“Tướng nữ” mạnh mẽ với trái tim mềm mại!
“Sếp nữ” trong thời đại 4.0, thời đại của thế hệ Millennials – thế hệ hướng tới sự chia sẻ, cống hiến để tạo ra giá trị thay vì tìm kiếm một công việc thông thường, sẽ có gì khác biệt?
>>Nữ doanh nhân Việt Nam trong dòng chảy lịch sử
Rất thú vị, đó chính là sự khác biệt trong suy nghĩ về tính nữ - về quyền nữ!
“Mạnh như nước”
Hình ảnh những nữ tướng “thét ra lửa” đầy quyền uy, mang ảnh hưởng lớn từ quân đội ngày nay đã dần nhường chỗ cho sức mạnh “như nước”, trong thời đại mà kỹ năng mềm và trí tuệ cảm xúc lên ngôi.
Trong một chương của cuốn Sapiens – Lịch sử loài người, tác giả Yval Noah Harari đã đề cập tới một góc nhìn, đó là “kỹ năng thượng thừa” của phụ nữ nói chung, chính là sự linh động, khéo léo và khả năng hợp tác - thấu hiểu. Sinh lý tự nhiên của phụ nữ vốn là một sự biến chuyển kỳ diệu của tạo hoá, với rất nhiều mốc thay đổi: từ bé gái tới dậy thì thành thiếu nữ; từ thiếu nữ dậy thì bắt đầu có kinh nguyệt đến mang thai, sinh nở, cho con bú; rồi từ người phụ nữ “đầy đủ điện nước” tiến tới giai đoạn tiền mãn kinh, rồi mãn kinh. Chỉ cần thuận theo tự nhiên, người phụ nữ đã phải trải qua rất nhiều lần chuyển hoá, với kinh nghiệm phong phú trong ứng phó với sự thay đổi thể chất, sinh lý, tâm lý, cảm xúc,…
Rất khác với lửa, cần một điều gì đó để bốc cháy rồi lại lụi tàn, nước – với đầy đủ các thể rắn, lỏng, khí biến ảo, từ mạch ngầm tích tụ và cứ thế nương tựa theo tự nhiên để nuôi dưỡng sự sống. Gặp chướng ngại vật nhỏ thì nhẹ nhàng, nhẫn nại lách qua; chướng ngại vật lớn quá thì tích đủ lượng rồi “tức nước vỡ bờ”. Gặp lạnh thì đóng thành băng. Gặp nóng thì bốc hơi. Vô cùng linh hoạt!
Cũng do quá trình phát triển tự nhiên về thể chất và sinh lý, phụ nữ mặc nhiên có những sức mạnh và sự bền bỉ hơn nam giới.
Cùng với đó là khả năng khéo léo trong việc điều hoà các mối quan hệ, thiết lập các mối quan hệ tương tác giữa con người với con người. Trong gia đình, người phụ nữ là nguồn năng lượng “âm nhu” mát lành, tích cực, xoa dịu các thành viên. Tuy nhiên, trong các bối cảnh khó khăn của gia đình hoặc của riêng bản thân, người phụ nữ cũng có thể “hoá băng”, cứng rắn và lạnh lùng, kiên định gánh vác.
Bởi vậy, sinh ra là phụ nữ, bản năng mạnh mẽ nhất chính là lúc mềm như nước, lúc cứng như băng, uyển chuyển, linh hoạt, lúc cương lúc nhu, tuỳ thời mà ứng biến.
Không chỉ trong gia đình, trong thời đại nam nữ bình quyền, phụ nữ hay đàn ông đều có cơ hội như nhau trong phát triển sự nghiệp, thì năng lượng “nước” lại cũng là một vũ khí sắc bén cho các nữ tướng trong việc điều hành doanh nghiệp, chinh phục thị trường.
“Quyền lực mềm”
Nếu nói “sức mạnh như nước” có vẻ hơi trừu tượng thì chúng ta có thể chuyển qua một thuật ngữ khác “thời thượng” hơn – Quyền lực mềm.
>>Nữ doanh nhân và tư duy lãnh đạo số
Quyền lực mềm (Soft Power) là một khái niệm do Giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr. ở đại học Harvard đưa ra lần đầu tiên trong một quyển sách phát hành năm 1990, Bound to Lead: The Changing Nature of America Power. Ông giải thích rõ hơn về khái niệm này trong quyển sách phát hành năm 2004, Soft Power: The Means to Success in World Politics.
Theo đó, quyền lực mềm được hiểu là cách dùng khả năng dành lấy những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo. Một đặc điểm của quyền lực mềm là không cưỡng bức, áp đặt, ép buộc. Cũng có thể so sánh quyền lực mềm chính là quyền lực “ngoại giao”, trong khi quyền lực cứng là quyền lực “quân sự”. Điều này không chỉ ở trên chính trường hay chiến trường, mà cả trên thương trường và đời sống nói chung.
Đặc biệt là trong kinh doanh, “quyền lực mềm” thường được gắn với cách lãnh đạo của phụ nữ - các nữ tướng. Đó là cách thức mà họ thường có xu hướng kêu gọi và thu hút người khác tham gia đối thoại để giải quyết vấn đề, thay vì loại trừ những người liên quan và tự giải quyết vấn đề một mình.
Quyền lực mềm biểu hiện rõ ràng ở xu hướng các nữ lãnh đạo thường muốn “lấy ý kiến”, trao đổi với những người liên quan trước khi đưa ra các quyết định cuối cùng. Điều này có thể được ảnh hưởng chính từ quá trình người phụ nữ nuôi dạy con cái. Họ thường có xu hướng dạy dỗ, hỏi han con cái hơn là áp đặt, ra lệnh, thậm chí là phạt, thậm chí là đánh đòn. Thể hiện trong công việc, trước các quyết định có thể ảnh hưởng tới người khác như nâng hoặc hạ cấp, tăng hoặc giảm lương,… nữ lãnh đạo cũng có xu hướng thảo luận, “làm rõ” trước khi ra quyết định.
Điều này còn thể hiện ở việc phát triển các kỹ năng trong quản lý. Ví dụ như các lãnh đạo hoặc quản lý nam giới thường có xu hướng học và phát triển các kỹ năng như quản trị, lãnh đạo, giảng dạy, kèm cặp, thường mang tính trên/ dưới, chỉ đạo, dạy dỗ,… thì các lãnh đạo/ quản lý là nữ giới lại có xu hướng học và phát triển các kỹ năng coach (khai vấn), trí tuệ cảm xúc, các kỹ năng mềm trong lãnh đạo/ quản lý,…
Có một điều khá thú vị là trong một xã hội ngày càng phát triển theo hướng xã hội cảm xúc, nền kinh tế cảm xúc, thì việc dành lấy chìa khoá của sự thành công lâu bền có vẻ như đang ngày càng nghiêng về phụ nữ.
Trí tuệ cảm xúc
Có ý kiến cho rằng: Quyền lực mềm được phát triển và ứng dụng dựa trên khả năng định hình ưu tiên của người khác, hay nói cách khác là khả năng thấu cảm và ứng dụng trí tuệ cảm xúc.
Năm 1990, Peter Salovey và Jonh D. Mayer đã định nghĩa: Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận diện cảm nhận, cảm xúc, tâm lý của chính mình và của người khác. Khả năng này giúp con người có thể phân loại cảm xúc và điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân và của người khác. Cụ thể hơn trí tuệ cảm xúc bao gồm các khả năng: Nhận thức cảm xúc/ Đánh giá cảm xúc và Kiểm soát cảm xúc.
Tuy còn khá nhiều ý kiến tranh cãi về tác động của trí thông minh cảm xúc đến cuộc sống và công việc của con người, nhưng không thể phủ nhận rằng: trí tuệ cảm xúc chính là chìa khoá để việc giao tiếp giữa các cá nhân mạnh mẽ và tốt đẹp hơn, giúp con người có khả năng chạm tới cảm giác hạnh phúc nhiều hơn.
Kết nối
Glenis Wade, một nhà tư vấn kinh doanh huấn luyện đội ngũ quản lý, nói: “Thế giới kinh doanh phụ thuộc vào thông tin và kiến thức và điều cần thiết là bạn phải có những người có thể giao tiếp và chia sẻ kiến thức một cách hiệu quả và tận dụng tối đa mọi người”. Khi các kỹ năng mềm có ứng dụng trí tuệ cảm xúc như huấn luyện, trao quyền hay bày tỏ sự quan tâm đến hạnh phúc và thành công của người khác (nhân viên) được đặt lên hàng đầu, thì đó cũng là lúc các nữ tướng thể hiện hết “sức mạnh như nước”, “quyền lực mềm” của họ. Họ là những người kết nối và hoà giải xuất sắc, nhà phát triển mạng lưới liên kết mạnh mẽ, và cũng là những người rất nhạy cảm với thay đổi của xã hội.
Sự thay đổi của thế giới, đặc biệt là thế giới kinh doanh chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi về nhận thức trong công việc và cách làm việc của thế hệ trẻ - thế hệ Millenial. Không hẳn tất cả đều có xu hướng mong muốn trở thành nhà lãnh đạo, tuy nhiên, với tư cách cá nhân, họ không còn “sợ hãi” các ông chủ, không bị ảnh hưởng nhiều bởi quyền lực mà đề cao sự hợp tác và giao tiếp hiệu quả. Thế hệ millennial hướng tới sự chia sẻ. Vì vậy, với tư cách là một nhà quản lý, không quan trọng là đàn ông hay phụ nữ, thì đều sẽ cần sức mạnh mềm như một kỹ năng để tương tác.
Đặc biệt trong môi trường phát triển của mạng xã hội, việc trở thành một hình mẫu để kết nối ngày càng được thể hiện rõ ràng. Sự thu hút cá nhân trên môi trường này thường thể hiện ở cách bạn thể hiện hình ảnh và giao tiếp. Thông tin và kiến thức không phải là điều kiện tiên quyết để kinh doanh thành công, người có khả năng giao tiếp và chia sẻ kiến thức một cách hiệu quả, có chiến lược kết nối tốt với những người xung quanh mới là người dễ dàng chiến thắng.
Việc quản lý trong doanh nghiệp hay trong hệ thống kinh doanh không đơn giản là quan hệ cấp trên/ cấp dưới/ đồng nghiệp, mà là quan hệ bình đẳng trong một hệ thống liên kết phát triển bền vững. Dù muốn hay không, chúng ta cũng cần có những kỹ năng nhẹ nhàng hơn nếu muốn giao tiếp hiệu quả với những nhân viên trẻ. Và trong “cuộc chiến” này, rõ ràng là các nữ lãnh đạo/ quản lý, vừa với thiên chức là mẹ, là người nữ, lại vừa với khả năng trí tuệ cảm xúc thiên bẩm và trái tim mềm mại với sự linh hoạt, đáp ứng, đang có nhiều ưu thế hơn.
Có thể bạn quan tâm