Bất an vì vay ngân hàng bị áp thuế giao dịch liên kết: Đáng lo ngại!

Diendandoanhnghiep.vn Trước kỳ báo cáo tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, nhiều doanh nghiệp vô cùng lo lắng trước thông báo về quy định giao dịch liên kết mới của Tổng cục Thuế.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng: Không chỉ đe dọa đến quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, quy định “mới” về áp thuế giao dịch liên kết theo thông báo ngày 18/3/2021 của Tổng cục Thuế còn được cho chưa phù hợp thực tiễn…

- Thưa ông, quy định “Công ty vay của ngân hàng thương mại với tỷ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn được xác định là các bên có quan hệ liên kết” theo ông có đúng với bản chất Nghị định 132/2020 hay không?

Theo tôi, mục tiêu của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP là nhằm hạn chế các giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ chuyển giá, gian lận thuế của các doanh nghiệp. Tên của Nghị định cũng thể hiện rõ mục tiêu này là Nghị định về “quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết”.

Trước đây mục tiêu chúng ta thường hướng vào các doanh nghiệp FDI với những quan hệ tài chính phức tạp, có sự khác biệt về mức thuế suất giữa các nơi hoạt động. Trong khi đó quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp nếu điều chỉnh theo cách giải thích này thực ra là hướng đến chống vốn mỏng, một mục tiêu toàn toàn khác. Bản chất tài chính huy động giữa các doanh nghiệp cùng trong nhóm với tín dụng ngân hàng là hoàn toàn khác nhau, việc ngân hàng cho doanh nghiệp vay thường theo một quy trình rõ ràng, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Thực tiễn từ 2017 từ khi có Nghị định 20 đến nay ở Việt Nam không hiểu, không áp dụng theo cách thức này là minh chứng rất rõ cho điều này.

 Áp thuế giao dịch liên kết sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục và gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.p/(Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Á Châu, Gia Lai. Ảnh: S.C)

Áp thuế giao dịch liên kết sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục và gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. (Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Á Châu, Gia Lai. Ảnh: S.C)

- Theo ông, việc áp tỷ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn là phát sinh giao dịch liên kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, liệu có phù hợp với thực trạng doanh nghiệp trong nước hiện nay?

Quy định này chưa phù hợp thực tiễn bởi hiện nay ở Việt Nam, thị trường vốn chưa thực sự phát triển, chưa phải là kênh huy động vốn phổ biến, doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa nhiều vào ngân hàng, sống bằng tín dụng ngân hàng. Cho nên nếu diễn giải ngân hàng như là một bên trong quan hệ liên kết khi khoản vay vốn ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn thì chắn diện doanh nghiệp phải áp dụng hiện nay cực lớn. Doanh nghiệp muốn tìm nguồn vốn hoạt động ngoài ngân hàng thì tìm ở đâu? Đó là chưa tính đến sự bất lợi về lãi suất ngân hàng mà doanh nghiệp Việt Nam vay luôn cao hơn các quốc gia cạnh tranh trong khu vực.

- Việc áp thuế giao dịch liên kết theo thông báo đã nêu, liệu có gây ra những ảnh hưởng gì cho doanh nghiệp, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và đang tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp, thưa ông?

Việc làm này dự báo sẽ làm tăng thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh bởi theo quy trình của Nghị định số 132 hiện nay nếu thuộc giao dịch liên kết, không nằm trong đối tượng được miễn tại Điều 19, thì phải thêm các thủ tục kê khai giá giao dịch liên kết, lập hồ sơ xác định giá liên kết. Điều này sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục, tăng thời gian và gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Với chi phí lãi vay không được trừ phải nộp thêm thuế Thu nhập doanh nghiệp là một gánh nặng tài chính mới, với doanh nghiệp thực ra như là tăng mức thuế, điều này sẽ tạo ra một gánh nặng mới, hạn chế năng lực cạnh tranh.

- Vậy, trước thực trạng đã nêu, ông có khuyến nghị gì?

Điều tôi lo ngại nhất từ vấn đề này là cách diễn giải, áp dụng pháp luật ở đây là Nghị định chỉ bằng một thông báo là không minh bạch. Bởi vì việc thông báo, trả lời tại hội nghị không phải là văn bản pháp luật, hoàn toàn không phải là một hình thức văn bản pháp luật phù hợp. Điều này có thể tạo ra tiền lệ, sự rủi ro cực kỳ lớn trong áp dụng pháp luật, tạo ra sự không ổn định và chắc chắc của chính sách thuế, đi ngược lại với xu hướng một môi trường kinh doanh thuận lợi, dự đoán trước được.

Cần lưu ý rằng chính sách vốn mỏng dù đã áp dụng ở nhiều nước nhưng vẫn là chính sách gây tranh cãi, trong quá trình soạn thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp vừa qua, Ban soạn thảo đã dự kiến đưa quy định này vào nhưng đã có những phản biện rất mạnh mẽ chính vì thế Ban soạn thảo luật cũng đang rất cân nhắc. Chế định về vốn mỏng này nếu cần thiết phải đưa vào trong luật với quy trình soạn thảo cẩn trọng, có đánh giá tác động nhiều mặt, thông qua nhiều bước, nhiều vòng… Nên việc đưa một quy định tác động cực kỳ lớn tới cộng đồng doanh nghiệp bằng một thông báo, một lý giải tại cuộc họp trực tuyến là một thực tế rất đáng lo ngại.

- Xin cảm ơn ông!

Tại Hội nghị trực tuyến ngày 18/3/2021, Tổng cục Thuế thông báo “Công ty vay của ngân hàng thương mại với tỷ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch phát sinh giữa hai bên là giao dịch liên kết”. 
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Bất an vì vay ngân hàng bị áp thuế giao dịch liên kết: Đáng lo ngại! tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713567269 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713567269 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10