Phản ứng lạ của F0 mắc bệnh nhẹ sau nhiều tháng khỏi Covid-19

Theo zingnews 18/03/2022 01:22

Nhóm chuyên gia nhận thấy hệ miễn dịch dễ bị viêm và có nhiều thay đổi chuyển hóa khi nCoV xâm nhập. Điều này lý giải ngay cả những F0 mắc bệnh nhẹ cũng gặp di chứng hậu COVID-19.

Viêm là phản ứng quan trọng, xảy ra khi cơ thể nhiễm virus như nCoV hay vi trùng khác. Tuy nhiên, trong một số F0, phản ứng miễn dịch trở thành con dao 2 lưỡi, tự gây ra tổn thương khắp cơ thể.

Đặc biệt, những người sống sót sau cơn nguy kịch vì Covid-19, họ thường gặp các triệu chứng dai dẳng, một số liên quan rối loạn chức năng miễn dịch.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra không chỉ F0 từng nguy kịch gặp di chứng hậu Covid-19, ngay cả bệnh nhân thể nhẹ cũng có thể gặp vấn đề tương tự.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia tìm cách lý giải những thay đổi miễn dịch có thể xảy ra ở F0 thể nhẹ. Nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Viện Karolinska (Thụy Điển), Trung tâm Helmholtz Munich và Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) phối hợp thực hiện, công bố trên tạp chí Mucosal Immunology mới đây.

Hiện tượng lạ sau 3-5 tháng khỏi bệnh

Các nhà nghiên cứu này thu thập manh mối về bản chất của sự lây nhiễm nCoV và cách nó có thể ảnh hưởng đến F0 vài tháng sau khi khỏi bệnh.

Tuy nhiên, các tác giả cũng nhấn mạnh cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu những thay đổi này liên quan thế nào tới các triệu chứng hậu Covid-19.

Các tác giả thu thập mẫu máu từ 68 người từng có chẩn đoán mắc Covid-19 nhẹ, so sánh dữ liệu với nhóm không nhiễm nCoV. Các mẫu máu được thu thập từ 3 đến 6 tháng sau khi họ nhiễm bệnh.

Nhóm tác giả đặc biệt chú ý tới các đại thực bào của con người. Đây là những tế bào bạch cầu, có vai trò quan trọng nhất là loại bỏ các thành phần hoại tử và bụi trong phổi. Loại bỏ các tế bào chết đóng vai trò rất quan trọng trong hiện tượng viêm.

Chính vì vậy, họ quan sát quá trình phát hiện "kẻ lạ mặt" và cách đại thực bào cảnh báo các tế bào miễn dịch khác về sự lây nhiễm, thậm chí nuốt chửng vi trùng để ngăn hiện tượng viêm.

Sau 3-5 tháng khỏi Covid-19, người mắc bệnh nhẹ vẫn có phản ứng viêm trong cơ thể và sản sinh nhiều hormone quá mức. Ảnh: Freepik.

Sau 3-5 tháng khỏi Covid-19, người mắc bệnh nhẹ vẫn có phản ứng viêm trong cơ thể và sản sinh nhiều hormone quá mức. Ảnh: Freepik.

Nhóm chuyên gia thúc đẩy các đại thực bào này hoạt động bằng cách cho chúng mô phỏng tín hiệu nhiễm trùng. Sau đó, họ đo cách chúng phản ứng như xem gene nào được kích hoạt.

Từ đây, nhóm nghiên cứu phát hiện vào thời điểm 3-5 tháng, đại thực bào của F0 thể nhẹ có hành vi khác biệt đáng kể so với nhóm chưa từng nhiễm virus. Chúng giải phóng lượng lớn các phân tử được cho là có liên quan phản ứng viêm.

Tác giả nghiên cứu TS Craig Wheelock, giảng viên khoa Hóa - Lý sinh y tế của Viện Karolinska, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy các đại thực bào từ F0 thể nhẹ có biểu hiện viêm và chuyển hóa bị thay đổi trong 3-5 tháng sau khi nhiễm virus. Phần lớn những người này không có bất kỳ triệu chứng Covid-19 kéo dài nào, song, hệ miễn dịch của họ nhạy cảm hơn bình thường".

TS Craig Wheelock nhận định hiện tượng số lượng lớn các phân tử eicosanoid ở người mắc Covid-19 không có gì đáng ngạc nhiên. Eicosanoid là những chất kỵ nước giống hormone, có đặc tính như chất truyền thần kinh hoặc chất điều hòa miễn dịch. Covid-19 là bệnh gây viêm nhiễm nên sau vài tháng khỏi bệnh, cơ thể F0 vẫn sản xuất lượng lớn eicosanoid.

Nghiên cứu cũng phát hiện nồng độ cao phân tử gây viêm leukotrienes - nguyên nhân gây bệnh hen suyễn. Điều này khiến nhóm chuyên gia kinh ngạc.

"Nồng độ leukotrienes vẫn tăng cao trong đại thực bào ở người mắc Covid-19 thể nhẹ khiến chúng tôi khá bất ngờ. Leukotrienes là chất trung gian chính gây bệnh hen suyễn. Nhưng chúng cũng tham gia vào quá trình bảo vệ vật chủ kháng virus chống lại bệnh cúm", TS Julia Esser-von Bieren, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Helmholtz Munich và Đại học Kỹ thuật Munich, cho biết.

Theo TS Julia, sự gia tăng liên tục chất này sau khi nhiễm SARS-CoV-2 dễ khiến chúng ta nhạy cảm hơn với viêm đường hô hấp, nhưng cũng có thể cải thiện khả năng miễn dịch kháng nCoV và virus khác.

Phản ứng viêm là hiện tượng bình thường khi cơ thể bị virus, vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi, khi viêm quá mức có thể gây ra nhiều tình trạng nguy hiểm, đặc biệt là cơn bão cytokine. Ảnh: Science.

Phản ứng viêm là hiện tượng bình thường khi cơ thể bị virus, vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi, khi viêm quá mức có thể gây ra nhiều tình trạng nguy hiểm, đặc biệt là cơn bão cytokine. Ảnh: Science.

Sau một năm không còn tình trạng viêm

Đây là điểm đặc biệt mà nhóm chuyên gia phát hiện khi thực hiện dự án này. Tại thời điểm 3-5 tháng sau khi khỏi Covid-19, khoảng 16% tình nguyện viên báo cáo các triệu chứng dai dẳng. Sau đó một năm, họ được lấy mẫu máu lần nữa để đối chứng. Lúc này, tỷ lệ giảm xuống bằng 0.

Các kết quả trên khiến nhóm tác giả đi đến kết luận tình trạng viêm trong đại thực bào của họ dường như biến mất sau 12 tháng. Và với kết luận này, nhóm chuyên gia suy đoán di chứng hậu Covid-19 xảy ra do một hoặc nhiều cơ chế khác nhau. Do đó, ngay cả khi xác nhận được nguyên nhân gây di chứng hậu Covid-19, chúng ta vẫn khó có thể giải thích chính xác từng ca bệnh.

Dù vậy, nhóm chuyên gia tin tưởng những nghiên cứu tương tự có thể chỉ ra cách chữa trị cho những F0 gặp di chứng hậu Covid-19. Về phần mình, họ hy vọng sẽ tiếp tục đào sâu hơn, mở rộng số lượng tình nguyện viên để so sánh.

Hiện tại, hạn chế của nghiên cứu là số lượng mẫu tương đối nhỏ. Ngoài ra, các phát hiện cũng chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng về hội chứng Long Covid.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Covid-19 có thể gây suy giảm sức khỏe kéo dài, dai dẳng. Khoảng 1/4 số người bị nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất một tháng. Đặc biệt, 1/10 trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược. WHO xếp những người này vào nhóm gặp phải hội chứng Long Covid (Covid-19 kéo dài).

Có thể bạn quan tâm

  • Ai cũng có thể tái nhiễm COVID-19

    Ai cũng có thể tái nhiễm COVID-19

    03:42, 13/03/2022

  • Vì sao người mắc COVID-19 nên uống nước chanh?

    Vì sao người mắc COVID-19 nên uống nước chanh?

    01:28, 08/03/2022

  • COVID-19 không chỉ là “cơn cảm cúm”

    COVID-19 không chỉ là “cơn cảm cúm”

    01:58, 02/03/2022

Theo zingnews