Gỗ xuất khẩu gặp khó vì quy định mới về thuế GTGT

GIA NGUYỄN 09/06/2021 11:00

Mặc dù khẳng định sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng,… thế nhưng, những quy định siết chặt quản lý hoàn thuế GTGT đối với ngành gỗ đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp.

 Việc siết chặt chính sách hoàn thuế GTGT là cần thiết, tuy nhiên, lại khiến các doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó khi bị đưa vào diện có tính rủi ro cao như sản phẩm linh kiện điện tử.

Việc siết chặt chính sách hoàn thuế GTGT là cần thiết, tuy nhiên, lại khiến các doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó khi bị đưa vào diện có tính rủi ro cao như sản phẩm linh kiện điện tử.

Ngày 29/4/2021, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 1307/TCT-TTKT gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nội dung văn bản nêu rõ, theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/QH/QH2019 ngày 13/6/2019, người nộp thuế tự khai, tự nộp thuế và Cơ quan Thuế áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thông qua hệ thống tiêu chí đánh giá và hệ thống công nghệ thông tin để áp dụng phương thức quản lý thuế phù hợp. Từ đó, đơn vị này chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố Trung ương tăng cường nhiều biện pháp “siết” chặt quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

“Siết” hoàn thuế GTGT…

Tổng cục Thuế đã ban hành các Công văn số 2928/TCT-TTKT ngày 22/7/2020 và Công văn số 2424/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp về ngăn chặn, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật về hoàn thuế GTGT; rà soát người nộp thuế có rủi ro về hoàn thuế GTGT đã được tổng hợp qua hệ thống ứng dụng phân tích rủi ro và căn cứ tình hình quản lý thuế thực tế tại mỗi thời điểm và từng địa phương để triển khai các biện pháp thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về thuế tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Việc “siết” chặt quản lý đối với hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu được Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính khẳng định, đây là biện pháp nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong việc tuân thủ quy định của pháp luật.

Và theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, hoàn thuế GTGT không chỉ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp mà còn rất quan trọng đối với nền kinh tế, nó phát huy tính tự giác về thực hiện đầy đủ chế độ thuế và hoá đơn, chứng từ; khuyến khích xuất khẩu khi doanh có điều kiện cạnh tranh về giá; khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện về tài chính cho doanh nghiệp; thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; tránh được việc thu thuế trùng lặp. Tuy nhiên, những biện pháp hiện nay là cần nhưng chưa đủ để thay đổi, cũng như giảm xuống mức thấp nhất tình trạng gian lận thuế GTGT.

… ngành gỗ bị nhiều “sức ép”

Thông tin với báo chí, ông Lê Minh Thiện - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định cho biết, vấn đề hoàn thuế GTGT của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đang gặp một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là việc xác minh bảng kê hàng hóa rừng trồng giữa đơn vị xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ và người dân trồng rừng thiếu tính khả thi.

Theo ông Thiện, Công văn số 2424/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 về giải quyết hoàn thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các địa phương thực hiện đối với hàng hóa có nguồn gốc thu mua trực tiếp từ người dân theo bảng kê hàng hóa, phải xác minh trực tiếp đến từng người dân theo yếu tố rủi ro. Khi thực hiện kiểm tra phương tiện vận chuyển phải đối chiếu giữa lịch trình di chuyển từng xe, từng lái xe, những yêu cầu nói trên đã gây khó cho doanh nghiệp.

“Do đó, khi doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ gỗ rừng trồng thực hiện hoàn thuế GTGT phải xin xác minh trực tiếp từng người dân là bất khả thi, nhất là các doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu lớn. Khi việc xác nhận gặp trắc trở, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nguy cơ sẽ chọn con đường đơn giản là ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ người trồng rừng, phá vỡ chuỗi liên kết cung ứng trong nước đối với nguyên liệu gỗ. Tiến trình phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ sẽ bị ngưng trệ, bởi đầu ra của gỗ rừng trồng trong nước sẽ bị ách tắt”, ông Thiện phân tích.

Cũng theo ông Thiện, Công văn số 429/TCT-TTKT ngày 22/2/2021 của Tổng cục Thuế có yêu cầu rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như: Linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản… để thực hiện thanh tra, kiểm tra theo các Công văn số 2928/TCT-TTKT và 4569/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế, thế nhưng, trên thực tế, sản phẩm gỗ của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và có vốn giá trị bình quân thấp, từ 15.000-25.000 USD/container 40ft.

“Nếu xem đồ gỗ có tính rủi ro cao như sản phẩm linh kiện điện tử về mặt giá trị thì hoàn toàn không thực tế và thiếu chính xác, việc bổ sung các hình thức thanh tra, kiểm tra thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ vì phải mất nhiều thời gian để tiến hành các hoạt động này, càng khó hơn khi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19”, ông Thiện phân tích.

Cùng quan điểm trên, ông Thăng Văn Hóa - Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ nhận định, việc siết chặt chính sách hoàn thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng có dấu hiệu rủi ro cao là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu quy định dàn trải sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh lâu năm trong ngành, khiến dòng vốn thanh toán bị đứt đoạn, hoặc thiếu vốn sản xuất, trong khi doanh nghiệp vừa phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch COVID-19, trả nợ vay ngân hàng, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ nhân viên.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • Vay ngân hàng có phải là giao dịch liên kết?

    Vay ngân hàng có phải là giao dịch liên kết?

    23:00, 01/06/2021

  • Bất an vì vay ngân hàng bị áp thuế giao dịch liên kết: Đáng lo ngại!

    Bất an vì vay ngân hàng bị áp thuế giao dịch liên kết: Đáng lo ngại!

    11:30, 26/05/2021

  • Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Quy định bất hợp lý, gây tốn kém

    Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Quy định bất hợp lý, gây tốn kém

    11:01, 02/06/2021

  • Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Ai đã đánh tráo khái niệm?

    Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Ai đã đánh tráo khái niệm?

    15:02, 19/05/2021

  • Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Cục Thú y sẽ rà soát thông tư

    Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Cục Thú y sẽ rà soát thông tư

    11:00, 13/05/2021

GIA NGUYỄN