Dự thảo Thông tư công tác hướng nghiệp tại các cơ sở giáo dục: Chưa phù hợp với trường ngoài công lập
Theo VCCI, bên cạnh những mặt tích cực, Dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, quy định về nhiệm vụ, biện pháp và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục hiện nay, tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh những mặt tích cực đã phù hợp, thì đơn vị soạn thảo cần xem xét một số tồn tại, hạn chế trong các quy định.
Cụ thể, về vấn đề Dự thảo quy định một số trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp như:
Thực hiện một số hình thức triển khai hoạt động nhất định (quy định tại Điều 6, Điều 9 Dự thảo); Bố trí giáo viên kiêm nhiệm triển khai công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp với cơ sở giáo dục phổ thông (quy định tại Điều 7.1.a, Điều 10.1.a Dự thảo); Thành lập mới hoặc kiện toàn đơn vị thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp với cơ sở giáo dục đại học (quy định tại Điều 7.2.a, Điều 10.2.a Dự thảo); Phối hợp với các đối tác để thực hiện hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm (quy định tại Điều 7.1.d, Điều 7.2.d, Điều 10.1.d, Điều 10.2.d Dự thảo).
Theo VCCI, các quy định này dường như chưa phù hợp với các trường tư thục, các cơ sở giáo dục khác được đầu tư bằng ngân sách ngoài Nhà nước, vì can thiệp trực tiếp vào việc tổ chức và thực hiện các hoạt động, tổ chức bộ máy, của các đơn vị này, vốn được hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Điều 60.3 Luật Giáo dục.
Cũng theo VCCI, việc này có thể gây khó khăn cho các đơn vị trên, khi tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm, chẳng hạn như tổ chức các hình thức triển khai ngoài các hình thức tại Điều 6 Dự thảo, hoặc cơ sở giáo dục phổ thông có nhu cầu thành lập bộ phận riêng thực hiện công tác này…
“Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định theo hướng, cho phép các cơ sở giáo dục ngoài công lập có quyền tự quyết định trong các hoạt động tại những nội dung nêu trên”, VCCI góp ý.
Ngoài ra, quy định về việc xã hội hóa công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cũng là một trong những vấn đề được VCCI đề nghị đơn vị soạn thảo cần bổ sung, làm rõ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi sau này.
Cụ thể, theo VCCI, Dự thảo đã có các quy định cho phép các cơ sở giáo dục được thực hiện xã hội hóa công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp, tuy nhiên, các quy định này còn chưa rõ ràng, có thể gây khó khăn trong việc thực thi khi đưa vào thực tế như:
Việc xã hội hóa công tác này được thực hiện theo cơ chế nào? Theo Điều 18.1 Dự thảo, nếu cơ sở giáo dục sử dụng kinh phí từ nguồn chi thường xuyên, có cần thực hiện theo pháp luật về đấu thầu không? Nếu một phần hoặc toàn bộ kinh phí thực hiện một hoặc một số hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm hay hỗ trợ khởi nghiệp được huy động từ nguồn vốn của đối tác, các nhà tài trợ khác thì thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT hay thực hiện theo quy định nào?
Hay, tại Điều 7 và Điều 10 Dự thảo quy định, các cơ sở giáo dục phối hợp với các đối tác đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, không rõ các điều kiện này được quy định tại văn bản pháp luật nào?
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Thông tư về phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt: Còn quy định cần được làm rõ
04:30, 23/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030
22:26, 22/01/2021
Dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp: Can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp
11:41, 21/01/2021
Dự thảo Nghị định về thương mại điện tử thu hẹp không gian phát triển của doanh nghiệp
15:41, 16/01/2021