Một số quy định về kinh doanh bảo hiểm chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, VCCI cho rằng, một số quy định tại Dự thảo còn chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…
>> Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Giúp doanh nghiệp tự chủ hơn trong hoạt động
Trả lời Công văn số 9250/BTC-QLBH của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo quy định chi tiết một số điều tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó, có nhiều quy định liên quan đến hồ sơ, trình tự thủ tục hành chính. Để quy định có thể thực thi được ngay khi phát sinh hiệu lực và đảm bảo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng, các quy định cần đảm bảo đủ rõ ràng, cụ thể.
Và để hoàn thiện Dự thảo, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số điểm như:
Trong Điều 13 Dự thảo quy định, tài liệu theo hướng “tài liệu chứng minh” doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện theo quy định (ví dụ, trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn tái bảo hiểm phải có tài liệu “Tài liệu chứng minh tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn đáp ứng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Kinh doanh bất động sản”).
Theo VCCI, đây là các dạng quy định chưa đủ rõ ràng, vì trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ không thể biết tài liệu nào chứng minh đáp ứng điều kiện theo quy định (ví dụ, quy định tại Điều 13 Dự thảo, doanh nghiệp sẽ khó biết được tài liệu nào chứng minh “Lĩnh vực dự kiến đề nghị cấp giấy phép thực hiện tại Việt Nam là lĩnh vực mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài đang trực tiếp thực hiện hoặc có công ty con thực hiện tối thiểu trong 07 năm liên tục gần nhất”) và sẽ chịu rủi ro là cơ quan cấp phép sẽ yêu cầu các tài liệu không theo cách hiểu của doanh nghiệp. Điều này khiến cho quy trình, thủ tục có thể bị kéo dài.
Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo, chỉnh sửa các quy định có tính chất trên theo hướng quy định cụ thể loại tài liệu cần phải cung cấp trong hồ sơ.
>> Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Cần cụ thể từng chính sách của nhà nước
Bên cạnh đó, Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ được tính từ ngày “nhận đủ hồ sơ hợp lệ”, tuy nhiên, theo VCCI, trong một số quy trình thủ tục lại thiếu quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ (tính từ thời điểm nhận đầy đủ hồ sơ), ví dụ: quy định tại Điều 20, 21, 22, 23;…
“Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo, bổ sung về thời hạn xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ trong quy trình xem xét, thẩm định hồ sơ để đảm bảo tính minh bạch của quy định”, VCCI góp ý.
Ngoài ra, về các tài liệu trong hồ sơ cấp phép là hình thức của các điều kiện doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng. VCCI cho rằng, về cơ bản, quy định tại Dự thảo đã thể hiện được nguyên tắc này, tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa thực sự hợp lý, ví dụ: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn tái bảo hiểm (Điều 13)
Cụ thể, khoản 6 quy định, trong hồ sơ phải có “Danh sách thành viên góp vốn dưới 10% vốn điều lệ” và các giấy tờ kèm theo như “Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác”, “báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép”.
“Đây là tài liệu chưa phù hợp với quy định tại Điều 69 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Mặt khác, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng không đặt ra điều kiện đối với các thành viên góp vốn dưới 10%, vì vậy, yêu cầu các tài liệu về các chủ thể này là chưa phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 6”, VCCI góp ý.
Hay như khoản 12 yêu cầu, trong hồ sơ phải có “Văn bản cam kết của các thành viên góp vốn đối với việc đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy phép theo quy định tại Điều … Nghị định này và Điều 65 Luật Kinh doanh bảo hiểm” (khoản 12).
VCCI cho rằng, yêu cầu văn bản này là không cần thiết, khi các tài liệu khác trong hồ sơ đã chứng minh doanh nghiệp đáp ứng.
Chưa kể, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty cổ phần bảo hiểm, công ty cổ phần tái bảo hiểm (Điều 14) cũng có những tài liệu có tính chất tương tự ở trên tại khoản 7 và khoản 14.
“Việc yêu cầu các tài liệu không thể hiện các điều kiện được cấp phép sẽ làm phức tạp thêm hồ sơ thủ tục và gia tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo và loại bỏ các tài liệu có tính chất tương tự như nêu ở trên”, VCCI góp ý.
Ngoài những nội dung đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo cân nhắc, xem xét một số quy định liên quan đến: Quy định về chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam (Điều 33); Đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (Điều 52); Điều kiện đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm (Điều 75);…
Có thể bạn quan tâm
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Giúp doanh nghiệp tự chủ hơn trong hoạt động
04:00, 06/07/2022
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Cần cụ thể từng chính sách của nhà nước
18:50, 27/05/2022
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm tạo ra gánh nặng quản lý
04:00, 23/05/2022
Một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm còn chưa phù hợp thực tế
03:30, 17/05/2022
Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm: Còn nhiều quy định không chặt chẽ
03:50, 08/04/2022