một điểm làm việc tối ưu (trong khả năng chịu đựng và điều tiết áp lực của cá nhân). Năng lực chịu đựng và điều tiết stress là một kỹ năng có thể rèn luyện được. Nó chính là thái độ và tác phong làm việc chuyên nghiệp dưới áp lực thời gian.

Người lãnh đạo giỏi sẽ là người luôn luôn nhìn thấy đúng điểm làm việc hiệu quả của những người xung quanh mình để tạo áp lực vừa đủ như thế.

HÃY LÀ NGƯỜI LÀM VIỆC CHỨ… KHÔNG BẬN VIỆC

Bằng kinh nghiệm từ sự quan sát, cá nhân tôi thấy rằng doanh nhân thường không gục ngã trước những biến cố lớn như khủng hoảng tài chính hay áp lực mang tính kỹ thuật của công việc mà thường ngã bởi những áp lực đời thường.

Đó có thể là những thay đổi trong cuộc sống cá nhân ví dụ như những biến cố trong tình yêu, hôn nhân, quan hệ với những đứa con. Do họ thường chủ quan không để ý đến những phiền toái hàng ngày như việc tranh cãi xích mích với người thân, hiểu lầm đối tác thân thiết.

Trong tổ chức, những yếu tố gây áp lực lớn luôn là công việc quá tải, không cân bằng được thời gian cho công việc và các nhu cầu bản thân gia đình, quá nhiều deadline và quá nhiều rủi ro thường trực cần giải quyết. Bên cạnh đó là yêu cầu và kỳ vọng quá cao từ người quản lý, khách hàng, đồng nghiệp, gia đình, bạn bè (không chỉ yêu cầu bạn làm được gì mà còn kỳ vọng bạn phải đạt thành tích tốt nhất).

Tôi cho rằng, quản lý stress nói lý thuyết thì dễ nhưng mỗi cá nhân cần vận dụng một cách linh hoạt và tinh tế với từng bối cảnh bản thân.

Có thể tóm lại một số chiến lược chung như sau:

Thứ nhất, thay đổi tác nhân gây stress. Ví dụ như đường tắc làm ta khó chịu thì tránh đi đường tắc.

Thứ hai, thay đổi suy nghĩ tự động. Tự hỏi mình có thể thay đổi cách nhìn sự việc hay không. Tự hỏi rằng việc mình suy nghĩ như vậy có giúp mình giải quyết được vấn đề hay không. Nếu không thì hãy chọn suy nghĩ khác.

Thứ ba, duy trì một phong cách sống lành mạnh. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp cho tinh thần trở nên mạnh mẽ. Vì vậy hãy có kế hoạch ăn kiêng phù hợp, đảm bảo ngủ đủ, hạn chế sử dụng các chất kích thích và kiếm một môn thể thao để luyện tập.

Thứ tư, tự chọn cho mình một chiến lược thư giãn để ứng phó với những căng thẳng cấp (ví dụ các bài thiền ngắn).

Thứ năm, phát triển các nguồn hỗ trợ xã hội (thiết lập một mạng lưới những người bạn thuộc các lĩnh vực không liên quan đến công việc của mình để có thể trao đổi, tham khảo những nhìn nhận của những người có background hoàn toàn khác với mình).

Những doanh nhân thành công luôn là những tấm gương vượt khó và quản lý stress hiệu quả. Họ là người làm việc chứ không bận việc. Với những chuyện đã qua họ dễ dàng cho qua. Với những việc không thể tránh khỏi, họ thỏa hiệp để có giải pháp. Họ thường đánh giá ý nghĩa của sự việc chính xác đúng với bản chất chứ không tô hồng cũng không trầm trọng hóa. Họ biết chơi và nghỉ ngơi trước khi mệt. Họ có những sở thích để thư giãn sau những áp lực công việc. Và cuối cùng họ đã xây dựng thói quen làm việc cực kỳ kỷ luật, quản lý thời gian và quản lý bản thân cực kỳ hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
5 "thang thuốc" trị stress cho doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO